Các mương trữ nước trong vườn chanh của người dân đã khô cạn
Nước tích trữ đã cạn kiệt
Qua ghi nhận của phóng viên vào chiều ngày 21/4, ở “thủ phủ” trồng chanh xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức, có gần 2.100ha. Vụ này hầu hết diện tích chanh đều đã thu hoạch trái. Tuy nhiên, hiện tại có nhiều diện tích thiếu nước tưới.
“Sau khi thu hoạch, cây chanh cũng bị suy nhược nên đang rất cần được chăm sóc, dưỡng sức trở lại. Thế nhưng, với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn và thiếu nước tưới như hiện nay thì nhiều nông dân đang khá lo lắng cây chanh bị chết” - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Hòa - Nguyễn Hoài Vũ cho biết.
Nguồn nước tưới cho cây chanh ở xã lấy từ nguồn sông Vàm Cỏ Đông vào. Sau những năm xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn, người trồng chanh ở xã cũng có nhiều kinh nghiệm khi đào ao trong các vườn chanh để sẵn sàng trữ nước trước ngọt. Khi có dự báo ngoài sông Vàm Cỏ Đông sắp bị nhiễm mặn thì tiến hành đóng chặn nguồn nước từ ngoài sông chảy vào để ngăn nước mặn xâm nhập vườn cây trồng. Theo đó, nguồn nước tích trữ ở các kênh, rạch, ao sẽ được sử dụng tưới dần cho cây chanh.
Tuy nhiên, thời gian qua, trời nắng nóng gay gắt, cộng với việc bơm để tưới cho cây chanh nên nguồn nước các kênh, rạch, ao chứa nước này cũng đã cạn. Gia đình ông Trần Thanh Sơn (ấp 2, xã Thạnh Hòa) hiện có khoảng 1ha (500 gốc chanh) 3 đến 4 năm tuổi. Vụ này, ông Sơn đã thu hoạch cơ bản xong, với giá bán ở mức khá cao. Hiện tại còn khoảng 1 tấn trái chưa thu hoạch. Dù vậy, gia đình đang đứng trước nỗi lo vườn chanh bị thiệt hại nặng do hạn hán, xâm nhập mặn.
“Trước khi nguồn nước sông Vàm Cỏ Đông qua địa bàn bị nhiễm mặn, tôi đã tích trữ được hơn 10 mương nước ở trong vườn (mỗi mương chứa được 60 - 70 khối nước). Tuy nhiên, khoảng 10 ngày nay đã cạn kiệt. Vì thiếu nước tưới nên một số cây chanh cũng bắt đầu có dấu hiệu bị xào lá”, ông Trần Thanh Sơn thông tin.
Hạn, mặn đã và đang ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân
Huyện Bến Lức có diện tích cây chanh khoảng 7.000ha. Đây là cây trồng chủ lực của huyện thời gian qua, làm thay đổi cuộc sống của người dân địa phương, góp phần phát triển KT-XH của địa phương. Ở địa phương đã triển khai nhiều mô hình hỗ trợ giúp người dân phát triển sản xuất và mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, do điều kiện bất lợi của thời tiết ảnh hưởng biến đổi khí hậu như nhiệt độ cao nắng nóng, hạn, mặn kéo dài làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây chanh.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Lức - Lê Văn Nam, đến hiện tại, hạn hán, xâm nhập mặn chủ yếu mới gây tác động, ảnh hưởng chứ chưa gây ra thiệt hại, nhưng nếu hạn hán kéo dài thì rất đáng lo ngại. Địa phương thường xuyên đi khảo sát, kiểm tra và theo dõi, cập nhật diễn biến tình hình hạn hán, xâm nhập mặn.
Khuyến cáo của ngành chuyên môn
Nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Long An, thời gian tới, hiện tượng nắng nóng, nhiệt độ cao, xâm nhập mặn còn diễn ra rất phức tạp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến một số cây trồng như lúa, ổi, mít, đu đủ, chanh.
Theo khuyến cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Lức, hiện nay, độ mặn trên các tuyến sông chính và kênh, rạch trên địa bàn huyện nếu tưới cho cây chanh sẽ bị ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng và làm giảm năng suất cho nhiều vụ tiếp sau.
Ngành Nông nghiệp cũng khuyến cáo không sử dụng hóa chất hoặc chất khích thích tăng trưởng tưới rễ, phun lên lá, không xử lý ra hoa trái vụ, không để nhiều trái và neo trái thời gian dài, không bón nhiều phân vô cơ; không nhổ cỏ hoặc phun thuốc diệt cỏ.
