Tiếng Việt | English

03/09/2023 - 07:35

Hoài Vũ - 'Chàng trai' xứ Quảng nặng lòng với Long An

Gần 90 tuổi, nhà văn, nhà thơ, dịch giả Hoài Vũ lần đầu tiên có buổi ra mắt tập thơ của riêng mình như lời tri ân với những bạn thơ, độc giả đã yêu mến thơ của ông trong suốt chặng đường dài. Thì thầm với dòng sông (Nhà xuất bản Hội Nhà văn) tập hợp gần 60 bài thơ nổi bật trong sự nghiệp sáng tác của ông từ giai đoạn chống Mỹ, cứu nước đến khi đất nước hoàn toàn thống nhất. Đặc biệt, trên 50% bài thơ in trong tập thơ này đều nói về quê hương Long An cùng đôi dòng Vàm Cỏ.

Nhà thơ Hoài Vũ trong buổi ra mắt tập thơ Thì thầm với dòng sông

1. Nhà thơ Hoài Vũ sinh ra và lớn lên ở dải đất miền Trung nắng, gió. Trong những năm tháng kháng chiến trường kỳ, bước chân ông đã qua bao chiến trường, bao miền đất nhưng không hiểu tại sao, trái tim lại dành phần lớn yêu thương mảnh đất Long An.

Nhà thơ Hoài Vũ (thứ 3, trái qua) về thăm lại Long An, cùng Nguyên Bí thư Tỉnh ủy - Phạm Thanh Phong xuôi dòng Vàm Cỏ Đông trước khi tổ chức ra mắt tập thơ Thì thầm với dòng sông (ảnh: Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bến Lức cung cấp)

Trước ngày ra mắt tập thơ, nhà thơ Hoài Vũ dành cả ngày để về thăm cảnh cũ, người xưa. Ông cùng vài người bạn tìm gặp nguyên Bí thư Tỉnh ủy Long An - Phạm Thanh Phong - người từng trực tiếp giúp đỡ nhà thơ trong quá trình đi thực tế sáng tác cũng như xây dựng phong trào văn nghệ tại Long An.

Xuôi mái chèo theo dòng Vàm Cỏ Đông, nhà thơ Hoài Vũ tìm thăm lại từng rặng dừa, gốc tràm xưa, nhắc lại câu chuyện của những ngày gian lao mà đầy hào khí. Trong buổi ra mắt tập thơ, ông đích thân mời bè bạn từ Long An đến chung vui. Đã gửi thư mời và tập thơ tặng trước, ông vẫn thể hiện sự trân trọng bằng cách trực tiếp gọi điện thoại thêm lần nữa cho bạn bè, thân hữu. Có lẽ, vì yêu nên nhà thơ Hoài Vũ đã dành nhiều tâm sức như thế!

Thông tin về nhà thơ, nhà văn, dịch giả Hoài Vũ, đặc biệt là tình yêu của ông dành cho Long An thì nhiều người đều biết. Nhưng ít ai nghĩ rằng, tình cảm đó dường như vẫn còn nguyên vẹn đến tận hôm nay, khi ông đã rời mảnh đất "Trung dũng kiên cường" biết bao nhiêu năm. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều tác phẩm nói về quê hương Long An, gắn với dòng sông Vàm Cỏ Đông, với những tán tràm xanh mướt của vùng Đồng Tháp Mười ngày ấy lại có mặt trong Thì thầm với dòng sông - tác phẩm được xem là “tổng kết một đời thơ tài hoa” của nhà thơ Hoài Vũ.

2. Nếu chỉ đọc văn chương, ít người có thể nhận ra ông chỉ là một lữ khách từng ghé qua miền Tây sông nước. Sự hồn hậu, giản dị và đặc trưng Nam bộ luôn có mặt trong từng chi tiết, lời thơ của ông. Nhà thơ của dải đất miền Trung anh dũng đã “phải lòng” Từng mái nhà nép dưới rặng dừa/ Từng thửa ruộng ngời đen màu mỡ/ Từng mối tình hò hẹn sớm trưa/…

Hầu như mỗi cảnh vật, mối nhân duyên gặp gỡ đều mang đến cho nhà thơ nhiều cảm xúc. Khi đặt cảm xúc vào tác phẩm thì tất nhiên, việc tìm được sự đồng điệu, mến yêu là điều dễ hiểu. Cho đến bây giờ, khi sáng tác hàng trăm bài thơ trong nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng nhà thơ vẫn nhớ như in hoàn cảnh sáng tác của: Vàm Cỏ Đông, Đi trong hương tràm hay Anh ở đầu sông, em cuối sông; Gửi người bạn gái trong tù;... Mỗi bài thơ là một kỷ niệm gắn liền với đất và người, những tình cảm giản dị, chân thành giữa ông và quê hương Long An.

