Trẻ em là mầm non tương lai của đất nước, là lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm đặc biệt yêu thương cho trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Mặc dù bận trăm công, nghìn việc nhưng Bác Hồ vẫn dành thời gian cho đêm trăng rằm vui Tết Trung thu của trẻ em:
Trung thu trăng sáng như gương,
Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng.
Sau đây Bác viết mấy dòng,
Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ thương.
(Thư Trung thu gửi các cháu thiếu nhi năm 1951 - Hồ Chí Minh)
Kế tục sự nghiệp cách mạng của Bác, các thế hệ sau này cũng rất quan tâm đến trẻ em. Nước ta là một trong những quốc gia đầu tiên ký Công ước Liên Hiệp Quốc về Quyền trẻ em và sớm có Luật Trẻ em. Từ đó, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp luôn xem công tác trẻ em là một nhiệm vụ trọng tâm, hết sức quan tâm đến trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, nhất là mỗi dịp tết, lễ, khai giảng năm học mới.
Nhân ngày tựu trường năm học mới 2019-2020, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia đã ban hành công văn về việc tổ chức thực hiện Tháng cao điểm ATGT cho học sinh đến trường - tháng 9/2019. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện kế hoạch bảo đảm trật tự, ATGT dịp khai giảng năm học mới. Dịp này, Hội Khuyến học, nhà trường còn vận động nhiều mạnh thường quân tặng nón bảo hiểm, quà, học bổng cho học sinh, sinh viên.
Bên cạnh đó, những ngày qua, các cấp chính quyền, đoàn thể, đơn vị trong tỉnh và cộng đồng xã hội đang tích cực chăm lo cho trẻ em đón mùa Trung thu ấm áp, nghĩa tình và phấn khởi. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh đã đến thăm, tặng quà các gia đình chính sách và học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Đức Hòa nhân dịp Tết Trung thu. Tại đây, Bí thư Tỉnh ủy - Phạm Văn Rạnh chúc các em có một mùa Trung thu vui tươi, hạnh phúc; tiếp tục nỗ lực học tập trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ. Ngoài ra, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Long An tổ chức giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” ở một số địa phương, đơn vị,...
Những việc làm trên của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể vừa bảo vệ sự an toàn về sức khỏe, tính mạng, hình thành văn hóa, kỹ năng sống của trẻ em, thực hiện quyền vui chơi của trẻ em được pháp luật thừa nhận, vừa thể hiện sự quan tâm của hệ thống chính trị, người lớn đối với trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Mặc dù KT-XH nước ta đã có bước phát triển, đời sống vật chất, tinh thần có nhiều cải thiện nhưng về cơ bản, chúng ta còn nhiều khó khăn, các chế độ, chính sách chưa bảo đảm chăm sóc hết những người còn khó khăn trong xã hội, trong đó có trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Với truyền thống đoàn kết, yêu trẻ, đạo lý “thương người như thể thương thân”, gia đình, nhà trường và xã hội cùng chung tay tạo ra môi trường an toàn, thân thiện cùng chăm lo cho trẻ em phát triển. Nếu nguồn lực Nhà nước có giới hạn thì gia đình, cộng đồng, xã hội cùng chung sức, làm tốt công tác vận động xã hội, khơi dậy trách nhiệm của cộng đồng đóng góp nguồn lực chăm lo trẻ em. Đó cũng là cách giáo dục tinh thần đoàn kết, tình yêu thương con người, trách nhiệm đối với quê hương và lòng yêu đất nước cho thế hệ mai sau.
Hãy dành những gì tốt đẹp nhất mà mình sẵn có cho trẻ em! Trước hết, tạo điều kiện cho trẻ em đón một mùa Trung thu ấm áp, nghĩa tình, tươi vui và nhiều ý nghĩa./.
Kim Quy