Tiếng Việt | English

14/03/2016 - 10:53

GS Lý Chánh Trung qua đời: vĩnh biệt một nhân sĩ dấn thân

Thông tin giáo sư Lý Chánh Trung qua đời ở tuổi 89 lúc 5g50 ngày 13-3 sau khoảng một tháng nằm bệnh khiến nhiều thân hữu trí thức bùi ngùi…

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu xúc động viếng giáo sư Lý Chánh Trung - Ảnh: Tự Trung

“Báo chí, tự nó không bao giờ là một sức mạnh. Sức mạnh của báo chí là sức mạnh của nhân dân, khi báo chí dám nói sự thật của đất nước và ý nguyện của nhân dân

Giáo sư 
Lý Chánh Trung

 “Nhớ những tháng ngày bọt biển và sóng ngầm, cùng anh và những người đồng chí hướng góp phần vì dân tộc”, “Thương tiếc một người đã sáng như ngọn đèn trong mọi hoàn cảnh âm u”, “Nhớ những bài báo sắc sảo của thầy đã cổ vũ và bảo vệ chúng em trong cuộc đấu tranh vì hòa bình”, “Bác đã có nhiều hoạt động đòi quyền tự do dân chủ, ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay giữa lòng thành phố Sài Gòn”...

Những dòng trong sổ tang của nhiều thế hệ học trò nhắc đi nhắc lại những dấu ấn sâu đậm trong đời giáo sư Lý Chánh Trung.

Đã nhiều năm ông chọn cách sống lặng lẽ sau một biến cố lớn trong gia đình, hôm nay ông nằm xuống, những câu chuyện về một thời sôi nổi, cống hiến trong đời bỗng sống dậy.

Giáo sư xuống đường

“Thầy dạy tôi môn triết học phương Tây, nhưng bài giảng của thầy không chỉ có những thuyết nhân sinh, hiện sinh... Bài giảng của thầy gắn chặt với tình hình đất nước, thân phận dân tộc. Thầy đã dạy chúng tôi biết lựa chọn con đường đấu tranh cho hòa bình và tin vào con đường đó” - ông Ngô Đa bồi hồi nhớ lại những ngày trên giảng đường Đại học Văn khoa.

Cuộc chiến tranh chi phối và có mặt trong từng bài học, không để cho ai có thể ngồi yên để mơ mộng, triết lý. Giờ triết của thầy Lý Chánh Trung luôn đông nghẹt sinh viên, luôn nóng bỏng những câu chuyện thời cuộc.

Và sau giờ giảng, từng nhóm sinh viên quây lấy thầy để bàn bạc chuyện phong trào. “Thầy hướng dẫn, cổ vũ và bảo vệ chúng tôi” - cô Cao Thị Quế Hương, một thủ lĩnh sinh viên ngày ấy, nhắc.

Sinh viên thường gọi thầy Lý Chánh Trung là “anh”, vì thầy gần gũi đến xóa cả khoảng cách của một giáo sư nổi tiếng. Thầy không chỉ dạy, không chỉ hướng dẫn, không chỉ ủng hộ, cổ vũ phong trào sinh viên bằng những bài báo sắc sảo, thuyết phục.

Thầy Lý Chánh Trung còn xuất hiện trong các buổi hội họp, phát động để diễn thuyết. Thầy còn xuất hiện trên đường phố trong các cuộc biểu tình của sinh viên, nhà báo. Và khi sinh viên bị bắt, thầy còn đến viện đại học để tuyệt thực, cùng gánh lấy những gian nan, nguy hiểm với học trò.

Giáo sư Lý Chánh Trung kể lại câu chuyện đó trên báo Tin Sáng ngày 2-10-1970: “Tấm biểu ngữ được trương lên, chúng tôi bắt đầu ngồi trên những bậc thềm bóng loáng của tòa viện trưởng. Tôi cảm thấy ngại ngùng, ngượng nghịu và cô đơn.

Ngoài Công trường Duy Tân (giờ là Công trường Quốc Tế - PV), xe cộ vẫn dập dìu xung quanh cái mu rùa vĩ đại, chẳng ai chú ý đến chúng tôi. Hai mươi nhà giáo cù lần đi tuyệt thực để đòi tự do cho mấy đứa học trò, thật là ít ỏi, yếu ớt, nhỏ nhoi, hầu như chẳng có ý nghĩa gì cả.

Nhưng chỉ vài phút sau, những người bạn đã có mặt. Cảnh sát cũng ùn ùn kéo tới. Không khí bắt đầu căng thẳng. Nhưng cũng đúng lúc ấy, tôi không còn cảm thấy cô đơn.

Tôi có cảm tưởng được đùm bọc bởi một tập thể rộng lớn, ấm cúng, bao gồm những khuôn mặt anh em thân thiết và đông đảo đồng bào chưa bao giờ biết mặt, quen tên...”.

Giáo sư Lý Chánh Trung dấn thân vào phong trào dân tộc như thế, mạnh mẽ, cứng cỏi bên ngoài và đầy ắp tình yêu thương, khao khát hòa bình bên trong.

Một học trò, ông Hoàng Nghĩa, đã từng viết những câu thơ tặng thầy trong những ngày cây bút “mặt đối mặt” cây súng ấy:

Thầy đã nói bằng lương tâm chưa hoen rỉ/ Để giờ đây cầm trát đi hầu tòa/ Thêm một trò chơi mệnh danh tự do dân chủ/ Nhớ từ đây còn “tội binh vực học trò”...

Một trong những người đã được thầy tuyệt thực để đòi tự do ngày hôm ấy, bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, hôm nay đang run run viết vào sổ tang: “Nhớ lắm thầy ơi, những ngày phong trào...”.

Bọt biển và sóng ngầm

Những ngày ấy được giáo sư Lý Chánh Trung đặt cho một cái tên: Bọt biển và sóng ngầm. Mỗi hành động, mỗi bài báo như một bọt biển, nhưng hàng ngàn hành động, hàng ngàn bài báo cùng quy về một hướng sẽ trở thành sóng ngầm.

Hướng ấy là hòa bình, hướng ấy là vì dân tộc. Trong Hồi ký không tên, người đồng nghiệp thân thiết của ông, nhà báo Lý Quý Chung, viết: “Các bài bút ký của anh Lý Chánh Trung trên tờ Điện Tín dưới tiêu đề chung “Bọt biển và sóng ngầm” thu hút số đông độc giả và gây một ảnh hưởng lớn trong cách suy nghĩ của nhiều giới tại Sài Gòn về tình hình đất nước, về thân phận của những người dân không có quyền tự quyết”.

Đến dự tang lễ hôm nay, từ học trò đến những người bạn, đồng chí của ông trong Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc sau này đều nhắc đến những bài bút ký chính luận ngắn gọn mà ấn tượng, sắc sảo mà cuốn hút của ông.

“Những bài báo của một trí thức lớn như thầy rất có sức mạnh. Thầy ủng hộ là chúng tôi yên tâm đấu tranh” - ông Ngô Đa nhắc lại.

Sức mạnh ấy đến từ ý thức rất rõ của giáo sư Lý Chánh Trung: “Báo chí, tự nó không bao giờ là một sức mạnh. Sức mạnh của báo chí là sức mạnh của nhân dân, khi báo chí dám nói sự thật của đất nước và ý nguyện của nhân dân” (“Hàng hàng lớp lớp” - báo Điện Tín 10-10-1974).

Và ông đã đưa sức mạnh của ý nguyện nhân dân đến diễn đàn Quốc hội. “Ông phê phán việc Quốc hội cứ “xuân thu nhị kỳ” đi họp như đi chơi. Kết quả là các kỳ họp Quốc hội đã ngày một nóng bỏng với những vấn đề cuộc sống đặt ra.

Ông đã đưa ra 16 đề nghị đổi mới hoạt động của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và hiện giờ đã được thực hiện hết” - ông Huỳnh Đảm, nguyên chủ tịch Mặt trận Tổ quốc VN, nhắc.

“Nhân sĩ trí thức như ông không còn được bao người” - ông Nguyễn Thiện Nhân, chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc VN, bùi ngùi như tự nói với mình.

Vì không còn được bao người nên người bạn chí thiết Nguyễn Đình Đầu, dù đã 96 tuổi vẫn run run đến tận bên linh cữu mà khóc ngất. Những ngày tháng hai ông cùng hoạt động vì hòa bình, vì dân tộc vẫn còn đó, in vào lịch sử.

Ông đi rồi, những mong ước của ông cho tương lai đất nước, dân tộc thì vẫn còn ở lại: “Tôi tin rằng dân tộc tôi sẽ vươn mình nắm lấy tương lai để thể hiện những ước mơ cao đẹp nhất, ước mơ muôn thuở của loài người” (“Tin nơi dân tộc” - Điện Tín 31-12-1972).

Chiều 13-3, các ông Nguyễn Minh Triết - nguyên chủ tịch nước, Lê Thanh Hải - nguyên bí thư Thành ủy TP.HCM, Đinh La Thăng - bí thư Thành ủy TP.HCM, Nguyễn Thiện Nhân - chủ tịch MTTQ VN, Huỳnh Đảm - nguyên chủ tịch MTTQ VN, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - phó bí thư Thành ủy TP.HCM, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu... cùng đông đảo các thế hệ học trò, thân hữu đã đến viếng giáo sư Lý Chánh Trung.

Linh cữu của ông được quàn tại nhà riêng ở số 17 đường Công Lý, phường Bình Thọ, Q.Thủ Đức, TP.HCM. Lễ viếng bắt đầu từ chiều 13-3, di quan vào 9g ngày 15-3, an táng tại nghĩa trang Hoa viên Bình Dương.

Phạm Vũ/tuoitre online

Chia sẻ bài viết