Trong những lời thơ Anh ở đầu sông, em cuối sông/ Uống chung dòng nước Vàm Cỏ Đông/ Thương nhau đã chín ba mùa lúa/ Chưa ngày gặp lại, nhớ mênh mông, nhà thơ Hoài Vũ gửi gắm nỗi lòng riêng dành cho cô Bảy Nhàn - người tham gia lớp đào tạo những người viết trẻ ở chiến trường Long An vào năm 1968 do chính ông giảng dạy. Rồi khi cô Bảy Nhàn rơi vào tay giặc, bị tù đày, nhà thơ lại đặt hết niềm thương vào bài Gửi người bạn gái trong tù.

Ai có thể nghĩ rằng, tác giả của những dòng tâm sự thiết tha trong Thì thầm với dòng sông lại là một chàng trai xứ lạ, nhưng cách nói năng, tỏ bày tình cảm lại đậm chất miền Tây. Dường như ông hiểu và yêu nơi mình từng đến như thể người bản xứ:

Đời hai ta gắn bó với hai sông

Em - Vàm Cỏ Tây, anh - Vàm Cỏ Đông

Mỗi tối triều lên chao sóng nước

Bìm bịp kêu xao xác cả hai dòng!

(Thì thầm với dòng sông)

Ông tha thiết gửi theo dòng sông câu hỏi “Trưa anh về, em có đợi anh không?”. Liệu ai có thể trả lời “không” với một câu hỏi vừa chân thành, vừa không đòi hỏi. Chẳng một lời “yêu” nhưng bài thơ lại dào dạt tình yêu. Chẳng một lời hẹn hò nhưng sao ngọt ngào chờ đợi và vấn vít khó rời!

Có đọc thơ Hoài Vũ mới thấy ông nặng lòng với Long An đến mức nào. Mỗi một điều bé nhỏ của quê hương, qua ánh nhìn của Hoài Vũ bỗng chốc hóa nên thơ, lãng mạn và giàu tình cảm:

Từ đó anh đi xa Vàm Cỏ

Băng đường khô, vẫn ngóng đường xuồng

Vẫn nhớ tóc người em gái nhỏ

Vị ngọt ngào lóng mía quê hương!

(Rừng mía quê hương)

Để rồi, khi trở lại Long An lúc quê hương sạch bóng quân thù, nhà thơ lại thêm một lần khẳng định: Em ơi em, dù trở lại một thời gian khổ/ Được làm dân đất này, kiêu hãnh biết bao nhiêu (Long An, ngày trở lại).

Bạn bè, thân hữu đến chúc mừng nhà thơ Hoài Vũ trong buổi ra mắt tập thơ

Hình như tình cảm mến yêu ngày ấy được ông nâng niu cho tới tận bây giờ. Điều đó hiện lên trong giọng nói vui tươi, hồ hởi, sự niềm nở, chân thành khi đón tiếp bạn bè từ Long An đến dự buổi ra mắt tập thơ của mình. Tay ông siết chặt tay người bạn cũ, ánh mắt ông trìu mến nhìn “hậu bối” cùng nụ cười rạng rỡ, thân thương.

Nhà thơ Hoài Vũ ký tặng sách cho độc giả yêu mến thơ ông

Ở độ tuổi xấp xỉ 90, cả một đời cống hiến cho văn học - nghệ thuật và cách mạng, ông vẫn gọi sự yêu mến của bè bạn, khách thơ là may mắn của mình. Ông nói rằng sẽ không thể nào quên “Buổi sáng đẹp trời, đẹp lòng người và tình người, ngọt ngào và hạnh phúc” - ngày ông ra mắt tập thơ Thì thầm với dòng sông./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết