Tiếng Việt | English

06/04/2019 - 14:17

Google và Facebook hứng chịu chỉ trích tại Diễn đàn Truyền thông Arab

Tại Diễn đàn truyền thông Arab, nhiều đại biểu cho rằng Facebook và Google chưa làm tròn trách nhiệm trong việc ngăn chặn việc lan truyền những thông điệp kích động hằn thù và khủng bố.

Robot Mustafa Agha A20-5 được giới thiệu như "người dẫn chương trình của tương lai" ở Diễn đàn Truyền thông Arab 2019 tại Dubai (Nguồn: Khaleej Times)
Diễn đàn Truyền thông Arab vừa diễn ra tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất - UEA) hồi cuối tháng Ba vừa qua đã đặt ra nhiều câu hỏi về sự phát triển của truyền thông xã hội, trong bối cảnh có nhiều biến động chính trị tại khu vực này, mà mạng xã hội đóng một vai trò không nhỏ.

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng UAE Mohammed bin Rashid Al-Maktoum cho rằng: “Truyền thông sở hữu quyền lực bằng ngôn từ và nên sử dụng thứ quyền lực này để tạo ra tác động tích cực đối với cộng đồng… Truyền thông cần phải duy trì tính chuyên nghiệp và liêm chính ở mức cao”.

Tại phiên thảo luận với chủ đề “Chúng ta cần loại truyền thông gì?,” Giám đốc MBC Group – hãng truyền thông hàng đầu khu vực Trung Đông – Bắc Phi, ông Ali Jaber cho rằng những công ty công nghệ lớn như Facebook và Google chưa làm tròn trách nhiệm trong việc ngăn chặn việc lan truyền những thông điệp kích động hằn thù và khủng bố, và cần phải có biện pháp kiên quyết ngăn chặn tình trạng này.

Ông Jaber nêu rõ: “Các nền tảng kỹ thuật số đã trở thành những diễn đàn gây mê muội, mù quáng và hằn thù. Chúng (các nền tảng kỹ thuật số) cần phải có biện pháp kiên quyết ngăn chặn và hoạt động có tổ chức, và cần trở nên minh bạch hơn”.

Theo ông Jaber, các nền tảng kỹ thuật số cần phải là lực lượng tạo nên sự thay đổi tích cực và không phải là nơi tạo ra những tác động tiêu cực đối với xã hội mà chúng đã cho thấy trong mấy năm vừa qua.

Ông Jaber cho rằng “truyền thông xã hội đã giúp các nước trong khu vực có được một số quyền tự do, nhưng chúng lại gây ra những tác động tiêu cực bằng việc làm lan truyền tư tưởng cực đoan và khủng bố.

Ý kiến này đã nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu tham dự cuộc thảo luận, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải có những biện pháp đối phó kịp thời và thận trọng.

Một phiên thảo luận tại Diễn đàn Truyền thông Arab
Bên cạnh đó, ông Jaber cũng lưu ý tới trách nhiệm của các nhà báo trước thực trạng này, mà theo ông sẽ góp phần đẩy lùi những biểu hiện lệch lạc, ngăn chặn việc truyền bá những luận điệu sai trái trên truyền thông xã hội.

Ông Jaber cũng cảnh báo về những nguy cơ tiềm ẩn khi cho rằng “Google đã tác động đến đời sống của chúng ta mà chúng ta không thể tưởng tượng nổi, chúng ta không sống trong thế giới thực mà đang sống trong thế giới của Google.”

Bên cạnh chủ đề ngăn chặn việc lan truyền tư tưởng cực đoan, kích động hằn thù và khủng bố trên không gian mạng, nhiều đại biểu cũng đề cập tới vấn đề ngăn chặn tin giả, hay tình trạng lan truyền thông tin sai sự thật trên truyền thông xã hội.

Tại phiên thảo luận với chủ đề “Cùng đối phó với nạn tin giả”, ông Phil Chetwynd – Biên tập viên của Hãng tin AFP (Pháp) nhận định: “Chúng ta đang cố gắng ‘chơi trò thông tin sai’ bằng những đầu đề được giật tít lớn và khiếm nhã để thu hút sự chú ý… đã đến lúc chúng ta cần phải đánh giá tất cả mọi thứ mà chúng ta đang làm.”

Theo ông Chetwynd, nhiều thông tin hay câu chuyện lan truyền trên mạng xã hội đang thu hút lượng đọc giả nhiều hơn cả các cơ quan báo chí trong khi có nhiều thông tin sai sự thật và không được kiểm chứng.

Thực tế, cần có nhiều nỗ lực hơn nữa trong việc ngăn chặn vấn nạn tin giả trên mạng. Nhà báo Janna Jihad (Palestine) bày tỏ mong muốn rằng “tất cả mọi người sẽ nói những điều có thực.”

Còn nhà báo Daniel Funke đến từ Học viện Poynter (Mỹ) cho rằng “không khó để có thể phát hiện ra tin giả nhưng thực sự rất khó để nói về điều đó khi bạn muốn ‘can thiệp’ vào vấn đề này” và các nhà báo cần phải trở thành những người kiểm chứng thông tin nhanh nhạy để hạn chế tình trạng này.

Ngoài ra, diễn đàn cũng đề cập mối quan hệ giữa lĩnh vực truyền thông và chính trị. Nhà phân tích chính trị Abdel Monem Said cho hay: “Có một cuộc khủng hoảng giữa truyền thông và chính trị trong thế giới hiện đại.”

Theo ông Said, nhiều nhân vật thuộc giới truyền thông đã trở thành những chính trị gia và điều này tương tự như sự hiện thân của những vai trò giữa lĩnh vực chính trị và truyền thông. Ông Walid Phares – Cựu cố vấn về chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cho rằng “có sự thiếu hiểu biết trong công chúng Mỹ về những gì đang diễn ra trong thế giới Arab”.

Còn Trưởng ban biên tập của kênh truyền hình Al Arabiya (Saudi Arabia) có ý kiến rằng truyền thông, với công việc chuyên môn về truyền đạt thông tin của mình, cần thể hiện vai trò khách quan, không thiên vị và tạo cơ hội cho tất cả các bên được bày tỏ ý kiến hay quan ngại của mình, đặc biệt những vấn đề liên quan trong lĩnh vực chính trị.

Nhận định về tương lai của báo in, Tổng biên tập tờ Annahar (Liban) Nayla Tueni cho rằng “báo in sẽ không chết” và vẫn phải cần đến những tờ báo giấy trong thời đại ngày nay./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết