Tiếng Việt | English

12/11/2023 - 14:46

Học giỏi sao làm việc lại khó?

Tại hội thảo Giáo dục 2023, đại diện một doanh nghiệp cho rằng các trường đại học cần phải điều chỉnh cách kiểm tra đánh giá xếp loại sinh viên, không nên để tình trạng sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi, xuất sắc cao nhưng không thực chất.

Sinh viên Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng thực tập ở xưởng cơ khí Duy Khanh, Tân Phú, TP.HCM - Ảnh: HỮU HẠNH

Nhận định này đã nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội.

Tuổi Trẻ ghi ý kiến một số chuyên gia, doanh nghiệp, sinh viên để lý giải thêm cho nhận định này.

* Ông Hoàng Ngọc Vinh (nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp):

Đừng thu hút sinh viên bằng giá trị ảo

Ông Hoàng Ngọc Vinh

Từ việc lạm phát điểm số, nguyên nhân hàng đầu là thầy đã dễ dãi mà có thể là dễ dãi từ việc lạm phát bằng cấp tiến sĩ, đến lượt mình thì các tiến sĩ là giảng viên sẵn sàng dễ dãi trong việc chấm điểm, giúp sinh viên có bảng điểm đẹp đi xin việc. Thực tế nhiều đơn vị tuyển dụng vẫn nhìn vào bảng điểm trước khi đánh giá năng lực thực chất.

Bên cạnh đó, bối cảnh tự chủ đại học và cạnh tranh trong tuyển sinh nên để thu hút sinh viên vào học nhiều hơn và giữ chân sinh viên, đã hạ thấp tiêu chuẩn đánh giá xếp loại sinh viên xuống, tạo giá trị ảo cho người học.

Để tránh câu chuyện lạm phát điểm, cần phải có văn hóa liêm chính đối với đội ngũ giảng viên, không để sự dễ dãi thành thói quen, thành văn hóa. Khi thầy càng nghiêm khắc thì trò càng giỏi, thầy càng dễ dãi thì học trò ra trường sẽ rất khó để hòa nhập với công việc thực tế.

Nếu cơ sở giáo dục đại học muốn giữ uy tín và danh tiếng tốt nhất phải dạy nghiêm túc, dạy thật, học thật thì sinh viên ra trường mới làm được thật. Đồng thời phải luôn tăng cường kỹ năng giảng dạy và đánh giá người học.

Thêm vào đó, trụ cột lớn để các chương trình đào tạo chất lượng là phải hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp, tăng cường hợp tác quốc tế và trau dồi kỹ năng tiếng Anh cho sinh viên.

Các trường đại học nên đổi mới phương pháp đào tạo sao cho tạo cho sinh viên nhiều bài tập thực tế (case study) hơn để dễ hòa nhập thực tế. Điều này đòi hỏi giảng viên phải rất có kinh nghiệm về ngành học và của các ngành công nghiệp liên quan.

Khi doanh nghiệp chê sinh viên chưa đạt, doanh nghiệp cũng phải xem xét lại đã giúp được các cơ sở đào tạo những gì, đã từng đặt hàng phát triển kỹ năng hoặc chuyển các chương trình cần đào tạo cho các trường đại học chưa.

* Ông Nguyễn Phương Tài Lộc (trưởng bộ phận nhân sự Công ty cổ phần Chăn nuôi Việt Nam):

Sinh viên tốt nghiệp loại giỏi có chuyên môn tốt hơn

Ông Nguyễn Phương Tài Lộc

Mục tiêu tuyển dụng của công ty là tuyển nhân sự làm được việc chứ không phải tuyển dụng vì bằng cấp, điểm số. Điều này lý giải vì sao có những bạn tốt nghiệp giỏi, xuất sắc nhưng không trúng tuyển trong khi ứng viên tốt nghiệp loại khá lại được tuyển dụng.

Từ thực tế tuyển dụng chúng tôi thấy rằng đa số những bạn tốt nghiệp giỏi, xuất sắc sẽ có năng lực chuyên môn tốt hơn so với các bạn tốt nghiệp loại trung bình, khá. Điều này đặc biệt đúng với các ngành khối kỹ thuật như điện, cơ khí, công nghệ thông tin, chế tạo máy...

Tuy nhiên xếp loại tốt nghiệp không đánh giá được kỹ năng, khả năng học hỏi, thích ứng, tác phong của ứng viên. Tuyển dụng đánh giá tổng hòa các yếu tố chứ không chỉ có kiến thức chuyên môn hay kỹ năng.

* Ông Đỗ Văn Dũng (cố vấn cao cấp Tập đoàn Đèo Cả):

Có sự nương nhẹ trong đánh giá

Ông Đỗ Văn Dũng

Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp khá giỏi nhiều như hiện nay có nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chính đến từ cách tính điểm xếp loại. Nếu như trước đây theo thang điểm 10, từ 7 đến dưới 8 điểm được xếp loại khá thì theo thang điểm 4, sinh viên đạt 6 điểm sẽ tương đương khung điểm khá của thang điểm 4.

Do đó, về điểm số, sinh viên loại khá theo hệ tín chỉ sẽ thấp hơn so với hệ niên chế trước đây. Cách đánh giá cũng khác giúp sinh viên có điều kiện cải thiện điểm số.

Tuy nhiên, tôi cho rằng dường như có tâm lý muốn sinh viên có điểm cao để tăng tỉ lệ được tuyển dụng sau này. Khi còn làm hiệu trưởng đại học (Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - PV), giảng viên thỉnh giảng ở một số trường đại học khác nói với tôi rằng họ được quán triệt phải chấm điểm sinh viên từ 7 - 8 điểm.

Chấm điểm thấp quá sinh viên phản ứng, nghỉ học, trường thất thu. Dĩ nhiên cũng có nhiều trường đánh giá khắt khe, buộc sinh viên phải cố gắng học tập nhiều hơn.

Ngoài ra, điểm số của sinh viên cũng tùy thuộc vào cá nhân giảng viên. Trước đây khi Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM quy định xét học bổng dựa vào điểm số của toàn bộ sinh viên, xét từ cao xuống thấp thì sinh viên nhận học bổng rơi phần lớn vào một số khoa nhất định. Điều này là bất công khi dường như các giảng viên ở khoa này đánh giá sinh viên nhẹ nhàng hơn các khoa khác. Cùng một trường đã có sự chênh lệch nặng nhẹ quá nhiều như vậy nói gì khác trường.

Các công ty ngày nay cũng đã có nhiều kinh nghiệm hơn trong tuyển dụng. Thông thường họ sẽ cho thử việc 3-6 tháng để đánh giá khả năng học hỏi, thích ứng của ứng viên. Với sự phát triển của công nghệ, kiến thức học được ở trường sẽ nhanh chóng lạc hậu nếu sinh viên không có khả năng tự học liên tục.

Do đó, điểm số ở trường đại học sẽ không nói lên chính xác năng lực của người học. Sinh viên tốt nghiệp giỏi hay xuất sắc mà kiến thức nền tảng không vững cũng sẽ nhanh chóng bị đào thải trong thực tế khi không cập nhật kiến thức mới.

* Ông Thái Doãn Thanh (phó hiệu trưởng Trường đại học Công Thương TP.HCM):

Học một đường, đánh giá một nẻo

Ông Thái Doãn Thanh

Mỗi trường đại học có hệ thống chuẩn đánh giá đầu ra người học. Tuy nhiên có thể cách đánh giá còn chưa chặt chẽ hoặc có chủ ý dẫn đến việc đánh giá không đúng năng lực người học.

Đây là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến uy tín của trường và người học. Khi đánh giá không đúng năng lực, dù kết quả học tập tốt, hồ sơ đẹp nhưng vào thực tế lại không làm được việc.

Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sinh viên bởi họ cũng chưa đánh giá đúng khả năng của mình, trong khi trường đại học đánh giá họ giỏi, xuất sắc.

Do đó, tôi cho rằng trường đại học cần có hệ thống đánh giá hoàn thiện để đánh giá đúng, chính xác năng lực người học. Điều này tốt cho cả trường và sinh viên sau này.

Còn việc đánh giá đúng nhưng sinh viên tốt nghiệp giỏi, xuất sắc không đáp ứng được yêu cầu công việc lại là chuyện khác. Điều này có nguyên nhân từ việc doanh nghiệp và trường chưa ngồi lại với nhau dẫn đến có độ vênh trong đào tạo - sử dụng.

Học một đường, đánh giá một nẻo làm sao sinh viên đáp ứng được. Trường và doanh nghiệp có thể thống nhất chuẩn đầu ra là gì, từ đó trường cải tiến chương trình phù hợp.

* Tháng 6-2022: Trường đại học Luật Hà Nội công nhận tốt nghiệp cho 1.638 sinh viên hệ chính quy. Trong đó có 21 sinh viên xếp hạng xuất sắc (chiếm 1,3%), 764 sinh viên xếp hạng giỏi (chiếm 46,7%), 849 sinh viên xếp hạng khá (chiếm 51,8%), chỉ có 4 sinh viên xếp hạng trung bình (chiếm 0,2%). Như vậy tỉ lệ tốt nghiệp xếp loại khá, giỏi, xuất sắc chiếm 99,8%.

* Tháng 6-2023, trường đại học này công nhận tốt nghiệp hệ chính quy cho 1.594 sinh viên. Trong đó 51 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc (chiếm 3,2%), 989 sinh viên giỏi (chiếm 62,04%), 553 sinh viên tốt nghiệp loại khá (chiếm 34,69%). Chỉ có 1 sinh viên xếp loại trung bình (chiếm 0,1%). Như vậy tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, khá, giỏi lên đến 99,9%.

* Tháng 8-2023: Trường đại học Kinh tế quốc dân có 4.577 sinh viên tốt nghiệp thì 1.192 đạt loại xuất sắc (chiếm 26,4%), 1.925 sinh viên tốt nghiệp loại giỏi (chiếm 42,06%), 1.376 sinh viên loại khá (30,06%). Như vậy, số sinh viên tốt nghiệp từ khá trở lên của đợt lên tới 98,1%.

* Tháng 9-2023: Trường đại học Ngoại thương có 1.655 sinh viên đại học chính quy được trao bằng tốt nghiệp thì có 21% sinh viên xuất sắc, khoảng 48,2% sinh viên đạt kết quả học tập loại giỏi. Như vậy, chỉ tính riêng tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc chiếm gần 70%.

* Trần Thị Thu Hiền (thủ khoa đợt xét tốt nghiệp sớm của Trường đại học Ngoại thương, điểm trung bình 3,99/4):

Bạn Trần Thị Thu Hiền

Theo tôi, số lượng sinh viên tốt nghiệp xếp loại giỏi, xuất sắc chiếm tỉ lệ lớn xuất phát từ một số nguyên nhân chính.

Thứ nhất, với việc loại bằng được xét dựa trên thang điểm hệ 4, sinh viên dễ thỏa mãn điều kiện để đạt bằng giỏi, bằng xuất sắc hơn.

Thứ hai, trong quá trình học, sinh viên được tạo điều kiện để họ cải thiện nên có cơ hội nâng cao điểm số của mình trong phạm vi số lượng tín chỉ cho phép và không làm ảnh hưởng đến xếp loại bằng.

Thứ ba, trong bối cảnh Internet phát triển mạnh mẽ, hiện nay sinh viên đang có nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp cận tới các nguồn tài liệu quý để phục vụ cho học tập nên đạt kết quả tốt hơn.

Tốt nghiệp loại xuất sắc, ra trường làm việc đúng chuyên ngành tuy nhiên bản thân tôi khi đi làm cũng gặp phải một số khó khăn, nhất là trong giai đoạn đầu khi chưa quen với quy trình làm việc của doanh nghiệp trên thực tế.

Khi đến làm việc tại doanh nghiệp tôi được đào tạo thêm về quy trình vận hành tổng quát của công ty, của đội nhóm rồi những hệ thống, nền tảng công nghệ mà bên họ đang sử dụng để phục vụ công việc hằng ngày. Điều quan trọng là tôi sẽ vừa làm vừa học thêm, đi từ dễ đến khó.

Theo tôi, cơ sở giáo dục đại học cần đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp trong vấn đề đào tạo. Nắm bắt kịp thời, sát sao hơn nữa nhu cầu, nguyện vọng, định hướng việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp.

* Chị Dương Thị Ngọc (cựu sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền):

Chị Dương Thị Ngọc

Tôi là cựu sinh viên khoa phát thanh truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Năm 2016 tôi ra trường với 1.541 sinh viên tốt nghiệp năm đó chỉ có 46 sinh viên tốt nghiệp loại giỏi (chiếm 2,99%), không có sinh viên xuất sắc.

Ngày đó, để tốt nghiệp với tấm bằng khá sinh viên cũng đã phải nỗ lực rất nhiều. Ba bạn đạt bằng giỏi trong khoa tôi đều trong TOP sinh viên năng động, có kết quả học tập rất tốt, hiện tại đều đang làm trong những cơ quan lớn có uy tín.

Theo tôi, xếp hạng bằng cấp phải dựa trên năng lực học tập thực chất, hoạt động xã hội chứ không nên chạy đua theo phong trào, theo thành tích.

