Trước khi kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, Đảng và Nhà nước ta đã có quyết định lịch sử: Giải phóng quần đảo Trường Sa, giữ vững thế đứng của Việt Nam trên biển Đông. Sau khi đất nước thống nhất, ngày 12/5/1977, Chính phủ ra Tuyên bố về các vùng biển Việt Nam. Đây là một trong những tuyên bố sớm nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tiếp đó, ngày 12/11/1982, Chính phủ ra Tuyên bố về đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam, mở đầu một trang mới trong lịch sử tiến ra biển, thực hiện chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của nước ta trên biển.
Nghị quyết của Quốc hội khóa IX, Kỳ họp thứ 5 về phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 đã thể hiện rõ: “Lập trường trước sau như một của Chính phủ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời chủ trương giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ cũng như các tranh chấp khác liên quan đến biển Đông thông qua thương lượng hòa bình trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982”.
Trong hơn 1 năm qua, Chính phủ, các nhà khoa học, quân sự, chính trị, giới học giả và các hãng thông tấn, báo chí nhiều nước đã đồng loạt lên án các hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền trên biển, thềm lục địa của Việt Nam. Đây là làn sóng dư luận rộng rãi nhất nhằm vào Trung Quốc kể từ khi nước này thực hiện chính sách trỗi dậy gây căng thẳng trong khu vực - một trong những nguyên nhân chủ yếu; đồng thời, là nguy cơ tiềm tàng, gây mất ổn định an ninh, thậm chí cả xung đột vũ trang trên các vùng biển, đảo trong khu vực biển Đông. Do đó, hơn lúc nào hết, công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, định hướng chính trị cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc hiện nay là hết sức quan trọng và cấp thiết.
Xuất phát từ tầm quan trọng, sự cấp thiết nêu trên, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp UBND các tỉnh, thành phố tổ chức Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”, qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh niên trong việc bảo vệ và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thông qua các tư liệu lịch sử được công bố.
Bản đồ và tư liệu trưng bày tại triển lãm là bằng chứng lịch sử, cơ sở pháp lý cho thấy, nước ta từ thời kỳ phong kiến đến nay đã khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và nhiều vùng biển, đảo khác thuộc lãnh thổ Việt Nam. Đó là một quá trình liên tục, lâu dài, diễn ra trong hòa bình, được ghi nhận từ nhiều nguồn sử liệu của Việt Nam và các nước, đặc biệt là những tư liệu, bản đồ được soạn vẽ, xuất bản từ thế kỷ XVI đến nay ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Với nhiều tư liệu, văn bản, hiện vật, ấn phẩm và gần 100 bản đồ được trưng bày là tập hợp các nguồn tư liệu đã được công bố từ trước đến nay của các nhà nghiên cứu, học giả trong nước và quốc tế.
Triển lãm gồm các nhóm tư liệu chính: Phiên bản của các văn bản Hán Nôm, văn bản Việt ngữ và Pháp ngữ do triều đình phong kiến Việt Nam và chính quyền Pháp ở Đông Dương, thay mặt Nhà nước Việt Nam đương thời ban hành từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX, khẳng định quá trình xác lập, thực thi, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đặc biệt là các châu bản triều Nguyễn (từ triều Gia Long đến triều Bảo Đại) ban hành liên quan trực tiếp đến vấn đề khai thác, quản lý, xác lập và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo dưới triều Nguyễn (1802-1945); phiên bản của các văn bản hành chính của chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam ban hành trong thời kỳ 1954-1975 tiếp tục khẳng định quá trình quản lý hành chính, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo; phiên bản của các văn bản hành chính của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ban hành từ năm 1975 đến nay tiếp tục khẳng định và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và những vùng biển, đảo khác thuộc lãnh thổ Việt Nam.
Bên cạnh đó là một số tư liệu, ấn phẩm do các nước phương Tây biên soạn, xuất bản từ thế kỷ XVIII đến XIX liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo; một số hình ảnh tư liệu về quá trình thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ những năm 1930 đến trận “Hải chiến Hoàng Sa” ngày 19/01/1974; thư của Đô đốc Trần Văn Chơn - Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hòa, gửi bà Lê Kim Chiêu là thân nhân Đại úy Huỳnh Duy Thạch đã hy sinh trong trận “Hải chiến Hoàng Sa”; sưu tập gồm 65 bản đồ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo do Việt Nam, phương Tây công bố từ thế kỷ XVII đến nay; những công trình nghiên cứu, ấn phẩm của các học giả Việt Nam và nước ngoài về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo được xuất bản từ năm 1975 đến nay; bộ Atlas do Philippe-Vandermaelen (1795-1869) - nhà địa lý người Bỉ, người sáng lập Viện Địa lý Hoàng gia Bỉ, biên soạn. Đây là tài liệu vô giá, không chỉ về mặt học thuật mà còn có giá trị pháp lý góp thêm vào bộ hồ sơ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngoài ra, còn có sưu tập gồm 4 tập bản đồ và 30 bản đồ do các nhà nước Trung Quốc xuất bản và phát hành qua các thời kỳ lịch sử cho thấy Trung Quốc không hề quản lý hai quần đảo này. Trong đó, đáng chú ý nhất là 4 tập bản đồ do nhà Thanh và Chính phủ Trung Hoa Dân quốc xuất bản, gồm: Trung Quốc địa đồ 1908, Trung Quốc toàn đồ 1917, Trung Hoa bưu chính dư đồ 1919, Trung Hoa bưu chính dư đồ 1933. Các tập bản đồ này thể hiện cương giới cực Nam của Trung Quốc luôn chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam, mà không hề nhắc đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điều này chứng tỏ rằng, khi nhà Thanh phát hành các tập bản đồ này năm 1908 và sau này, chính quyền Trung hoa Dân quốc tái bản các tập bản đồ vào các năm 1917, 1919 và 1933 thì quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vẫn nằm ngoài cái gọi là “chủ quyền lịch sử của Trung Quốc” như họ vẫn tuyên bố hiện nay.
Các đợt triển lãm, trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” đều được thực hiện rất sinh động thông qua những hình ảnh, tài liệu, hiện vật,... thể hiện khát vọng của dân tộc Việt Nam trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ nên được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, các tổ chức chính trị - xã hội, thu hút sự quan tâm, theo dõi của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong cả nước, kiều bào ở nước ngoài với những hành động thiết thực, chung sức bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương. Các phong trào, chương trình hoạt động hướng về Hoàng Sa, Trường Sa đã được thực hiện trong cả nước như Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa; Triệu trái tim hướng về biển, đảo quê hương;...
Tỉnh đã được Bộ Thông tin và Truyền thông chuyển giao toàn bộ phiên bản hiện vật trưng bày trong đợt triển lãm tại Long An để tổ chức các cuộc triển lãm rộng rãi tại các địa phương của tỉnh. Đây là nguồn tư liệu quý giá được lưu trữ để các học giả, nhà nghiên cứu, bạn đọc và các thành viên Ban Chỉ đạo 35 tìm hiểu, nghiên cứu, góp phần tuyên truyền, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị xuyên tạc về vấn đề biển Đông và chủ quyền lãnh hải của Việt Nam hiện nay./.
Huyền Linh