Ông Võ Quan Huy trải qua nhiều lần thất bại mới đi đến thành công như hôm nay
“Hồi sinh” vùng đất “chết”
Tôi thường nghe nhiều người kể về câu chuyện đưa chuối xuất ngoại cùng với tư duy sản xuất, kinh doanh “không giống ai” và chưa bao giờ sợ thất bại của ông Út Huy. Cảm thấy ngưỡng mộ, tôi liên hệ ông để tìm hiểu thực hư về các câu chuyện được nghe, nhất là muốn lan tỏa tinh thần vượt khó của ông đến với cộng đồng. Thế nhưng, sau nhiều lần liên hệ, tôi vẫn chưa có duyên gặp được ông. May mắn trong một lần đi công tác, tôi được đồng nghiệp kết nối với ông Út Huy. Và, câu chuyện khai hoang, khởi nghiệp của ông dần hiện lên qua từng lời kể.
Ông Út Huy nói: “Tôi sinh năm 1955 tại xã Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa, là con út trong gia đình có 9 anh chị em nên thường được mọi người gọi là Út Huy. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi phải vào đời mưu sinh sớm. Để có được thành quả đáng tự hào như hôm nay, tôi trải qua nhiều lần thất bại, khởi nghiệp lại không biết bao nhiêu lần. Dù vậy, tôi chưa bao giờ bỏ cuộc bởi trồng không được cây này thì trồng cây khác, nuôi không được con này thì nuôi con khác, chỉ cần nơi nào có nông dân giỏi, nhà khoa học giỏi, trường giỏi, nơi đó có Út Huy đến tìm hiểu, học hỏi. Có lẽ nhiều người biết đến tôi vì tôi nói thiệt, làm thiệt, nhất là rất “lì đòn” trong lĩnh vực nông nghiệp”.
Nói rồi, ông Huy cười hào sảng và dẫn chúng tôi đi thăm vườn chuối bạt ngàn với một màu xanh trù phú. Tôi thắc mắc vì sao ông chọn mảnh đất biên giới Mỹ Bình, huyện Đức Huệ để khởi nghiệp bởi nơi đây từng được mệnh danh là vùng đất “chết” mà ai đến cũng “bỏ của chạy lấy người”? Nghe tôi hỏi vậy, ông Huy vừa cười, vừa nói: “Khi mới gặp tôi lần đầu, ai cũng hỏi câu này. Song với tôi, đi đâu cũng không bằng quê hương của mình. Do đó, năm 1994, sau khi dành dụm được một số vốn, tôi quay về Long An và thuê 240ha đất để trồng mía. Năm đầu tiên, mía chết sạch vì đất phèn nhưng tôi không bỏ cuộc, bỏ đất mà nghiên cứu kỹ thuật canh tác, thổ nhưỡng để áp dụng vào trồng trọt. Tôi nạo vét kênh, mương, chiều dài 20km để dẫn nước thau chua, rửa phèn với quyết tâm cải tạo thành công vùng đất “chết” Mỹ Bình”.
Chính sự cần cù, chịu khó vốn có của “con nhà nông” cùng tinh thần ham học hỏi, ông Huy chinh phục được vùng đất “chết”. Năng suất mía ngày càng đạt chất lượng lẫn sản lượng. Tuy nhiên, những năm sau, giá mía giảm mạnh, ông Huy quyết định “dứt tình” với cây mía, chuyển sang trồng ớt, xoài, dưa hấu, nuôi bò,... Tổng cộng, người nông dân này từng trải qua trên 20 lần thay đổi cây trồng, vật nuôi. Và cứ mỗi lần thay đổi là một lần khởi nghiệp mới, một biệt danh mới của ông Huy lại ra đời nhưng có lẽ, Huy chuối là biệt danh được nhiều người biết đến nhất bởi chính ông đã “chắp cánh” cho chuối xuất ngoại.
Phải có đam mê, nhiệt huyết và tư duy
Sau khi tham quan vườn chuối, ông Huy dẫn chúng tôi đến nhà máy sơ chế để tìm hiểu về quy trình vận chuyển, vệ sinh, đóng gói để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Nơi đây có hàng chục công nhân đang làm việc, không khí lao động tất bật.
Khi được hỏi thăm về mức lương, chế độ ưu đãi, thời gian làm việc, anh Nguyễn Văn Đến (quê Hậu Giang) bộc bạch: “Làm ở đây, chuyện cơm nước, nhà cửa chú Út Huy lo hết. Công nhân làm bao nhiêu dư bấy nhiêu, ai làm giỏi thì thu nhập 8 triệu đồng/tháng. Tết, công ty có lợi nhuận nhiều thì thưởng thêm cho công nhân. Riêng tôi làm quản lý, thu nhập bình quân 12 triệu đồng/tháng. Dịp Tết Nguyên đán năm 2022, tôi được công ty thưởng 20 triệu đồng. Điều này kích thích tinh thần làm việc của anh em công nhân. Chưa bao giờ tôi nghĩ làm nông nghiệp mà có thu nhập cao đến như vậy!”.
Công nhân làm việc cho ông Võ Quan Huy được hưởng nhiều chế độ
Tiếp lời anh Đến, anh Đinh Công Chứ (quê Cần Thơ) nói: “Chú Út Huy thương anh em công nhân lắm, nhất là những công nhân siêng năng, cần cù làm việc. Chú Út còn tạo điều kiện cho công nhân có trình độ đi học nâng cao chuyên môn như kế toán, nông nghiệp để quay về phục vụ công ty. Hôm trước, nghe chú Út Huy thông báo sẽ tạo điều kiện cho anh em công nhân góp vốn theo dạng cổ phẩn để cùng nhau nỗ lực, phát triển công ty và cùng làm giàu, chúng tôi ai cũng phấn khởi”.
Đứng đằng xa, nghe công nhân nhận xét về mình, ông Huy cười: “Sao không kể những lần chú la rầy tụi bây? Nhiều đứa chú thấy thương, tạo điều kiện cho đi học để lên làm quản lý mà không chịu. Nhiều lúc chú không biết tụi bây đang nghĩ gì. Làm nông nghiệp, tụi bây cần phải có đam mê, tư duy và nhiệt huyết. Có 3 yếu tố này, chúng ta mới chịu thương, chịu khó, mày mò, cầu tiến để đi đến thành công”.
Tạm chia tay ông Huy, chúng tôi ra về khi trời vừa sập tối. Chỉ gần 1 ngày được tiếp xúc với ông Huy và tận mắt chứng kiến sự đổi thay ở vùng đất Mỹ Bình, chúng tôi càng khẳng định câu chuyện khai hoang, lập nghiệp từ hai bàn tay trắng của Huy Long An là minh chứng cho nông dân cần cù, chịu khó, quyết tâm làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Và ông chính là nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ khởi nghiệp dù từng thất bại./.
Lê Ngọc