Tiếng Việt | English

19/03/2020 - 19:36

Hàng loạt doanh nghiệp lớn toàn cầu lao đao vì đại dịch COVID-19

Những tác động về kinh tế của dịch bệnh COVID-19 đang đe dọa sự sống còn của nhiều công ty và doanh nghiệp, buộc các chính phủ phải đưa ra các biện pháp hỗ trợ, bao gồm cả hỗ trợ tài chính.

Hàng loạt công ty phải đóng cửa, ngừng sản xuất do dịch bệnh COVID-19. (Nguồn: AFP)

Hàng loạt công ty phải đóng cửa, ngừng sản xuất do dịch bệnh COVID-19. (Nguồn: AFP)
Cắt giảm nhân sự, chi phí và tạm thời không chia cổ tức... là những động thái mà nhiều công ty đang nỗ lực thích nghi trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan nhanh chóng và các biện pháp nghiêm ngặt của chính phủ nhằm kiềm chế dịch bệnh đang khiến hoạt động sản xuất và nhu cầu giảm mạnh.

Những tác động về kinh tế của dịch bệnh đang đe dọa sự sống còn của nhiều công ty và doanh nghiệp, buộc các chính phủ phải đưa ra các biện pháp hỗ trợ, bao gồm cả hỗ trợ tài chính.

Một số "đại gia" công nghiệp, đặc biệt là ngành chế tạo ôtô, đã phải giảm hoặc thậm chí tạm ngừng hoạt động sản xuất.

Các hãng General Motors, Fiat Chrysler và Ford - 3 nhà chế tạo ôtô lớn của Mỹ thông báo sẽ tạm ngừng hoạt động trên khắp khu vực Bắc Mỹ cho đến cuối tháng này.

Nissan ngừng sản xuất tại nhà máy ở Sunderland, miền Bắc nước Anh. Đây là nhà máy lớn nhất của Nissan ở châu Âu với khoảng 7.000 lao động đang làm việc.

Nissan cũng đóng cửa các nhà máy tại Tây Ban Nha và Indonesia.

Hãng Peugeot-Citroen của Pháp đóng cửa toàn bộ cơ sở sản xuất tại châu Âu. Hãng VW của Đức cũng cho biết sẽ đóng cửa các nhà máy ở châu Âu trong khoảng 2-3 tuần.

BMW đình chỉ hoạt động sản xuất tại châu Âu và Nam Phi trong vòng một tháng. Renault đóng cửa các nhà máy tại Pháp, Tây Ban Nha và Slovenia, cũng như Romania, Bồ Đào Nha và Maroc.

Scania - công ty con của Volkswagen tạm ngừng hoạt động sản xuất xe tải do tình trạng gián đoạn trong chuỗi cung ứng.

Đại gia lốp xe Michelin cũng ngừng sản xuất tại Tây Ban Nha, Pháp và Italy trong ít nhất là 1 tuần.

Tập đoàn chế tạo máy bay Airbus cũng đình chỉ hoạt động tại các nhà máy ở Pháp và Tây Ban Nha trong vòng 4 ngày để cải thiện sự an toàn tại nơi làm việc.

Ngay cả các ngành công nghiệp sản xuất các mặt hàng xa xỉ cũng áp dụng các biện pháp đối phó với đại dịch.

Thương hiệu thời trang hàng hiệu Gucci thuộc Tập đoàn Kering đã đóng cửa toàn bộ cơ sở sản xuất đến ngày 20/3. Hermes cũng ra quyết định tương tự, nhưng ngừng hoạt động đến cuối tháng này.

Tại Đức, các công ty xe buýt đường dài Flixbus và Blablabus cho biết họ đã tạm ngừng dịch vụ sau khi lệnh hạn chế đi lại mới có hiệu lực tại nước này.

Ngoài ra, một loạt các nhà bán lẻ Mỹ cũng phải đóng cửa một số hoặc tất cả các cửa hàng, trong đó có Nike, Macy's và Gap.

Trung tâm mua sắm Saks Fifth Avenue lừng lẫy ở New York đã đóng cửa. "Quả táo cắn dở" Apple cũng đóng cửa toàn bộ cửa hàng, không tính thị trường Trung Quốc.

Đối với ngành du lịch, tình hình còn tồi tệ hơn nhiều. Chuỗi khách sạn nổi tiếng Marriott của Mỹ đã phải đóng cửa nhiều khách sạn và cho nghỉ phép hàng chục nghìn nhân viên.

Trong khi đó, các hãng hàng không cũng chịu ảnh hưởng nặng nề khi nhu cầu đi lại giảm mạnh và các chính phủ áp đặt hạn chế đi lại, buộc họ phải thực hiện các biện pháp khác để thích nghi.

Hãng hàng không Aeroflot của Nga đã yêu cầu nhân viên tận dụng thời gian này để nghỉ phép. Trong khi đó, Air France đang cân nhắc giảm giờ làm việc.

Hãng hàng không giá rẻ Ryanair vốn đã thông báo hủy hầu hết các chuyến bay từ 24/3, cũng cho biết đang xem xét động thái tương tự cùng với việc khuyến khích nhân viên tự nguyện nghỉ việc hoặc tạm thời đình chỉ hợp đồng.

Việc buộc người lao động phải tạm thời nghỉ việc cũng là lựa chọn của một số doanh nghiệp khác. Seat - công ty con của Volkswagen ở Tây Ban Nha đã phải đưa ra quyết định này.

Nhà máy đóng tàu Fincantieri ở Italy cũng yêu cầu nhân viên nhân dịp này nghỉ phép. Nhà bán lẻ điện thoại di động Dixons Carphone ở Anh phải cho thôi việc 2.900 lao động.

Nhiều doanh nghiệp khác áp dụng biện pháp cắt giảm chi phí. Air France-KLM vốn buộc phải cắt giảm 90% số chuyến bay sẽ giảm 350 triệu euro tiền đầu tư theo kế hoạch trong năm 2020 và tiết kiệm 200 triệu euro ở các lĩnh vực khác nhằm bảo đảm có đủ tiền mặt.

Hãng Qantas của Australia cho biết sẽ cắt giảm tất cả các chuyến bay quốc tế vào cuối tháng này sau khi hãng Virgin đã đưa ra quyết định tương tự.

Trong khi đó Lufthansa vốn cắt giảm 90% số chuyến bay sẽ có biện pháp khác như không chia cổ tức năm 2019 cho các cổ đông.

Trong khi đó, nhiều công ty buộc phải đề nghị chính phủ hỗ trợ. Công ty du lịch TUI của Đức, có 70.000 lao động trên toàn thế giới và đang phải ngừng phần lớn hoạt động, đã cầu cứu sự hỗ trợ của nhà nước.

Chính phủ Đức đã cam kết đưa ra các khoản vay không giới hạn cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng thông qua ngân hàng nhà nước KfW.

Các hãng hàng không Mỹ cũng đề nghị chính phủ nước này đưa ra một gói cứu trợ 50 tỷ USD, trong khi tập đoàn Boeing đang tìm kiếm khoản hỗ trợ liên bang ít nhất 60 tỷ USD.

Chính phủ Italy dự định quốc hữu hóa tàu sân bay quốc gia cũ Alitalia bị phá sản theo kế hoạch giải cứu kinh tế khẩn cấp. Tại Pháp, chính phủ nước này cũng sẵn sàng quốc hữu hóa các công ty lớn nếu cần thiết./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết