Đồn Biên phòng Cửa khẩu Mỹ Quý Tây tổ chức tuần tra bảo vệ biên giới tại khu vực mốc 184 (Thượng úy Nguyễn Văn Cường đi đầu)
“Đồn là nhà, biên giới là quê hương”
Với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, quê ở Thanh Hóa, năm 2018, sau khi tốt nghiệp Học viện BP, Thượng úy Nguyễn Văn Cường (SN 1992) - Đội trưởng Đội Vũ trang Đồn Biên phòng (ĐBP) Cửa khẩu Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) gắn bó với mảnh đất “trung dũng kiên cường” được 6 năm.
Thượng úy Cường tâm sự: “Khi nhận quyết định vào Long An công tác, tôi có phần bỡ ngỡ, cũng hỏi thăm các anh đi trước xem môi trường sống, làm việc như thế nào. Nói thế nhưng với người lính BP, được khoác lên mình bộ quân phục xanh là niềm tự hào, vinh dự lớn lao. Tôi luôn ý thức trách nhiệm cao cả của mình là bảo vệ biên cương, lãnh thổ của Tổ quốc”.
Cách xa quê hương hơn 1.500km, thời gian đầu khi vào Long An công tác, Thượng úy Cường gặp một vài khó khăn như những khác biệt về phong tục, tập quán, khẩu vị. Những khó khăn đó chỉ là phần nhỏ, nỗi niềm lớn nhất của anh cũng như những người lính BP khác là nỗi nhớ gia đình da diết. “Do công tác xa nhà và đặc thù công việc, mỗi năm, tôi chỉ về phép 1 lần. Ở quê, tôi chỉ còn mẹ. Đó chính là hậu phương vững chắc nhất đối với tôi. Hàng ngày, tôi đều tranh thủ gọi về khoảng 15 phút để hỏi thăm mẹ” - Thượng úy Cường chia sẻ.
Nếu tính từ khi đi nghĩa vụ quân sự, đã 10 năm trôi qua, vì đặc thù công việc, Thượng úy Cường chưa có dịp về nhà vào những ngày Tết Nguyên đán để đón xuân cùng gia đình. Khi gia đình đang quây quần bên nhau để chào đón năm mới thì nơi biên cương, những người lính BP như anh Cường thay nhau canh gác, tuần tra biên giới, góp tuổi xuân vì bình yên của Tổ quốc.
Thượng úy Cường bộc bạch: “Không người cha, người mẹ nào muốn con mình làm việc xa nhà. Cha mẹ luôn mong con ở gần nhưng đây vừa là nhiệm vụ thiêng liêng, cũng là nghĩa vụ với Tổ quốc. Cha mẹ làm nông, đã vất vả nuôi nấng, dạy dỗ tôi nên người. Khi tôi cống hiến sức mình cho Tổ quốc, cho nhân dân, tin chắc gia đình cũng rất tự hào”.
Là một Đội trưởng Đội Vũ trang trẻ tuổi, Trung úy Nguyễn Phúc Vỹ không ngừng học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt, chủ động khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao
Trung úy Nguyễn Phúc Vỹ (SN 2000) - Đội trưởng Đội Vũ trang ĐBP Bình Thạnh (huyện Mộc Hóa), tuổi đời còn khá trẻ, xa quê (tỉnh Đắk Lắk) vào Long An công tác sau 4 năm học tại Học viện BP. Ngay từ đầu,
Trung úy Vỹ xác định, theo con đường quân ngũ rất khó có thể ở gần gia đình nhưng với lòng yêu nước, cùng tinh thần trách nhiệm cao, anh quyết tâm thi vào Học viện BP để cống hiến sức mình cho Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
“Cảnh sum họp gia đình, cùng nhau ăn bữa cơm, trò chuyện, chia sẻ sau một ngày làm việc là điều bình dị với mọi người nhưng với BĐBP có thể nói là một điều "xa xỉ". Gia đình tôi cũng hiểu và luôn động viên tôi yên tâm công tác” - Trung úy Vỹ tâm sự.
