Tiếng Việt | English

29/04/2022 - 16:04

Hoàng tử Cải, thứ phi Phi Yến trong câu ca dao 'Gió đưa cây cải về trời'?

Cùng với câu chuyện chúa Nguyễn Ánh phải bôn ba nhiều nơi, truyền thuyết về bà thứ phi Phi Yến, tên tộc là Lê Thị Răm và hoàng tử Cải, hầu như người dân Côn Đảo ai cũng nghe thấy nhưng nhiều khi chưa hiểu biết ngọn ngành.

Quanh hoàng tử Cải và bà thứ phi Phi Yến, chuyện kể rằng vào khoảng thời gian chúa Nguyễn Ánh bôn ba nhiều nơi, tìm chỗ ẩn lánh trước sự truy sát của quân Tây Sơn, có lần ông đã ra đến Côn Đảo (sách xưa gọi là đảo Côn Lôn, sau là Côn Nôn).

Ngôi miếu Cậu rất linh thiêng ở Côn Đảo

T.L

Tại đây, ông dự định đưa người con lớn là hoàng tử Cảnh sang Pháp cầu viện và bà Phi Yến đã hết lòng ngăn cản khiến ông tức giận, cách ly bà trên một hòn đảo nhỏ. Một hoàng tử tên Cải cứ nằng nặc đòi theo mẹ nên Nguyễn Ánh bực mình, ném ông xuống biển.

Xác Cải trôi tấp vào bãi biển gần con đường từ phi trường Cỏ Ống về thị xã và dân cư địa phương đã vớt lên chôn, lập miếu thờ tại chỗ.

Truyền thuyết còn kể rằng, trong thời gian bà phi sống trên đảo, có lần một viên chức trong ban hương chức hội tề đã sàm sỡ nắm lấy tay bà và bà đã chặt đứt cánh tay đó để tỏ niềm tiết liệt đoan trinh.

Không rõ từ bao giờ, nhưng chắc chắn là phải từ hàng trăm năm trước, người dân Côn Đảo đã gọi hòn đảo nhỏ nằm sát Bến Đầm (cách thị xã khoảng 10 km), nơi được tin là chỗ cách ly bà phi Phi Yến, là Hòn Bà.

Quan trọng hơn, họ dựng lên gần thị xã An Sơn miếu thờ bà Phi Yến, mà họ gọi một cách thân quen là “miếu Bà An Hải”, lấy theo tên Sở rẫy An Hải, cùng với Sở rẫy An Hội, là hai Sở rẫy lớn được lập nên để cung cấp rau củ tươi cho cư dân và tù trên đảo.

Cũng từ rất lâu rồi, miếu Bà An Hải là nơi chiêm bái thường xuyên của cư dân trên đảo, lễ hội vía Bà là một trong những ngày trọng đại nhất của đảo. Những năm 1970 - 1972 khi chúng tôi ra đây, con đường đất thẳng tắp dẫn từ bãi Hàng Dương đến miếu Bà An Hải là nơi thường xuyên chứng kiến một gã công chức trẻ tuổi tập lái chiếc công xa Scout, với ông thầy dạy lái xe là anh tài xế tù tên Vy.

Từ câu chuyện bà thứ phi Phi Yến và hoàng tử Cải, nhiều cây bút đã đưa ra nghi vấn: Liệu chúa Nguyễn Ánh có thực sự ra đến Côn Đảo không? Một số cây bút khác gán ghép hai câu ca dao ghi trên để minh họa cho cái truyền thuyết mà họ sử dụng để lôi cuốn người đọc:

"Gió đưa cây cải về trời,

Rau răm ở lại chịu lời đắng cay". (Ca dao)

Họ giải thích “rau răm” ở đây là tiêu biểu cho bà phi Lê Thị Răm và “cây cải” là hoàng tử Cải (?).

Côn Đảo ngày nay xanh mướt mát tầm mắt

T.L

Về nghi vấn thứ nhất, lịch sử trả lời rằng việc chúa Nguyễn Ánh từng ra đến Côn Đảo là điều có thật. Sách Đại Nam thực lục chép rằng vào tháng 6 âm lịch năm 1783, Nguyễn Ánh đã phải chạy từ đảo Phú Quốc ra đảo Côn Lôn.

Qua tháng sau, Nguyễn Huệ cử phò mã Trương Văn Đa mang quân ra vây hãm Côn Lôn, song mưa to gió lớn nổi lên, thuyền Tây Sơn bị tan vỡ, chìm đắm rất nhiều, Nguyễn Ánh nhờ đó mà phá vòng vây chạy thoát (Đại Nam thực lục – tập I – NXB Giáo dục – Hà Nội 2002, trang 217 - 218).

Khuôn viên miếu thờ hoàng tử Cải ở Côn Đảo

Sách Đại Nam thực lục ghi chép như sau: "Mùa thu, tháng 7 (1783), Nguyễn Văn Huệ nghe tin vua ở đảo Côn Lôn, sai người đảng là phò mã Trương Văn Đa đem hết thủy binh đến vây ba vòng, tình thế rất nguy cấp. Bỗng mưa gió nổi lớn, bốn bể mây mù kín mít, người và thuyền cách nhau gang tấc cũng không thấy nhau. Sóng biển nổi lên dữ dội. Thuyền giặc tan vỡ, chìm đắm không xiết kể. Thuyền vua bèn vượt các vòng vây, đến đậu ở hòn Cổ Cốt, rồi lại trở về đảo Phú Quốc,…”.

Về câu chuyện liên quan đến bà Phi Yến và hoàng tử Cải, theo chúng tôi có thể dễ dàng xác định đây chỉ là một truyền thuyết dân gian thuần túy, không có một gốc rễ nào trong lịch sử, vì các lý do minh chứng sau đây,... (Còn tiếp)

Theo Thanh Niên

Chia sẻ bài viết