Thiệt hại 55 tỉ đồng
Mùa khô năm 2019-2020, trên địa bàn tỉnh, xâm nhập mặn bắt đầu xuất hiện giữa tháng 11-2019 (sớm hơn 1 tháng so với cùng kỳ năm 2018-2019; sớm hơn nửa tháng so với hạn, mặn lịch sử năm 2015-2016) và diễn ra gay gắt, phức tạp, khó lường,…
Để ứng phó với diễn biến phức tạp của hạn, xâm nhập mặn, UBND tỉnh ban hành nhiều công văn, kế hoạch thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn, mặn, công bố tình huống khẩn cấp xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là việc đẩy mạnh phát triển thủy lợi nội đồng; huy động mọi nguồn lực, phát động phong trào toàn dân tham gia phòng, chống hạn, xâm nhập mặn. Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên theo dõi, đo đạc, kiểm tra chất lượng nước trên các tuyến sông, kênh, rạch, kịp thời thông báo đến các địa phương, người dân nắm bắt thông tin, chủ động phòng ngừa, ứng phó với hạn, xâm nhập mặn.
Ước tính tổng thiệt hại do hạn, mặn năm 2019-2020 tại tỉnh là 55 tỉ đồng, giảm sâu so với thiệt hại năm hạn, mặn lịch sử 2015-2016 là 194 tỉ đồng
Mặc dù nhận định sớm tình hình và chủ động trong công tác phòng, chống, ứng phó với hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn nhưng thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra. Theo thống kê, toàn tỉnh có khoảng 806ha lúa bị mất trắng, 1.940ha giảm năng suất từ 30-70%, một số diện tích trồng chanh tại các huyện: Bến Lức, Thủ Thừa và TP.Tân An bị thiệt hại do phèn, mặn và sốc nhiệt, ước tổng thiệt hại do hạn, mặn năm 2019-2020 là 55 tỉ đồng, giảm sâu so với thiệt hại hạn, mặn lịch sử năm 2015-2016 là 194 tỉ đồng.
Từ kinh nghiệm trong ứng phó với hạn, mặn vào những năm trước, huyện Tân Trụ chủ động gia cố, nâng cấp các tuyến đê bao, cống đập, ngăn mặn, trữ ngọt,… nhưng nhiều diện tích lúa Đông Xuân trên địa bàn vẫn bị ảnh hưởng. Theo thống kê, toàn huyện có hơn 1.000ha lúa bị ảnh hưởng, trong đó, có hơn 700ha bị thiệt hại hơn 70%, gần 300ha thiệt hại từ 30-70%.
Ông Phạm Văn Nhớ, ngụ xã Bình Trinh Đông, cho biết: “Mấy chục năm canh tác trên vùng đất này nhưng chưa bao giờ gặp cảnh hạn, mặn gay gắt như năm nay. Do không có nước tưới, hơn 3ha sản xuất lúa (đã 60 ngày tuổi) của gia đình bị thiệt hại hoàn toàn, ước tính tổn thất hơn 30 triệu đồng”.
Còn huyện Thủ Thừa có trên 1.500ha lúa bị ảnh hưởng do hạn, mặn, trong đó, có 1.485ha lúa bị thiệt hại dưới 30%; gần 110ha lúa, rau màu bị thiệt hại trên 70%; ngoài ra, một số diện tích cây ăn trái bị ảnh hưởng sự sinh trưởng và phát triển.
Phục hồi sản xuất nông nghiệp sau hạn, mặn
Sau những cơn mưa đầu mùa, những ngày qua, nông dân các huyện phía Nam của tỉnh tất bật vệ sinh đồng ruộng, khơi thông kênh, mương nội đồng để gieo sạ lúa Hè Thu (HT) năm 2020 theo lịch thời vụ mà ngành nông nghiệp khuyến cáo.
Sau hạn, mặn, huyện Tân Trụ tập trung phục hồi diện tích cây trồng, nhất là sản xuất lúa vụ HT năm 2020. Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Trịnh Phước Trung thông tin: “Để sản xuất vụ lúa HT đạt hiệu quả, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn hướng dẫn nông dân chủ động vệ sinh đồng ruộng, cày xới, bón vôi, rửa mặn, trục đất, khuyến cáo một số giống lúa phù hợp với từng mùa vụ và gieo sạ đúng lịch thời vụ”.
Đến thời điểm này, toàn tỉnh gieo sạ lúa Hè Thu năm 2020 được 214.558/217.640ha, đạt hơn 98% kế hoạch
Theo kế hoạch, vụ HT 2020, huyện Tân Trụ dự kiến gieo sạ khoảng 4.800ha. Tuy nhiên, đến nay, toàn huyện đã gieo sạ được hơn 3.000ha, tập trung chủ yếu các xã vùng cao: Lạc Tấn, Quê Mỹ Thạnh, Bình Lãng, Bình Tịnh,… với các giống lúa chủ lực như Đài thơm 8, Nàng Hoa, RVT,... Đây là những giống lúa được nông dân ưa chuộng vì có thời gian sinh trưởng ngắn, cứng cây, kháng nhẹ một số sâu, bệnh như rầy nâu, đạo ôn, cháy bìa lá, cho năng suất cao, chất lượng hạt gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Hiện nay, độ mặn trên sông đã giảm, số diện tích còn lại địa phương tiến hành mở các cống, đập để nông dân chủ động tháo chua, rửa mặn và xuống giống vụ HT.
