Quang cảnh Hội báo toàn quốc 2018. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Ban Chỉ đạo, Trưởng ban Tổ chức Hội Báo toàn quốc 2018, cho biết đây là một trong những nội dung quan trọng nhất của Hội Báo toàn quốc 2018; là cơ hội để các nhà quản lý báo chí, cơ quan báo chí, nhà báo giao lưu, gặp gỡ, trao đổi thông tin về những tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đến nền báo chí cũng như quá trình tác nghiệp của nhà báo; tạo ra mối quan hệ gắn kết giữa các cơ quan báo chí với cơ sở đào tạo báo chí nhằm cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng sự thay đổi của báo chí.
Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng 4.0) là xu hướng hiện tại của tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất. Nó bao gồm các hệ thống mạng vật lý, mạng Internet kết nối vạn vật và điện toán đám mây. Công nghiệp 4.0 tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra các “nhà máy thông minh” hay “nhà máy số”...
Diễn ra trong không khí cởi mở, tọa đàm xoay quanh các vấn đề thuận lợi, thách thức của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đối với sự phát triển của báo chí Việt Nam hiện nay; công tác chỉ đạo, quản lý báo chí trước sự phát triển của các trang mạng xã hội, công nghệ làm báo mới và báo chí đa nền tảng; tác nghiệp nhà báo, đạo đức người làm báo trong sự bùng nổ thông tin, công tác đào tạo báo chí trước cuộc cách mạng 4.0.
Đa số các đại biểu tham dự đều cho rằng, trong lĩnh vực báo chí truyền thông, cách mạng 4.0 đã, đang tác động trực tiếp đến sự “sinh tồn” của các phương tiện truyền thông truyền thống, ảnh hưởng mạnh mẽ đến kỹ năng tác nghiệp của nhà báo. Để nắm bắt được xu thế mới này, rất cần những cuộc trao đổi, tọa đàm để giới báo chí, các cơ quan quản lý báo chí và công chúng báo chí hiểu sâu hơn về những tác động của cuộc cách mạng 4.0 mang lại, từ đó có những bước đi phù hợp với xu thế chung của thế giới, đưa ra một số giải pháp hữu hiệu trong việc nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí cũng như kỹ năng tác nghiệp của nhà báo.
Cùng chung quan điểm trên, tiến sỹ Trần Quang Diệu, giảng viên khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết thêm: Cách mạng công nghiệp 4.0 làm xuất hiện nhiều xu thế như: Xu thế của video trực tuyến; sự kết hợp của các nền tảng dịnh vụ mạng xã hội; sự giao tiếp của con người dần thay đổi; thực tại ảo sẽ được tăng cường; cá nhân hóa; sự gia tăng của các người ảnh hưởng… Đối với “báo chí 4.0,” dễ dàng nhận ra có sự hội tụ của nền tảng công nghệ trong việc sản xuất các sản phẩm báo chí. Tuy nhiên, để đáp ứng xu thế mới này, các cơ quan chức năng, đơn vị báo chí cũng cần phải quan tâm hơn đến việc đầu tư hạ tầng cơ sở; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; có môi trường pháp lý rộng mở; phát triển đến kinh tế báo chí truyền thông và an ninh truyền thông.
Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, nhà báo Lê Quốc Minh chia sẻ câu chuyện 4.0 là câu chuyện rất thiết thực với những người làm báo. Hiện nay khá nhiều cơ quan báo chí chưa đạt được tiêu chí về tòa soạn hội tụ. Tuy nhiên, ở nhiều nơi trong khu vực, trên thế giới, nhiều tòa soạn đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để viết tin.
Sau nhiều năm nghiên cứu về xu hướng báo chí và công nghệ trong báo chí, nhà báo Lê Quốc Minh cho rằng, thực tế những ứng dụng truyền thông của công nghệ 4.0 là rất tiềm năng, hiệu quả xong đòi hỏi ý chí, quyết tâm và cả những đầu tư không nhỏ của lãnh đạo cơ quan báo chí, cơ quan báo chí. Công nghệ cũng không thể thay đổi được cái tâm của người làm báo. Mỗi người làm báo có nhận định về một vấn đề theo cách riêng. Để làm tốt nhiệm vụ trong thời đại hiện nay, nhà báo phải luôn luôn giữ được những tiêu chuẩn quan trọng của người làm báo là sự thật, công bằng và cân bằng.
Tọa đàm cũng dành thời gian nêu một số bất cập trong đời sống báo chí hiện nay và các biện pháp khắc phục./.
Theo TTXVN