Sinh viên Trường đại học Ngoại thương tham dự lễ trao bằng tốt nghiệp tháng 9-2023 - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Hệ thống kiểm tra đánh giá tác động lớn

Kết quả xếp hạng tốt nghiệp chịu tác động rất lớn từ "chất lượng người học" và hệ thống kiểm tra đánh giá của một trường đại học.

Nếu một trường đại học có các chương trình đào tạo tiên tiến, đồng thời có một hệ thống đánh giá nghiêm túc, khách quan, chính xác về kết quả học tập toàn khóa của sinh viên thì tỉ lệ đến 50% sinh viên tốt nghiệp giỏi, xuất sắc là một tín hiệu tốt cho chất lượng tuyển sinh và đào tạo của nhà trường.

Một sinh viên có năng lực học tập tốt, có ý thức bền bỉ vượt khó, cần cù chăm chỉ sẽ có cơ hội lớn để đạt tốt nghiệp hạng giỏi.

Tuy nhiên, một hệ thống kiểm tra, đánh giá nghiêm túc, khoa học và ổn định cho việc đánh giá kết quả học tập của người học (điểm thi học phần) là yếu tố quyết định để đảm bảo được kết quả đánh giá tin cậy và chính xác, đặc biệt là tỉ lệ tốt nghiệp giỏi/xuất sắc trên tổng số sinh viên tốt nghiệp từng năm học.

Một điều rất quan trọng tôi muốn nhấn mạnh chất lượng đào tạo được phản ánh thông qua sự thành công của người tốt nghiệp trong hoạt động nghề nghiệp được đào tạo của họ, tức là chỉ được xác định sau một thời gian đủ dài kể từ khi sinh viên tốt nghiệp ra làm việc và phát huy năng lực phẩm chất của họ trong thị trường lao động, có độ trễ trong việc đánh giá sản phẩm đào tạo.

Điều này cho thấy điểm số hay tỉ lệ giỏi, xuất sắc gia tăng chưa chắc đã đồng nghĩa với việc gia tăng chất lượng đào tạo.

Việc xếp hạng tốt nghiệp căn cứ chủ yếu vào điểm trung bình tích lũy toàn khóa (CPA), được tính toán từ điểm học phần của tất cả các học phần trong chương trình đào tạo. Do đó, việc đánh giá dễ dãi, không chính xác về kết quả học tập của sinh viên theo từng môn học sẽ tác động đến kết quả xếp hạng cuối cùng của sinh viên.

Một hệ thống đánh giá kết quả người học chính xác, tin cậy, khách quan, đúng thực chất vừa là mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo vừa là động lực cho sinh viên học tập, rèn luyện. Tuy nhiên, việc xây dựng hệ thống này cần nhiều thời gian, công sức và ý chí nghiên cứu, học hỏi của đội ngũ giảng viên - những người trực tiếp đánh giá năng lực học tập của sinh viên.

Trước hết, các chương trình đào tạo cần xây dựng, phát triển, kiểm định theo các chuẩn mực quốc tế để đảm bảo tính hiện đại, tạo ra những thách thức nhất định để người học cố gắng phấn đấu.

Mỗi môn học cần có một bộ câu hỏi được chuẩn hóa, đảm bảo bao phủ toàn bộ kiến thức/kỹ năng được môn học cung cấp, đảm bảo đo lường được mức độ đáp ứng "chuẩn đầu ra mong đợi của học phần" từ kết quả làm bài thi của người học.

Bộ câu hỏi này cần được phân loại mức độ khó/dễ thông qua thực nghiệm thực tế trên sinh viên chứ không phải xuất phát từ quan điểm chủ quan của người soạn câu hỏi.

Đề thi lấy ra từ bộ câu hỏi chuẩn hóa với tỉ lệ khó/dễ phù hợp sẽ có khả năng phân loại tốt. Đề thi cần được bổ sung thường xuyên, phù hợp với các nội dung đổi mới của môn học.

Phương thức thi cũng rất quan trọng để đảm bảo tính trung thực, khách quan trong đánh giá người học, đảm bảo tính chính xác về kết quả đánh giá. Khoa học về đo lường đánh giá trong giáo dục hiện có nhiều phương thức thi tiên tiến có thể áp dụng, đặc biệt là trong xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền (phó giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội)

Theo TTO

Nguồn: https://tuoitre.vn/hoc-gioi-sao-lam-viec-lai-kho-20231112082201208.htm

Chia sẻ bài viết