Hội Báo toàn quốc 2019 diễn ra rất nhiều hoạt động thu hút sự tham gia của đông đảo công chúng, những người làm báo và cơ quan quản lý, nhất là hội thảo “Vai trò của báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử.”
Văn hóa ứng xử bước đầu có chuyển biến tích cực
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đưa ra cách nhìn khái quát về văn hóa ứng xử. Đó là những hành vi, việc làm, thái độ, lời nói, giao tiếp của người với người, của cộng đồng, dân tộc.
Văn hóa ứng xử được hình thành qua quá trình học tập, rèn luyện, trưởng thành của mỗi người, mỗi cộng đồng, dân tộc. Hành vi, việc làm có văn hóa thể hiện chất văn hóa của con người, cộng đồng, dân tộc. Một dân tộc nếu giàu có đáng được ca ngợi nhưng càng tự hào hơn nếu dân tộc đó được ca ngợi có văn hóa.
Nói về vai trò quan trọng của văn hóa, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 9 lần thứ XI khẳng định “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị.”
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cũng nhấn mạnh: "Xây dựng nền văn hóa con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân-thiện-mỹ, thấm nhuần tư tưởng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc của Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.”
Nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa ứng xử trong việc xây dựng con người Việt Nam trong tình hình mới, Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương đã tích cực xây dựng, ban hành quy tắc ứng xử, văn hóa công vụ. Trong đó, đáng chú ý là Đề án Văn hóa công vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã có quy định về tinh thần, thái độ làm việc; chuẩn mực giao tiếp ứng xử, đạo đức, lối sống; trang phục của cán bộ, công chức, viên chức.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình giữa vợ chồng, cha mẹ với con cái, ông bà với cháu, anh, chị, em và các thành viên trong gia đình. Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025; Bộ Y tế ban hành Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế. Đặc biệt, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng ban hành quy tắc ứng xử nơi công cộng...
Là một trong những cơ quan báo chí lớn, cùng với các đơn vị báo chí khác, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã có những cách tuyên truyền linh hoạt về văn hóa ứng xử để hưởng ứng Quy tắc ứng xử nơi công cộng của Hà Nội.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội thảo vai trò của báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hoá ứng xử. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Phó Tổng biên tập Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) Đỗ Doãn Phương cho biết TTXVN đã phát nhiều tin, bài, phóng sự phản ánh việc xây dựng văn hóa ứng xử. Đặc biệt, ngay từ năm 2013, khi Hà Nội khởi động soạn thảo đề án xây dựng bộ quy tắc ứng xử, TTXVN đã trao giải "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội" (do báo Thể thao và Văn hóa tổ chức) cho Nhóm soạn thảo Đề án này nhằm cổ vũ việc xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Cùng với Giải “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội,” giải “Khoảnh khắc vàng” của TTXVN (do Báo Ảnh Việt Nam thực hiện) cũng giới thiệu được rất nhiều những bức ảnh có giá trị về nét đẹp đời thường trong văn hóa ứng xử, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong công chúng.
Trong năm 2018-2019, Báo Thể thao và Văn hóa tổ chức cuộc thi biếm họa chủ đề “Ứng xử văn hóa; Xã hội văn minh.” Các tác phẩm xuất sắc nhất cuộc thi đã được trưng bày, triển lãm tại Phố đi bộ Hồ Gươm vào nhằm giúp mỗi người có thể tự soi lại bản thân để có điều chỉnh thích hợp.
Những việc làm này đã góp phần tích cực trong việc truyền thông, cổ vũ thực hiện quy tắc ứng xử, nêu cao chuẩn mực văn hóa trong cộng đồng.
Đại biểu, khách đến thăm gian trưng bày các ấn phẩm của TTXVN tại Hội báo toàn quốc 2019. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy ghi nhận qua thời gian thực hiện Quy tắc ứng xử văn hóa trong các lĩnh vực và ở địa phương, đến nay bước đầu đã có những chuyển biến tích cực.
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện tốt thời gian làm việc, trang phục công sở lịch sự, có hành vi nghiêm túc, thái độ niềm nở, khiêm tốn, lễ phép, tôn trọng, sử dụng ngôn ngữ hòa nhã, chấp hành nội quy, quy chế trong thực thi nhiệm vụ; giữ gìn đoàn kết nội bộ, giúp đỡ đồng nghiệp và chấp hành nghiêm phân công của tổ chức, nhiệm vụ cấp trên giao.
Văn hóa ứng xử nơi công cộng dần hình thành và được người dân phát huy. Trong cộng đồng cũng đã xuất hiện nhiều tấm gương đạo đức tốt đẹp, sống lương thiện, đề cao trách nhiệm, lương tâm vì lợi ích chung của cộng đồng, xã hội, đất nước; mạnh dạn đấu tranh phê phán những hành vi xấu...
Báo chí đóng vai trò quan trọng
Thực tế, báo chí có mối quan hệ mật thiết với văn hóa, vừa là bộ phận của văn hóa vừa góp phần truyền tải, phổ biến văn hóa tới công chúng.
Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng suốt 90 năm qua, báo chí đã thực hiện tốt nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, trong đó có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên các kênh thông tin đại chúng phản ánh thực tiễn văn hóa, truyền tải, phổ biến văn hóa, là động lực thúc đẩy văn hóa phát triển.
Công tác truyền thông trên báo chí có vai trò quan trọng trong việc định hướng hình thành chuẩn mực văn hóa ứng xử phù hợp với bối cảnh xã hội mới; từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế...
Hội Nhà báo Việt Nam luôn xác định bồi dưỡng nghiệp vụ, đạo đức hội viên là một nhiệm vụ quan trọng. Hội đã ban hành 10 điều quy định nghề nghiệp đạo đức người làm báo Việt Nam.
Mới đây, Hội ban hành Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Nhiều cấp Hội trong cả nước đã xây dựng, ban hành quy chế, quy tắc nghề nghiệp phù hợp với đặc thù của địa phương, đơn vị.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi khẳng định sau Hội Báo toàn quốc năm 2109, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ đề xuất một chương trình hợp tác với Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông về xây dựng, phát triển văn hóa trong đó có văn hóa ứng xử.
Hội cũng sẽ xem xét tổ chức giải báo chí với văn hóa ứng xử, chính thức trao giải này tại Hội Báo toàn quốc năm 2020. Việc làm này của Hội Nhà báo Việt Nam một lần nữa khẳng định vai trò của báo chí trong truyền thông xây dựng chuẩn mực văn hóa ứng xử.
Cần sự vào cuộc thực sự
Với sức mạnh công khai, nhanh nhạy, báo chí góp phần phát hiện, cổ động những mô hình tốt, cách làm hay, phê phán những mô hình lệch chuẩn văn hóa, góp phần tích cực đề cao vai trò của văn hóa trong sự phát triển của đất nước.
“Tuy nhiên, ở một số nơi, một số cấp, ngành, địa phương còn nhận thức chưa đúng về vai trò của văn hóa trong xây dựng, phát triển đất nước. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến những yếu kém trong lĩnh vực văn hóa, trong đó có báo chí,” nhà báo Hồ Quang Lợi chia sẻ.
Để khắc phục những hạn chế trên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho rằng cần có những giải pháp kịp thời, thường xuyên tuyên truyền, trong đó rất cần sự nêu gương của cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là vai trò gương mẫu của người đứng đầu.
Bên cạnh việc tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin với cơ quan báo chí trong việc truyền thông văn hóa ứng xử, cũng cần có những cán bộ dám nói thẳng, nói thật, chân thành góp ý về việc làm chưa đúng của cán bộ cấp trên, đồng nghiệp.
Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Hưng Yên Nguyễn Công Đán đề nghị Chính phủ chỉ đạo việc nêu gương cũng như phê bình những việc làm sai trái trên báo chí. Hội Nhà báo Việt Nam, các đơn vị quản lý báo chí cần quán triệt để các đơn vị báo chí ở địa phương nắm được chủ trương tuyên truyền về xây dựng văn hóa ứng xử. Các tổng biên tập, các giám đốc đài địa phương tiếp tục quan tâm duy trì, nâng cao giá trị các chuyên mục văn hóa ứng xử, chuẩn mực văn hóa.
Thống nhất quan điểm đó, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cho biết trong giai đoạn hiện nay, việc hình thành, xây dựng, định hướng chuẩn mực về văn hóa ứng xử là công việc lâu dài, phức tạp, cần có sự vào cuộc của các bộ, ngành trung ương, các cấp, địa phương, đặc biệt là sự tham gia tích cực của các cơ quan báo chí.
“Việc tuyên truyền về chuẩn mực ứng xử trong xã hội cần được thực hiện liên tục, trong thời gian dài, không thể ngắt quãng hay theo kỳ cuộc. Muốn như vậy, cùng với việc phát hiện và tuyên truyền của báo chí, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cơ quan thực thi pháp luật. Đặc biệt, các cơ quan chắc năng cần tăng các chế tài xử phạt để có sức răn đe, tiến tới loại bỏ những hành vi lệch chuẩn ra khỏi đời sống xã hội. Công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng cần tiến hành thường xuyên, liên tục, hấp dẫn, có thêm nhiều chương trình có quy mô lớn hơn...," nhà báo Trần Thị Thanh Thùy, Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội chia sẻ./.
Theo TTXVN