Bên khẩn trương, bên đủng đỉnh
Tại công văn ngày 25.5, Bộ Công thương nhấn mạnh nhiều lần 2 chữ "khẩn trương" đối với Tập đoàn điện lực VN (EVN). Cụ thể, với các dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, hoàn tất hồ sơ pháp lý theo quy định, EVN khẩn trương đàm phán với chủ đầu tư các nhà máy điện mặt trời (ĐMT), điện gió chuyển tiếp về giá tạm thời và cho vận hành phát điện lên lưới; các nhà máy điện chuyển tiếp đã được Bộ phê duyệt giá tạm thời khẩn trương ký kết hợp đồng mua bán điện và rà soát các thủ tục để sớm cho vận hành phát điện lên lưới.
Các nhà máy điện còn lại khẩn trương thỏa thuận giá tạm thời với các chủ đầu tư trước ngày 27.5 để trình Bộ phê duyệt, tiến hành hoàn tất các thủ tục ký kết hợp đồng mua bán điện. Đồng thời "khẩn trương tối đa" xem xét các hồ sơ chủ đầu tư nộp, rà soát các yêu cầu đối với chủ đầu tư về thành phần hồ sơ đàm phán giá điện, đảm bảo đơn giản hóa thủ tục nhưng chặt chẽ, hợp lý và đúng quy định.
Còn 33% dự án năng lượng tái tạo chưa gửi hồ sơ đàm phán giá mới (GIA HÂN)
Cập nhật đến ngày 26.5 cho thấy có 52/85 nhà máy ĐMT, điện gió chuyển tiếp với tổng công suất 3.155 MW (chiếm tỷ lệ 67%) đã nộp hồ sơ đến EVN. Trong đó, 42 nhà máy với tổng công suất 2.258,9 MW đã và đang tiến hành thỏa thuận giá điện với EVN; 36 nhà máy với tổng công suất 2.063,7 MW đề xuất giá điện tạm bằng 50% khung giá làm cơ sở huy động. Đến chiều 26.5, EVN cập nhật có 16 dự án đã được nối lưới, đã và đang thử nghiệm; 19 dự án được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu và 25 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động. Tuy vậy, vẫn còn 33 nhà máy điện với tổng công suất 1.581 MW chưa gửi hồ sơ đàm phán (chiếm tỷ lệ khoảng 33%).
Theo Bộ Công thương, do "chạy đua" để kịp thời gian hưởng ưu đãi giá FIT, vì thời gian giải phóng mặt bằng và thi công quá gấp rút dẫn tới nhiều dự án có chi phí đầu tư rất đắt đỏ nên một số chủ đầu tư dự án điện tái tạo không đồng ý với khung giá mua điện mới của Bộ ban hành vào ngày 7.1 vừa qua. Đó cũng là một trong những lý do khiến việc đàm phán giá, gửi hồ sơ chậm, gây lãng phí nguồn lực thời gian dài. Thậm chí khung giá có từ tháng 1 nhưng đến tháng 3 Công ty Mua bán điện chỉ nhận được 1 hồ sơ của nhà đầu tư.
Thế nên, tuy đã "lệnh" cho ngành điện phải khẩn trương trong mọi công tác để sớm phát điện lên lưới, tránh lãng phí nguồn năng lượng, song nhiều chủ đầu tư vi phạm các quy định pháp luật về quy hoạch, đất đai, đầu tư xây dựng… đến nay vẫn chưa đáp ứng các thủ tục pháp lý, chưa thể đàm phán giá với EVN. "Một số chủ đầu tư đã được yêu cầu bổ sung hồ sơ từ cuối tháng 3.2023 nhưng sau 2 tháng vẫn không bổ sung được", đại diện Bộ Công thương nói và cho rằng đây là lúc các chủ đầu tư cần gấp rút hoàn chỉnh thủ tục và nộp hồ sơ để việc thỏa thuận giá điện không bị kéo dài, rút ngắn thời gian đưa các dự án này vào vận hành, từng bước giải quyết bài toán kinh doanh của doanh nghiệp.
Ai sẽ "gỡ" cho các dự án đang "vướng" ?
Ngày 24.5, tại cuộc họp với Bộ Công thương, EVN khẳng định EVN và Công ty Mua bán điện thuộc tập đoàn luôn hỗ trợ tối đa các chủ đầu tư nhằm hoàn thiện hồ sơ dự án đảm bảo theo đúng quy định. Mục đích để việc đàm phán giữa bên mua điện và bán điện được diễn ra nhanh nhất có thể. EVN sẵn sàng làm việc cả vào ngày nghỉ để đẩy nhanh tiến độ đàm phán. Tuy nhiên, một số dự án hiện còn nhiều vướng mắc về pháp lý và EVN rất khó huy động điện từ các dự án này, vì như thế không khác gì hợp pháp hóa vi phạm.
