Đây là một cuộc gặp có ý nghĩa biểu tượng cao, cho thấy quyết tâm của hai bờ Đại Tây Dương chống lại chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ.
Đến thủ đô Ottawa vào chiều 06/6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ngay lập tức có cuộc gặp với Thủ tướng nước chủ nhà Justin Trudeau, người mà cũng giống như ông luôn được ca ngợi là “một trong những nhạc trưởng tích cực nhất” của tự do thương mại, nhằm thiết lập mặt trận chung trước một Tổng thống Mỹ đang gây tổn thương chính các đồng minh của mình bằng các biện pháp bảo hộ.
Hội nghị G7 sẽ khai mạc tại Canada vào ngày 8/6. Ảnh: Africa Business
Phát biểu tại cuộc gặp, trong khi Thủ tướng Trudeau tuyên bố, càng đến gần Hội nghị Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu G7, các nước cần phải đảm bảo sự phối hợp hơn lúc nào hết, thì Người đứng đầu nước Pháp Emmanuel Macron lại thừa nhận, hội nghị thượng đỉnh lần này diễn ra trong một thời điểm khó khăn.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhấn mạnh: “Thật vui mừng được tiếp đón Tổng thống nước Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron tại thủ đô Ottawa, chuyến thăm đầu tiên của ngài kể từ khi trở thành Tổng thống Pháp. Chúng ta có rất nhiều vấn đề cần thảo luận, tất nhiên trong đó không thể thiếu Hội nghị thượng đỉnh G7 sắp diễn ra. Cũng như trước đây, hai nước chúng ta luôn tìm kiếm cách thức để có thể làm việc cùng nhau. Chúng ta là những nước bạn bè lớn của nhau, là những đối tác lớn trên trường quốc tế và cách mà chúng ta làm việc cùng nhau chắc chắn là cùng hướng tới một hội nghị G7 thành công”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chia sẻ: “Cùng với Thủ tướng Canada, chúng tôi đã thảo luận về một loạt vấn đề song phương, cũng như về công tác chuẩn bị cho Hội nghị G7 lần này, vốn diễn ra trong một thời điểm khó khăn. Song đây cũng là dịp để chúng ta trao đổi ý kiến, đánh giá những vấn đề quan trọng, về chủ nghĩa đa phương kiểu mới, có thể là về kinh tế, địa chính trị, môi trường... Ít nhất đối với hai nước chúng ta đã có một sự đồng lòng thực sự”.
Theo tuyên bố chung mà Hãng tin AFP của Pháp có được, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh cam kết cùng nhau hành động nhằm đưa ra câu trả lời chung trong bối cảnh địa chính trị phức tạp, với những thách thức nghiêm trọng đối với tương lai của hành tinh và trật tự quốc tế. Trong một dấu hiệu cho thấy sự xích lại gần nhau giữa hai bờ Đại Tây Dương, với đại diện là Canada và Pháp, lãnh đạo hai nước cam kết thành lập một Hội đồng Bộ trưởng Quốc phòng từ nay đến cuối năm 2018.
Bắt đầu từ ngày 8/6, các nước châu Âu và Canada sẽ chính thức bước vào cuộc “đấu trí thương mại” với Mỹ. Thủ tướng Canada Justin Trudeau cảnh báo, sẽ có các cuộc thảo luận thẳng thắn quanh bàn G7, đặc biệt là với Tổng thống Mỹ về vấn đề thương mại, cũng như các mức thuế quan mà chính quyền Mỹ đã áp đặt với nhiều nước, trong đó có các đồng minh Liên minh châu Âu, Canada và Nhật Bản. Có thể nói thời gian qua Liên minh châu Âu và Canada đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc sau khi chính quyền Mỹ tuyên bố ý định áp thuế nhập khẩu nhôm và thép, trong đó có cả chính các nước đồng minh của mình.
Dù cách phản ứng là không giống nhau, song cả Pháp và Canada đều cho thấy quyết tâm thúc đẩy chủ nghĩa đa phương mạnh mẽ trong thương mại. Trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có phần lạc quan hơn khi khẳng định, có thể tại G7 lần này sẽ một lần nữa được chứng kiến một cuộc cuộc thảo luận hữu ích và thẳng thắn với Tổng thống Donald Trump, thì Thủ tướng Canada Trudeau lại có phần gay gắt hơn khi ngay lập tức thông bao đánh thuế lên tới 16 tỷ 600 triệu đôla Canada (tương đương 1 tỷ euro) đối với các sản phẩm của Mỹ. Trong bối cảnh này, cố vấn kinh tế của Nhà trắng, ông Larry Kudlow mới đây đã tìm cách xoa dịu khi cho rằng đây là chỉ là “những bất đồng thương mại đơn giản”, như trong bất kỳ “cuộc tranh luận gia đình nào”.
Hội nghị Thượng đỉnh G7, gồm Đức, Canada, Mỹ, Pháp, Anh, Italy và Nhật Bản cũng có nguy cơ chứng kiến sự cô lập của Mỹ trên nhiều mặt trận không chỉ thương mại, mà còn là biến đổi khí hậu. Các nước châu Âu cũng không hài lòng và lo ngại về quyết định của Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, làm gia tăng sức ép với chính các công ty của những nước này, buộc họ phải hạn chế hoạt động kinh doanh hoặc phải rời khỏi Iran.
Ngoài những chủ đề chính thức được dự kiến như thương mại, lao động và việc làm, hòa bình và an ninh, bình đẳng giới, biến đổi khí hậu, khó khăn còn là làm thế nào đạt được thỏa thuận về một thông cáo cuối cùng với Mỹ. Từ năm 2017, tại Hội nghị thượng đỉnh gần đây nhất tại Italia, Mỹ đã từ chối ký tuyên bố chung cuối cùng với những lý do liên quan quyết định của nước này rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris. Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G7 vừa kết thúc hồi tuần trước cũng không thể ra tuyên bố chung, mà theo Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire kết quả những cuộc gặp vừa qua đã tạo cảm giác như G7 đang ngày càng giống với mô hình G6+1 hơn./.
Thu Hoài/VOV.VN