“Những ngày gần đây, trên địa bàn xuất hiện nhiều cơn mưa lớn, gia đình tôi chủ động vệ sinh đồng ruộng, cày trục đất xả phèn, mặn và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để xuống giống hơn 3ha lúa vụ HT cho kịp thời vụ” - ông Phạm Văn Nhớ, ngụ xã Bình Trinh Đông, cho biết.
Kế hoạch vụ lúa HT 2020, huyện Thủ Thừa xuống giống 16.733ha, năng suất ước đạt 47,8 tạ/ha, sản lượng 79.924 tấn. Đến nay, toàn huyện đã gieo sạ được trên 16.007ha, đạt 95,7% kế hoạch. Hiện trà lúa đang giai đoạn mạ đẻ nhánh, nhóm giống chủ lực vẫn là nếp IR 4625,… Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thủ Thừa - Nguyễn Văn Chót, để sản xuất lúa HT đạt hiệu quả, ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp chủ động rà soát, bố trí kế hoạch xuống giống lúa HT hợp lý, bảo đảm thời gian cách ly với vụ Đông Xuân ít nhất 3 tuần, thích ứng, linh hoạt với diễn biến nguồn nước tại các vùng chủ động được nước, vùng có nguy cơ thiếu nước, vùng có khả năng ảnh hưởng lũ sớm. Đặc biệt, những vùng bị nhiễm mặn khuyến cáo nông dân trước khi gieo sạ chú ý cày xới, rửa mặn; các vùng không chủ động được nước kiên quyết không gieo sạ khi chưa bắt đầu mùa mưa nhằm tránh thiệt hại. Để phục hồi diện tích cây ăn trái bị ảnh hưởng do hạn, mặn, cần tăng cường bón phân kali và phân giàu nguyên tố canxi, magie, silic, kết hợp phun bổ sung phân bón qua lá; bón lót phân hữu cơ nhằm tăng độ mùn, giúp hệ sinh vật trong đất phục hồi nhanh, làm đất tươi xốp giữ nước tốt hơn.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện, để nông dân sản xuất vụ HT 2020 đạt hiệu quả, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn thường xuyên quan trắc chất lượng nguồn nước trên các sông, kênh, rạch,… khơi thông dòng chảy, bảo đảm nước ngọt tới đâu thì khuyến cáo gieo sạ tới đó; tập trung xuống giống các diện tích còn lại theo kế hoạch; những nơi bị nhiễm mặn do sản xuất vụ Đông Xuân 2019-2020, khuyến cáo nông dân chỉ xuống giống khi ruộng đã được rửa mặn; kiểm tra, củng cố cải tạo hệ thống thủy lợi nội đồng (đê bao, bờ bao); chuẩn bị tốt công tác ứng phó mưa, bão, lũ bất thường.
Đối với diện tích lúa HT đã xuống giống, các địa phương tập trung khuyến cáo nông dân: Thăm đồng thường xuyên để sớm phát hiện và phòng trừ sinh vật gây hại hiệu quả; bón phân cho lúa phải cân đối thành phần N-P-K, áp dụng quy trình kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 6 giảm”, áp dụng công nghệ sản xuất nhằm giảm giá thành, bảo vệ môi trường và tăng lợi nhuận. Các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng do hạn, mặn cần có giải pháp chuyển vụ phù hợp, tránh tình trạng sản xuất 3 vụ/năm sang 2 vụ lúa - 1 vụ màu ở những vùng khó khăn nguồn nước, không đáp ứng đủ cho sản xuất 3 vụ để khắc phục tình trạng hạn, xâm nhập mặn trong vụ Đông Xuân như những năm trước đây. Một số diện tích xuống giống HT muộn ở các huyện Mộc Hóa, Thạnh Hóa, Thủ Thừa cần gia cố hệ thống đê bao ở các vùng trũng thấp để tránh lũ chụp vào cuối vụ.
Đối với diện tích cây ăn trái trong vùng ảnh hưởng lũ cần gia cố đê bao, cống, bảo đảm vững chắc ngăn lũ và triều cường. Những diện tích trồng mới trong mùa mưa cần dùng các biện pháp che chắn mưa, gió cho cây. Vào đầu mùa mưa, rễ cây thường yếu, sâu, bệnh dễ bộc phát, do đó cần bón các loại phân có tỷ lệ dinh dưỡng cân đối. Kiểm soát tốt việc phát triển diện tích cây trồng, đặc biệt chuyển đổi từ đất lúa sang các loại cây ăn trái phải phù hợp với điều kiện sinh thái, đất đai, nguồn nước, thị trường tiêu thụ.
Đối với diện tích cây rau màu và cây trồng ngắn ngày, tùy theo điều kiện cụ thể của mỗi vùng để khuyến cáo lịch thời vụ xuống giống phù hợp cho từng loại cây trồng. Sử dụng giống có năng suất cao, phù hợp thị trường và phát triển theo hướng cánh đồng lớn, có liên kết doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm./.
Đến thời điểm này, toàn tỉnh gieo sạ lúa Hè Thu năm 2020 được 214.558/217.640ha, đạt hơn 98% kế hoạch. Số diện tích gieo sạ sớm đã thu hoạch được hơn 45.000ha, năng suất đạt 56,3 tạ/ha (lúa khô), sản lượng gần 255.000 tấn. Số diện tích còn lại (tập trung ở các huyện phía Nam), ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân tập trung vệ sinh đồng ruộng, xuống giống lúa vụ Hè Thu đạt kế hoạch đề ra. |
Văn Đát