Học trước hết là để biết, để hiểu, sau đến là học để làm, để tìm ra cái mới. Ảnh: Ngọc Thạch
Quan niệm của người Việt Nam “Sống - học tập - làm việc là chuỗi không dứt trong đời người”. Trong chuỗi cuộc sống này thì học tập được đề cao với ý nghĩa quan trọng gần như quyết định tương lai, số phận của đời nguời. Do vậy phụ huynh luôn mong muốn con em mình được học ở những trường có danh tiếng, được học với những thầy cô dạy giỏi mà quên tìm hiểu xem con em mình có khả năng ưu thế là gì, xu hướng phát triển ngành nghề gì là phù hợp,... Chính từ sự không chính xác ấy sẽ dẫn đến hướng học tập lệch lạc và có khi mất cả tuổi trẻ để hiểu và tìm được con đường đúng đắn cho con em mình. Qua bài viết này, hy vọng phụ huynh và các em có thể hiểu được rõ ràng mục đích học tập là gì để hướng các em vào con đường đúng đắn và không ngừng phấn đấu, hoàn thiện bản thân, tự khẳng định bản thân rồi sau đó đóng góp thành quả của mình cho xã hội.
Tựu trung mục đích của các bậc phụ huynh là tốt, luôn mong muốn con em mình phải học giỏi, có bằng cấp bậc cao, càng cao càng có tương lai xán lạn. Các bậc phụ huynh học sinh (PHHS) đâu biết rằng họ đã vô tình tạo áp lực học tập căng thẳng, quá tải, đôi lúc không ít PHHS lại không ngần ngại sử dụng những biện pháp cứng rắn tiêu cực như rầy la, roi vọt, ép buộc học thêm hoặc nhẹ nhàng hơn là treo tiền thưởng, quà cáp...
Vậy rốt cuộc mục đích học tập chân chính là gì? Phương pháp học tập như thế nào là hiệu quả? Dường như 2 câu hỏi này ít được PHHS cùng đồng cảm và quan tâm để có sự định hướng khuyến học cho con em mình phát huy được năng lực học tập của con em mình. Từ xa xưa, ông cha ta có quan niệm học tập rất chân chính: Học trước hết là để biết, để hiểu (học để tri), sau đến là học để làm, để tìm ra cái mới (học để hành) và mục đích cao cả cuối cùng trọn đời người chính là thành người tử tế với đời, với người. Trong cơ chế thị trường ngày nay, không ít PHHS ngầm định hướng cho con em mình học để làm giàu, làm ông nọ bà kia có chức phận, địa vị trong xã hội… Chính từ mục đích lệch lạc này khiến PHHS hướng con em mình vào những ngành nghề “hái ra tiền” bất chấp sở trường, sở đoản về năng lực học tập của con em mình khiến chúng phải học trong trạng thái học mà chán, học mà ngán ngẩm thì sao mà thực học, thực giỏi được. Một hệ quả cũng cần lưu tâm là khi ra trường, rất nhiều người trong số họ sẽ phải làm một nghề khác mà có khi họ hoàn toàn không thích.
Về phương pháp học thì đã rõ: Điều ắt có để học giỏi khi học sinh thích học, tự giác học, ham thích những môn học, những ngành nghề mà mình yêu thích từ khi còn tuổi thơ. Hãy cho con em mình cái quyền lựa chọn, người lớn chỉ nên là người hướng dẫn, không can thiệp sâu vào mục đích và phương pháp học tập của con em mình. Rõ ràng, khi con em mình được học, được làm công việc mình yêu thích đam mê thì chắc chắn hiệu năng của sự học và làm việc sẽ tăng cao và đem lại thành công.
Thật thiếu sót khi không nói đến sự học trong trường đời. Xưa ông cha ta đã dạy sự học lớn lao hơn cả là chính trong trường đời. Thành công của các tỉ phú như Steve Jobs, Bill Gates, Jack Ma,... từ trường đời nhiều hơn trường học. Không ít những “kỹ sư không bằng” có thể tìm thấy rất nhiều trên đất nước mình hay trên thế giới. Theo cách tư duy mới của sự học thời 4.0, bằng cấp không còn giá trị tuyệt đối mà chính tư duy sáng tạo tìm ra một sáng kiến cải tiến công nghệ mới mới là điều đáng nêu. Đối với một số lớn người ở Việt Nam thì việc học với bằng cấp lại gộp thành một. Ở một số trường hợp thì bằng cấp có thể đại diện cho thành tích học tập, kiến thức và trình độ nhưng không thể phủ nhận việc tự học, tự mày mò ra kiến thức cho riêng mình thì cũng là “học”. Chúng ta cần nhấn mạnh nhà trường là nơi cung cấp những kiến thức, kinh nghiệm chính quy nhất để các em tiếp thu có hệ thống, loại bỏ những quanh co, sai lầm trong quá trình học tập chứ không phải là nơi “bán” bằng cấp. Do đó, học sinh, sinh viên nên quan tâm đến vấn đề trau dồi kiến thức hơn là việc đối phó với những kỳ thi.
Thực tế tình trạng học để mà học, học để mà thi đang rất phổ biến trong các trường đại học ngày nay. Các em không biết áp dụng kiến thức mình đã và đang học vào công việc, vào cuộc sống như thế nào. Không phải ai cũng học một biết mười hay học một suy ra ba. Rất nhiều học sinh, sinh viên cần giảng viên đưa ra nhiều ví dụ, nhiều kinh nghiệm, nhiều lần thực hành để thực sự nắm và vận dụng được những thông tin, kiến thức quan trọng. Khi các em đắm chìm trong việc khám phá kiến thức như vừa đọc xong một cuốn truyện hay, một bộ phim đặc sắc... thì lúc đó mới tính là chúng ta đã giáo dục thành công.
Tóm lại, học là để Tri, để Hành, để Đạt nhân. Đó vừa là triết lý để sống, để học, để làm việc, để thành người tử tế, hữu ích cho gia đình và xã hội./.
Hà Nhật Quang