Tiếng Việt | English

26/12/2020 - 03:33

Hiệu quả mô hình Câu lạc bộ nông gia tương lai

Vừa học vừa tham gia sản xuất nông nghiệp đã giúp học sinh trải nghiệm sự vất vả của nông dân khi làm ra sản phẩm, đồng thời tạo môi trường học tập đầy trải nghiệm và hứng thú cho học sinh. Đây chính là hiệu quả của mô hình Câu lạc bộ "Nông gia tương lai" tại Trường THCS Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An đem lại.

Câu lạc bộ "Nông gia tương lai" giúp học sinh trải nghiệm thực tế
Vào giờ ra chơi, các em học sinh của Trường THCS Mỹ Lệ nhanh chân vào khu vườn sau trường để làm đất, bón phân, chăm sóc cho những luống rau. Theo quan sát, tất cả các em đều phấn khích, hào hứng, vì được tự chăm sóc rau từ khâu làm đất đến thu hoạch. Được biết, Ban giám hiệu trường THCS Mỹ Lệ rất tâm huyết với mô hình này. Hơn hết, trường là một trong 2 đơn vị được Phòng Giáo dục và Đào tạo chọn phối hợp thực hiện Dự án Rừng và đồng bằng để xây dựng Câu lạc bộ nông gia tương lai từ năm học 2015 - 2016 đến nay.
Để thực hiện, trường đã dành 300m2 đất trong khuôn viên để trồng rau. Ban đầu Dự án hỗ trợ cho giáo viên, một số học sinh đam mê trồng trọt, đồng thời chỉ làm những liếp nhỏ thử nghiệm. Thấy hiệu quả, Ban Giám hiệu tiến hành nhân rộng.
Mỗi lớp được phân công trồng và chăm sóc một luống rau
Tổng phụ trách đội Trường THCS Mỹ Lệ - cô Phan Thị Thùy Thanh cho biết: “Thực hiện Câu lạc bộ này với mục đích là rèn luyện cho học sinh kỹ năng sống, giúp cho các em nhận biết được sự vất vả của nông dân cũng như thành quả lao động để làm ra sản phẩm. Bên cạnh đó, Câu lạc bộ còn giúp nhà trường giáo dục hướng nghiệp cho học sinh".
Mỗi lớp trồng và đảm nhận 1 luống rau, với chiều dài trên 10m. Nhận thấy hiện nay việc trồng rau ứng dụng công nghệ cao đang là xu thế phát triển chung, góp phần giảm sức lao động, tăng năng suất và tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, Ban giám hiệu mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới tự động và chú trọng việc trồng rau hoàn toàn không sử dụng phân, thuốc hóa học.
Giáo viên hướng dẫn học sinh trộn phân 
Mỗi ngày sau giờ ra chơi hay vào cuối buổi học, các em học sinh có thể tự mình vào khu vườn để xới đất, trộn xơ dừa, gieo hạt, nhổi cỏ,... Tại đây, các em có thể vừa làm, vừa trao đổi với thầy cô về những điều mà mình thắc mắc về sự phát triển của cây, kỹ thuật chăm sóc,…
Qua đó tạo nên không khí thi đua sổi nổi để xem luống rau nào phát triển tốt nhất, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm. Đặc biệt, nhiều học sinh còn về nhà tự xây dựng vườn rau cho gia đình.
Nguyễn Thị Thanh Ngân (học sinh lớp 7/3 trường THCS Mỹ Lệ) thông tin: Em cảm thấy rất thích khi được tự tay trồng và thu hoạch. Qua đó em hiểu được sự vất vả của cha mẹ và những nông dân khi chăm sóc một vườn rau hoặc kinh doanh một cái gì đó. Bản thân em thấy công việc rất khó nhưng từ mô hình này em có thêm nhiều điều thú vị và vui”.
Thu hoạch từ vườn rau sau mỗi đợt được các lớp góp làm quỹ thực hiện “Kế hoạch nhỏ” giúp đỡ các bạn học sinh nghèo, khó khăn có điều kiện đến trường. Điều này khơi gợi tình yêu thương, lòng nhân ái của các em với những mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống.
Mô hình Câu lạc bộ nông gia tương lai kết hợp giữa giáo dục với trồng trọt của Trường THCS Mỹ Lệ đã tác động tích cực, bồi dưỡng kiến thức lẫn kỹ năng trong cuộc sống cho học sinh, giúp các em thêm vững tin hơn với những hiểu biết mà mình có được. Từ hiệu quả mô hình đem lại, huyện Cần Đước đang tiếp tục nhân rộng ở các trường còn lại nhằm tạo sân chơi, rèn luyện kỹ năng sống và hướng nghiệp cho học sinh trong tương lai./.

Cẩm Tú - Lê Ngọc 
Chia sẻ bài viết