Về công tác tại ĐBP Bình Thạnh từ tháng 11/2023, đảm nhận nhiệm vụ Đội trưởng Đội Vũ trang khi còn khá trẻ, công việc chính hàng ngày của Vỹ là tuần tra, bảo vệ khu vực biên giới, tổ chức thực hiện nhiệm vụ huấn luyện; duy trì các chế độ, nề nếp, kỷ luật, tác phong trong đơn vị. Theo Trung úy Vỹ, để đưa những kiến thức từ lý luận vào thực tiễn không hề dễ. Vì thế, anh không ngừng phấn đấu học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ về mọi mặt, chủ động khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Dù bận nhiều công việc, Trung úy Vỹ luôn tranh thủ thời gian gọi về cho gia đình để thăm hỏi, vì với anh, đó chính là hậu phương vững chắc nhất. “Gia đình ủng hộ tôi theo con đường này. Nhiều khi cha, mẹ có ốm đau cũng giấu vì sợ tôi lo rồi không tập trung công việc. Tôi cũng vậy, ít khi chia sẻ những khó khăn vì sợ gia đình lo lắng” - Trung úy Vỹ cho biết.
Hậu phương vững chắc
Mỗi năm chỉ gặp nhau được đôi lần nhưng chị Nguyễn Thị Nga (huyện EaSúp, tỉnh Đắk Lắk) vẫn cố gắng chăm lo mọi công việc trong gia đình ổn thỏa để chồng an tâm công tác. Chồng chị là Thiếu úy Nguyễn Ngọc Dương (SN 1997) - nhân viên Đội Phòng, chống ma túy và tội phạm, ĐBP Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp (thị xã Kiến Tường). Cách xa nhau hơn 400km, chị Nga thấu hiểu những khó khăn, vất vả của chồng và luôn động viên anh yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Thiếu úy Nguyễn Ngọc Dương dù rất nhớ vợ, con, gia đình nhưng vẫn nỗ lực làm tròn trọng trách của mình
“Tôi quen anh từ năm 2018, khi đó anh còn là sinh viên. Tôi biết có chồng là lính BP chắc chắn thời gian anh bám trụ ở biên giới sẽ nhiều hơn ở nhà. Đôi khi, gặp những khó khăn phải một mình gánh vác, dù mạnh mẽ đến đâu, người phụ nữ cũng không thể tránh khỏi những phút chạnh lòng, yếu đuối. Nhưng tôi vẫn tự động viên bản thân và gia đình hai bên cùng chia sẻ để anh yên tâm công tác, thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng, giữ vững an ninh nơi biên giới” - chị Nga bộc bạch.
Đôi vợ chồng trẻ cưới nhau vào cuối năm 2022, hiện có một bé trai kháu khỉnh 6 tháng tuổi. Công việc bận rộn nhưng Thiếu úy Dương đều gọi về tâm sự, nói chuyện với con, với người bạn đời của mình mỗi ngày. “Trừ những ngày phải trực đột xuất, tôi sẽ nhắn trước để vợ yên tâm. Tôi biết vợ ở nhà cũng cô đơn, tủi thân. Đôi khi gọi video call về thấy vợ nhớ chồng khóc, tôi cũng không kìm được cảm xúc. Do đó, khi có cơ hội là tôi sẽ thu xếp để về thăm vợ và gia đình. Được Ban Chỉ huy quan tâm, tạo điều kiện nên năm rồi, tôi được về đón tết với gia đình” - Thiếu úy Dương chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Nga (vợ của Thiếu úy Nguyễn Ngọc Dương) tâm sự: "Đôi khi, gặp những khó khăn phải một mình gánh vác, dù mạnh mẽ đến đâu, người phụ nữ cũng không thể tránh khỏi những phút chạnh lòng, yếu đuối"
Như để bù đắp, khi trở về nhà, Thiếu úy Dương chỉ muốn dành cho vợ những điều tốt đẹp nhất. Chị Nga cho biết, anh không nề hà việc gì, từ những việc như quét dọn nhà cửa, nấu cơm, giặt giũ cho đến chăm sóc con,... Anh luôn muốn bù đắp những thiệt thòi cho vợ khi anh vắng nhà. Anh thường đưa vợ đi chơi, tặng quà,... "Những hành động, cử chỉ giản dị thôi nhưng cũng đủ để tiếp thêm sức mạnh cho tôi” - chị Nga tâm sự.
Chị Nga nói: “Tôi biết trách nhiệm và nghĩa vụ anh đang mang là nặng nề nên luôn động viên anh cố gắng và tự chăm sóc mình thật tốt nơi biên cương. Những khó khăn của tôi ở nhà cũng không là gì so với những khó khăn, thách thức và nguy hiểm của anh nơi tiền tuyến”.
Còn đó rất nhiều người mẹ, người vợ của lính BP ngày đêm lo lắng, thầm lặng, tần tảo gánh vác việc gia đình thay chồng, thay con. Họ đã trở thành những hậu phương vững chắc để những người lính mang quân hàm xanh vững tâm làm nhiệm vụ nơi biên cương Tổ quốc./.
Khánh Duy