Tiếng Việt | English

04/12/2015 - 16:47

Học giả quốc tế lo các nước ASEAN mất phương hướng tại Biển Đông

Các chuyên gia trong hội thảo tổ chức ngày 4/12 tại Hà Nội lo lắng, ASEAN đang mất phương hướng trong việc giải quyết các vấn đề tại biển Đông. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

Cho rằng ASEAN giữ vị trí "người cầm lái" của khu vực châu Á nhưng các học giả cũng lo lắng, vị trí quan trọng ấy đang "không biết đi đường nào" nhất là vấn đề liên quan tới ​Biển Đông.

"Họ đã nghĩ tới nước cờ dài"

Lo lắng này được ông William Choong, chuyên gia cao cấp của Đối thoại Shangri-La về an ninh châu Á-Thái Bình Dương nêu lên tại hội thảo "Xây dựng lòng tin ở châu Á​," do Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cùng Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức sáng 4/12 tại Hà Nội.

Đánh giá về mối quan hệ giữa các nước Đông Nam Á và Trung Quốc, ông William Choong cho rằng, nếu nhìn về khía cạnh kinh tế thì "không vấn đề gì" nhưng quan hệ giữa các bên không thuần túy như vậy, bởi ngoài kinh tế còn vấn đề về an ninh và chiến lược.

Nhấn mạnh về những căng thẳng khu vực Biển Đông thời gian gần đây, học giả người Singapore cho rằng, thái độ của Trung Quốc không phải chỉ xuất phát trong khoảng 2-3 năm gần đây mà đã có trong khoảng thời gian dài.

Khoảng thời gian ấy theo ông đã kéo dài vài chục năm với những sự kiện trên biển vào những năm 1974 hay 1988. "Họ đã nghĩ tới nước cờ dài," ông William Choong nói.

Trong khi ấy, với ASEAN, ông William Choong đánh giá, phản ứng của các nước trong khu vực lại thường chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn và không tương ứng với thái độ của Trung Quốc trong suốt những năm qua.

Nhận định ASEAN đang đứng trước bối cảnh "nguy hiểm," vị học giả ví von ASEAN như vị trí người cầm lái khi giải quyết các vấn đề châu Á, tuy nhiên, chính người "lái xe" này lại đang "không biết đi đâu" với các vấn đề liên quan tới ​Biển Đông.

Theo ông, một trong những minh chứng là tại Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng hồi tháng 11 vừa qua, các nước đã không thể đưa ra tuyên bố chung. Ngoài ra, bộ quy trắc ứng xử có sự ràng buộc pháp lý giữa Trung Quốc và ASEAN cũng đã trì hoãn vô thời hạn.

Cần tranh thủ công luận quốc tế

Sự mất phương hướng của ASEAN cũng là vấn đề được Tiến sĩ Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược ngoại giao đồng tình.

Theo ông, sự lạc hướng ấy chính là rủi ro khi ASEAN "không biết ưu tiên quan hệ với nước lớn nào." Qua đó, ông Thái cũng kêu gọi, các nước cần cải cách càng sớm càng tốt để tránh tình trạng ASEAN để mất vai trò trung tâm.

Góp ý thêm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Dũng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Nam Á cho rằng, chính các nước trong ASEAN cũng khá chia rẽ trong vấn đề ​Biển Đông.

Theo ông, các nước không có tranh chấp thì tìm kiếm sự hợp kinh tế với Trung Quốc. Trong khi đó, các nước có tranh chấp biển thì cũng có quan điểm khác nhau trong ứng xử.

Để giải quyết vấn đề căng thẳng ấy, ông Dũng cho rằng, các quốc gia ASEAN không cần phải trở thành cường quốc quân sự mà về cơ bản, cần có cơ chế thuyết phục Trung Quốc tự kiềm chế và dần từ bỏ chính sách nước lớn của mình với khu vực.

Đây cũng là ý kiến được ông William Choong cho rằng quan trọng hơn việc đưa ra tuyên bố chung ASEAN.

"Tôi cho rằng thách thức lớn với ASEAN không chỉ đưa ra tuyên bố chung mà quan trọng hơn là ASEAN buộc Trung Quốc trao đổi về các vấn đề này," ông William Choong nói.

Góp thêm giải pháp, Giáo sư Kawashima Shin, Đại học Tokyo, Nhật Bản nhận định, các nước cần sự hậu thuẫn của công luận quốc tế. Đây là hoạt động theo ông Nhật Bản đã thúc đẩy mạnh trong năm nay để tranh thủ sự đồng tình từ khắp nơi trên thế giới.

"Chúng ta cần giải thích lập trường của mình với thế giới vì các nước khác ở Châu Âu​ hay Mỹ La​tinh có thể không hiểu rõ vấn đề," Giáo sư Kawashima Shin lên tiếng./.

 Đức-Dũng/Vietnam+

Chia sẻ bài viết