Nhiều diện tích chanh có khả năng giảm năng suất, chất lượng do hạn, mặn
Để bảo vệ cây chanh trong mùa hạn, mặn, người dân nên tưới tiết kiệm nước ngọt hoặc phun nước có pha phân bón lá dạng hữu cơ không có chất kích thích tăng trưởng vào chiều mát hoặc buổi tối. Người dân có thể dùng cỏ khô, rơm rạ, xơ dừa phủ xung quanh gốc cây chanh để làm giảm bốc thoát nước và mát rễ; cắt tỉa cành, giảm sự bốc thoát nước qua lá và giảm mất cân đối giữa tán lá và rễ; bón phân hữu cơ hoặc tưới phân hữu cơ không có chất kích thích tăng trưởng.
Về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền cho biết, hiện nay, độ mặn xâm nhập sâu vào trong các kênh, rạch làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất. Do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn nên trong mùa khô này đã có khoảng 5.000ha chanh và cây ăn trái đang thiếu nước tưới, khả năng sẽ bị giảm năng suất, sản lượng. Trong đó, huyện Bến Lức có gần 1.500ha; huyện Thủ Thừa có gần 1.500ha; huyện Thạnh Hóa có hơn 1.000ha; huyện Tân Trụ có hơn 600ha; TP.Tân An và huyện Đức Hòa có hơn 80ha;…
Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh - Võ Kim Thuần, để ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất, tỉnh tổ chức thực hiện nhiều giải pháp công trình và phi công trình với mục đích tạo nguồn cấp nước, kiểm soát mặn, bảo vệ sản xuất và dân sinh.
Cụ thể, kiểm tra, rà soát, khoanh vùng các khu vực thường xuyên xảy ra khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn để thực hiện các giải pháp công trình như nạo vét, đắp đập tạm, lắp đặt các trạm bơm dã chiến nhằm kịp thời dẫn nước, trữ nước phục vụ sản xuất. Cho hoạt động các trạm bơm dã chiến tại các cống đầu mối: Cống Rạch Đào, Cây Gáo trên kênh Thủ Thừa; Cống Rạch Chanh, huyện Bến Lức;... để bơm nước vào đồng khi kiểm tra độ mặn bảo đảm phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành tiến hành rà soát, tổng hợp các danh mục công trình ưu tiên cấp bách để triển khai thi công ngay bằng các nguồn lực sẵn có của tỉnh hoặc huy động trong Nhân dân nhằm bảo đảm ngăn mặn, bảo vệ nguồn nước ngọt hiện có trong khu vực nội đồng. Các cấp, các ngành kiểm tra các tuyến đê bao xung yếu, cống đầu mối để kịp thời phát hiện sự cố và sửa chữa, khắc phục ngay, không để nước mặn rò rỉ vào nội đồng gây ảnh hưởng chất lượng nguồn nước ngọt.
Nguồn nước tưới cho cây chanh đang bị thiếu hụt trầm trọng
Đồng thời, các cấp, các ngành thực hiện các giải pháp để bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân tại các địa phương bị ảnh hưởng thiếu nước; tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm, đúng mục đích trong sinh hoạt hàng ngày; tham gia hưởng ứng việc lấy nước sinh hoạt từ các điểm tập kết nước do chính quyền địa phương tổ chức cấp nước hỗ trợ.
"Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi phối hợp Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh tổ chức kiểm tra, đo đạc chất lượng nước trên các tuyến sông trong tỉnh; thông báo kết quả 2 lần/tuần đến các cấp, các ngành có liên quan để thông tin đến người dân chủ động tích trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt; kịp thời đăng tải các nội dung phòng, chống hạn, xâm nhập mặn trên webtise Phòng, chống thiên tai của tỉnh (htps:www//pctt.longan.gov.vn)" - ông Võ Kim Thuần thông tin.
Đến đầu tháng 4/2024, ranh mặn 1‰ và 4‰ trên sông Vàm Cỏ Đông đã vượt qua lần lượt là 88km và 72km; trên sông Vàm Cỏ Tây đã vượt qua lần lượt là 110km và 86km.
Do tác động nặng nề của tình trạng xâm nhập mặn nên hiện nay, trên địa bàn các huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ, Châu Thành, Bến Lức, Thủ Thừa, Thạnh Hóa và TP.Tân An, nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiếu hụt nước ngọt để tưới, hàng ngàn hộ dân sinh sống trên địa bàn huyện Cần Giuộc bị thiếu nước sạch sinh hoạt.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Long An, từ ngày 10 - 20/4, ranh mặn 4‰ trên sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây xâm nhập sâu 90 - 100km.
Trước tình hình hạn, mặn xảy ra phức tạp trong mùa khô 2024, ngày 17/4, UBND tỉnh đã ban hành quyết định công bố tình huống thiên tai xâm nhập mặn cấp độ 4.
UBND tỉnh Long An cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính xem xét hỗ trợ kinh phí 157 tỉ đồng để tỉnh thực hiện phòng, chống hạn, mặn, bảo vệ sản xuất và phục vụ dân sinh./.
|
Lê Đức