Tuy vậy, đến ngày 26.5, sau các chỉ đạo "nóng" tiếp theo của Bộ Công thương, EVN cho biết nguyên tắc bây giờ là "đẩy nhanh tiến độ rà soát hồ sơ và tiến hành đàm phán khẩn trương tối đa có thể, đồng thời đảm bảo quy định pháp luật. Mọi quy định cũng tương đối, quan trọng để các nhà máy lên lưới sớm nhất có thể, các thủ tục thiếu, không vi phạm pháp luật sẽ tính sau".
Bộ Công thương cũng thông tin đối với các nhà máy ĐMT, điện gió chuyển tiếp còn vướng mắc thủ tục pháp lý, Bộ đã có chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cũng như đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo sở công thương phối hợp với các chủ đầu tư để thẩm định thiết kế, thiết kế điều chỉnh (nếu có) và kiểm tra công tác nghiệm thu theo thẩm quyền. Đồng thời Bộ yêu cầu Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo hướng dẫn các chủ đầu tư vướng mắc về quy hoạch trong quá trình điều chỉnh chủ trương đầu tư. Trong quá trình triển khai dự án, các chủ đầu tư phải chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật về đất đai, xây dựng, điện lực, quy hoạch, môi trường, phòng cháy chữa cháy…
Theo quy định tại luật Điện lực, các dự án điện trước khi đưa vào khai thác cần được cấp giấy phép hoạt động điện lực. 25/85 nhà máy điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp (chiếm khoảng 18,8%) đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực vẫn còn quá thấp so với thực tế và nhu cầu về điện. Thậm chí ngay các dự án đã thống nhất giá tạm thời và được Bộ phê duyệt giá vẫn còn một số dự án chưa có giấy phép hoạt động điện lực. Đặc biệt, có đến 12 dự án chuyển tiếp đã nộp hồ sơ đàm phán giá nhưng chưa nộp hồ sơ cấp phép (gồm 11 dự án điện gió và 1 dự án ĐMT).
Ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, nhận xét: "Từ số liệu về giấy phép hoạt động điện lực đã được cấp nêu trên, có thể thấy việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý để cấp giấy phép hoạt động điện lực còn chưa được các chủ đầu tư quan tâm đúng mức, dẫn tới việc chậm trễ trong khâu chuẩn bị và nộp hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền". Ông Hòa khuyến cáo các chủ đầu tư việc thỏa thuận giá tạm và lập hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động điện lực trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công thương cần được thực hiện song song, khẩn trương tối đa, đúng hướng dẫn theo các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của các dự án trước pháp luật.
Như vậy, có thể hiểu vướng về kỹ thuật, đấu nối, hợp đồng mua bán… thuộc về EVN, vướng giấy phép hoạt động do Bộ Công thương "gỡ", vướng giấy phép nghiệm thu, môi trường, thiết kế… các địa phương nơi có dự án xem xét.
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN, nhận xét: Thực tế, khi Bộ Công thương và cả EVN với sự chỉ đạo của Phó thủ tướng trong Thông báo 182 ngày 17.5 của Văn phòng Chính phủ khẩn trương tháo gỡ, việc gỡ vướng thuộc ngành là có thể thực hiện được. Thậm chí có thể cho nhà đầu tư bổ sung một số giấy tờ sau. Thế nhưng, cũng theo ông Ngãi, mọi cái phải trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Nếu sai phạm lớn, không ai dám quyết thì không ai dám gỡ.
"Chẳng hạn những vướng mắc liên quan đến quy hoạch, phá vỡ quy hoạch, để kéo dài nhiều năm đến mấy chục dự án mà địa phương và ngành không thể giải quyết được, rõ ràng là phải lên tới Chính phủ. Nếu Chính phủ không xử lý dứt điểm các sai phạm về cơ chế, về quy hoạch thì các vướng mắc này vẫn nằm yên đó. Ở tầm này ngành điện hay Bộ Công thương không thể giải quyết được. Bên cạnh đó, ngoài yếu tố tích cực từ năng lượng tái tạo mang lại, cần nhìn nhận một thực tế là nguồn điện truyền thống như thủy điện, điện than vẫn đang chiếm sản lượng rất lớn. Chính yếu tố không ổn định của điện tái tạo khiến chúng ta vừa làm chính sách vừa dò thời tiết rất vất vả", ông Trần Viết Ngãi chia sẻ. /.
Để nhanh chóng đưa các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp vào vận hành, tránh lãng phí tài nguyên và kinh phí đầu tư của chính các nhà đầu tư, đồng thời bổ sung nguồn điện sạch cho hệ thống điện quốc gia, cần sự chung tay của chính quyền, doanh nghiệp trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
Ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực
|
Nguyên Nga/thanhnien.vn