Hoa vẫn chưa nở rộ, cỏ còn chưa được mướt xanh do cái nắng vùng biên như đổ lửa, nhưng đó là nỗ lực, đổi thay của Vĩnh Trị bây giờ, góc bình yên của người dân một xã từng nổi tiếng gian khó
UBND xã Vĩnh Trị có lẽ là một trong những UBND xã “lãng mạn” nhất chúng tôi từng đến. Giữa cái nắng trưa oi ả, giàn hoa sử quân tử trổ bông đỏ rợp mát một góc sân trụ sở. Dưới giàn hoa, vài chiếc ghế đá để sẵn, khách đến UBND xã có thể ngồi đón gió trong khi chờ đợi. Vùng quê gần biên giới bỗng dưng hóa bình yên với những giàn hoa, hàng cây tỏa bóng. Cái nắng miền phên giậu dường như dịu lại bởi những điều rất đỗi bình thường.
“Sợ không làm tròn trách nhiệm với dân”
Trước đây, Vĩnh Trị là một trong những xã khó khăn nhất huyện Vĩnh Hưng, đường sá nhiều nơi còn chưa có, người dân đi lại chủ yếu bằng xuồng. Giờ đây, Vĩnh Trị đang dần về đích xã văn hóa, nông thôn mới. Đổi thay dễ thấy là đường sá thông thoáng, đi lại dễ dàng; cảnh quan môi trường sạch, đẹp; đời sống người dân được nâng lên thông qua những mái nhà kiên cố.
Bước đi trên con đường đal trong ấp Xóm Mới, ông Nguyễn Văn Dư cười mãn nguyện: “Tui sống ở đây mấy chục năm, khó khăn, vất vả của xứ này đều từng trải hết. Ngày trước, ấp này không có đường sá, dân đi lại bằng ghe, xuồng là chủ yếu. Trẻ con đi học bên Gò Cát toàn phải đi xuồng, cực khổ, vất vả biết bao nhiêu. Bây giờ bước ra là đường rộng mở, xe máy chạy thẳng tới nhà. Học trò đi học cũng dễ dàng hơn. Xóm Mới giờ chỉ thiếu mỗi cây cầu chỗ bến đò nữa thì coi như có đủ. Điện, đường, trường, trạm không thiếu thứ gì. Đừng nói tivi, nhiều nhà người ta dùng tới Internet rồi!”.
Cả Vĩnh Hưng có lẽ chỉ Vĩnh Trị có “đặc sản thủ đô” (Trong ảnh: Hàng sấu xanh tốt trong Cụm dân cư Gò Cát)
Vĩnh Trị vẫn là xã còn nhiều khó khăn. Kinh tế chính của người dân địa phương là nông nghiệp nên đời sống chưa thể so sánh với nhiều xã, thị trấn khác trong tỉnh. Nhưng so với Vĩnh Trị trước đây thì hôm nay là “quả ngọt” của những ngày chung tay xây dựng. Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trị - Huỳnh Hoàng Đỉnh cho biết, trong vòng 5 năm, người dân Vĩnh Trị đã đồng lòng hiến trên 47ha đất cho các công trình của địa phương với tổng giá trị ước tính khoảng 50 tỉ đồng. Đó là động lực lớn để chính quyền xã nỗ lực không làm người dân thất vọng. Ông Đỉnh nói: “Người dân trong xã rất đồng lòng cùng chính quyền xây dựng xã văn hóa, nông thôn mới. Nhiều hộ hiến đến gần 2ha đất cho các công trình như bà Tạ Thị Nổi. Có người đóng góp nhiều cho các công trình cầu, đường như ông Nguyễn Văn Phạo. Có người lại rất nhiệt tình, tâm huyết trong việc vận động người dân như cựu chiến binh Mai Văn Trung. Sự nhiệt tình, tin tưởng đó của người dân giúp chính quyền có thêm động lực, niềm tin đưa xã tiến lên xã văn hóa, nông thôn mới. Chỉ có một điều chúng tôi sợ nhất, là không làm tròn trách nhiệm với dân!”.
