Nét đẹp văn hóa
Nhà Gia Tiên xoay quanh câu chuyện đa góc nhìn về các thế hệ khác nhau trong một gia đình, có hai nhân vật chính là Gia Minh (Huỳnh Lập thủ vai) và Mỹ Tiên (Phương Mỹ Chi thủ vai). Trở về căn nhà gia tiên, Mỹ Tiên - một nhà sáng tạo nội dung thuộc thế hệ gen Z vốn không tin vào chuyện tâm linh, bất ngờ nhìn thấy Gia Minh - người anh trai đã mất từ lâu. Để hồn ma của Gia Minh có thể siêu thoát, cả 2 đã lên kế hoạch giữ lấy căn nhà gia tiên đang bị họ hàng tranh chấp, đòi ông nội chia tài sản.
Đám giỗ là một nét đẹp trong văn hóa người Việt. Đây không chỉ là dịp để tưởng nhớ tổ tiên mà còn là cơ hội để các thế hệ trong gia đình quây quần, gắn kết tình thân. Tuy nhiên, trong nhịp sống hiện đại, những lễ nghi này đôi khi bị xem nhẹ, thậm chí trở thành áp lực đối với một số người trẻ. Nhân vật Mỹ Tiên vốn không mấy quan tâm đến phong tục, tập quán, dần thay đổi suy nghĩ sau khi hiểu được ý nghĩa sâu sắc của đám giỗ.
Poster phim Nhà Gia Tiên
Một điểm nhấn thú vị trong phim là đại cảnh đám giỗ, đạo diễn Huỳnh Lập đã hóa trang toàn bộ dàn diễn viên đóng vai tổ tiên với tông màu trắng đen. Ý tưởng này xuất phát từ những bức ảnh cũ của ông bà mà theo thời gian dần phai màu, chỉ còn lại hai sắc thái cơ bản. Bằng cách thể hiện trực quan này, Huỳnh Lập mong muốn tái hiện hình ảnh tổ tiên trở về sum họp cùng con cháu một cách sinh động, gần gũi và đầy cảm xúc.
Có cơ hội tham gia phim Nhà Gia Tiên, diễn viên Hồng Trang chia sẻ: “Phân cảnh đám giỗ quay suốt 2 ngày 2 đêm, dù chỉ là vai phụ nhưng tôi cảm nhận rõ sự tâm huyết của ê-kíp và đạo diễn Huỳnh Lập. Ngay từ khi nghe tên phim, tôi đã thích, đến khi bước vào cảnh quay là một gian nhà thờ cổ thì càng ấn tượng hơn. Hy vọng khán giả xem xong sẽ thêm trân trọng những giá trị truyền thống mà tác phẩm muốn truyền tải”.
Trong phim Nhà Gia Tiên, tiệm bánh xèo Hai Thế không chỉ là một bối cảnh mà còn mang ý nghĩa biểu tượng về truyền thống gia đình. Đạo diễn Huỳnh Lập lựa chọn bánh xèo làm nghề gia truyền của nhân vật Gia Minh và Mỹ Tiên không chỉ bởi đây là món ăn quen thuộc của miền Tây mà còn gắn liền với ký ức tuổi thơ của anh, là nghề đã giúp bà ngoại của Huỳnh Lập nuôi cả gia đình. Trong những phân cảnh đổ bánh xèo, Huỳnh Lập đã mời chính những người thân trong gia đình góp mặt đổ bánh theo công thức do bà ngoại để lại.
Hồn quê trên từng tấm tranh kiếng
Điểm nổi bật trong phim là tái hiện nghệ thuật tranh kiếng, một phần di sản văn hóa đang dần bị mai một. Ngay từ poster đầu tiên, Huỳnh Lập đã khéo léo lồng ghép hình ảnh bức Cửu huyền thất tổ bằng tranh kiếng, một nét đặc trưng thường thấy trong các ngôi nhà cổ ở miền Tây. Chính sự quan sát thực tế đã thôi thúc anh đưa tranh kiếng trở thành chi tiết quan trọng trong phim. Trước đây, tranh kiếng từng phát triển mạnh với nhiều đề tài thờ cúng, tôn giáo, trang trí nhưng dần bị lấn át bởi công nghệ in ấn hiện đại.
Chị Phạm Thị Thủy Tiên (team sản xuất và thiết kế đạo cụ tranh kiếng - phim Nhà Gia Tiên) cho biết, để tái hiện chính xác nhất những bức tranh kiếng được vẽ tay hoàn toàn theo phong cách Nam Bộ thời xưa sẽ xuất hiện trong phim, ê-kíp đã tìm về những làng tranh kiếng và thu gom, phục chế từng bức tranh đang mục nát, sắp bị đem bỏ. Đồng thời, một số bức tranh kiếng còn được nghệ nhân vẽ theo ý tưởng của đạo diễn Huỳnh Lập để sử dụng xuyên suốt quá trình quay phim.
“Bây giờ, hầu hết tranh kiếng đều làm bằng công nghệ in nên tìm một nghệ nhân vẽ tay rất khó. Vẽ tranh kiếng là vẽ ngược trên mặt sau của kiếng, đòi hỏi sự tập trung cao. Cách vẽ ngày nay cũng khác xưa, từ kỹ thuật cẩn xà cừ đến dùng sơn thay cho màu bột truyền thống. Vì tiến độ phim gấp rút, tụi mình phải tìm nhiều phương án hỗ trợ. May mắn là khi tìm hiểu, mình biết đến group tranh Kiếng Nam Bộ và liên hệ anh Trần Xuân Duy, nhờ cha anh - nghệ nhân Trần Văn Nhanh phục dựng một số tranh kiếng trong phim” - chị Tiên chia sẻ.
Người hỗ trợ đoàn phim vẽ lại tranh kiếng là nghệ nhân Trần Văn Nhanh (SN 1958, ngụ xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An). Chia sẻ về điều này, ông Nhanh cho biết, từ những giai đoạn đầu của phim, ê-kíp đã liên hệ để đặt làm một bức tranh kiếng theo phong cách Nam Bộ xưa, đồng thời phục hồi một số bức tranh cũ bị xuống cấp sao cho phù hợp với bối cảnh phim. Ban đầu, ông Nhanh cũng lo lắng về tiến độ cũng như quá trình vận chuyển từ huyện Cần Đước đến TP.Cần Thơ bởi tranh kiếng 3 li là loại tranh đặc thù, dễ vỡ, đòi hỏi cẩn trọng trong từng khâu. Ông Nhanh cho biết thêm: “Bối cảnh phim có ba gian thờ: Gian chính thờ Phật, một gian thờ Cửu huyền thất tổ và gian còn lại phải là một bức tranh vẽ cảnh, yêu cầu bắt buộc là tranh vẽ chứ không dùng tranh in. Mỗi bộ tranh đều đi kèm một câu đối riêng, không trùng lặp. Cái khó là phải phối màu sao cho tranh mang nét xưa cũ, không quá tươi để phù hợp với không gian phim. Sau khi thống nhất về kiểu tranh và kích thước, tôi bắt tay vào làm. Khoảng 2 tuần sau, bộ tranh hoàn thành đúng tiến độ, kịp phục dựng cả những bức cũ”.
Được biết, phim điện ảnh Nhà Gia Tiên chính thức khởi chiếu tại các rạp trên toàn quốc từ ngày 21/02/2025 nhưng trước đó, từ 18 giờ ngày 19/02 và cả ngày 20/02 đã có những suất chiếu đặc biệt./.
Khánh Duy