Vì nỗi sợ ấy mà lãnh đạo địa phương luôn cố gắng gần dân, lắng nghe dân. Hầu như tất cả các đoàn vận động công trình nào của xã đều có sự góp mặt của lãnh đạo địa phương. Ngoài giờ hành chính làm việc tại cơ quan, các anh sắp xếp thêm thời gian ngoài giờ cùng tổ vận động xuống tận nhà dân.
Đôi câu chuyện, vài ly trà để hiểu nhau hơn, rồi từ đó vận động người dân đồng lòng thực hiện mục tiêu chung. Nhiều tuyến đường nhỏ, hẹp, lầy lội được thay mới bằng đường đal, nhiều cầu bêtông xây mới thay cho cầu cây lắt lẻo. Đời sống kinh tế của người dân từ đó cũng được nâng lên.
Mỗi tuần, các thành viên trong Tổ Thu gom rác cụm dân cư và người dân trong cụm lại ra quân quét dọn một lần
Xanh, sạch, đẹp
Thu nhập bình quân của người dân Vĩnh Trị hiện là 47 triệu đồng/người/năm. Toàn xã còn 22/1.594 hộ nghèo, chiếm 1,38%. Đời sống tinh thần của người dân cũng từng bước được nâng cao, xã có sân thể thao, sân bóng đá mini, công viên. Các ấp đều có nhà văn hóa, các câu lạc bộ sở thích thu hút người dân tham gia. Cảnh quan môi trường được cải tạo, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Đến thăm Cụm dân cư Gò Cát, chúng tôi khá ngạc nhiên với hàng sấu đang vươn cành xanh tốt. Những con đường trong khu dân cư sạch, đẹp, gọn gàng. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã Vĩnh Trị - Vũ Thị Lượn cho biết, cây sấu do UBND xã mua từ Hà Nội, trồng được ở cụm dân cư, người dân rất thích. Cả Vĩnh Hưng có lẽ chỉ Vĩnh Trị có “đặc sản thủ đô”. Bà Lượn vui vẻ: “Để giữ cụm dân cư sạch, đẹp, Hội Phụ nữ xã vận động xây dựng mô hình Thu gom rác cụm dân cư. Mỗi tuần, các thành viên trong Tổ Thu gom rác cụm dân cư và người dân trong cụm lại ra quân quét dọn một lần. Nhờ vậy, các tuyến đường trong cụm, từng ngõ nhà người dân đều sạch, đẹp. Chị Trần Thị Huỳnh Như - người dân ở cụm dân Gò Cát, vui vẻ nói: “Nhờ có mô hình mà cụm dân cư sạch sẽ hơn, ý thức mọi người cũng tốt hơn. Ngõ nhà ai nhà đó tự dọn dẹp, các hộ phơi lục bình trên lề đường, phơi xong cũng quét dọn sạch sẽ. Cứ cuối tuần là cả cụm lại đi dọn dẹp. Nhờ vậy, cụm dân cư mới được như vầy”.
Không chỉ có cụm dân cư, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã còn tham gia vận động người dân các ấp trồng hoa dọc các tuyến đường, trước cửa nhà nhằm tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Được hỗ trợ về kinh phí từ phía UBND xã, hội tổ chức trồng và chăm sóc các tuyến đường hoa mẫu tại 3 ấp Lò Gạch, Bàu Cát, Sậy Giăng và dự kiến tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới. Ngoài hoa hoàng yến do hội trồng và chăm sóc, hội còn vận động chị em hội viên tự trồng hoa trước nhà mình: Dâm bụt, trang, mười giờ, góp thêm chút hương sắc cho đường quê thêm bình yên, xinh đẹp.
Ông Huỳnh Hoàng Đỉnh nhận xét, nếu so với nhiều địa phương khác, Vĩnh Trị vẫn còn phải nỗ lực rất nhiều, nhưng so với Vĩnh Trị năm xưa thì ngày nay rất đáng tự hào. Niềm tự hào đó hiện rõ trên nụ cười vui vẻ của những người dân chiều chiều ra tập thể dục ở công viên nhỏ dọc cụm dân cư. Hoa vẫn chưa nở rộ, cỏ còn chưa được mướt xanh do cái nắng vùng biên như đổ lửa nhưng đó là nỗ lực, đổi thay của Vĩnh Trị bây giờ, góc bình yên của người dân một xã từng nổi tiếng gian khó!./.
Phương Phương