Tiếng Việt | English

06/12/2023 - 14:58

Huy động nhiều nguồn lực để xây dựng và phát triển

TP.Tân An, tỉnh Long An là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa của tỉnh. Để đưa thành phố phát triển lên tầm cao mới, các cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố đã đoàn kết, đồng lòng, huy động nhiều nguồn lực để xây dựng và phát triển.

Ngày 30/10/2020, Thành ủy Tân An đã ban hành Chương trình Phát huy mọi nguồn lực xây dựng phát triển TP.Tân An cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại I vào năm 2025 theo hướng đô thị thân thiện, văn minh, hiện đại (Chương trình 05). Từ đó đến nay, thành phố tập trung huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm. Theo đó, thành phố đề ra 3 nhóm giải pháp chính: Huy động nguồn lực từ ngân sách nhà nước; huy động nguồn lực ngoài ngân sách và nghiên cứu, đề xuất cơ chế tạo nguồn lực để phát triển.

Thông tin từ UBND TP.Tân An, kết quả huy động nguồn lực qua 3 năm đạt trên 12.225 tỉ đồng; trong đó, năm 2021 đạt gần 2.584 tỉ đồng, năm 2022 đạt gần 4.906 tỉ đồng, từ đầu năm 2023 đến nay đạt trên 4.735 tỉ đồng. Ngoài ra, thành phố đang tiếp nhận các dự án (DA) chuẩn bị đầu tư với tổng số vốn đăng ký gần 8.805 tỉ đồng, trong đó có DA Trung tâm Thương mại Aeon Tân An tại phường 6 với tổng vốn đầu tư lên đến 45 triệu USD.

Với nguồn lực trên, thành phố tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, cùng doanh nghiệp phát triển các DA dân cư đô thị, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Một số DA quan trọng đã hoàn thành: Đường Vành đai TP.Tân An và cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây (chuẩn bị thông xe toàn tuyến); nút giao đường Hùng Vương - Quốc lộ 62; công viên phường 2 - giai đoạn 2; kè sông Bảo Định; các phân đoạn kè sông Vàm Cỏ Tây;…

Diện mạo TP.Tân An thay đổi từng ngày

Bên cạnh huy động kinh phí, đóng góp đất đai, hoa màu, vật kiến trúc từ người dân, TP.Tân An cũng triển khai Đề án “Thí điểm hỗ trợ bêtông đầu tư các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023-2025”. Đến nay, thành phố đã hỗ trợ thực hiện được 4 tuyến đường tại các xã với kinh phí huy động đóng góp gần 600 triệu đồng, 45 ngày công lao động. Ngoài ra, thành phố đề xuất thí điểm cơ chế huy động nguồn lực giải phóng mặt bằng DA đường Hùng Vương - giai đoạn 2 (phường 3).

Bước đầu lấy ý kiến người dân cơ bản đồng thuận, thành phố đã lấy ý kiến các ngành tỉnh thống nhất, đang báo cáo UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương thực hiện. Song song đó, thành phố chủ động cùng Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh triển khai DA Khu tái định cư Bình Tâm - giai đoạn 1 tại xã Bình Tâm. DA này có diện tích đất thu hồi khoảng 3,5ha; giá trị bồi thường gần 200 tỉ đồng. Khi DA hoàn thành sẽ giải quyết vấn đề tái định cư cho người dân trong thực hiện giải phóng mặt bằng thuộc DA đường Vành đai TP.Tân An.

Gần đây, thành phố tiếp nhận đầu tư DA Khu đô thị tại phường 4 và phường 6, có giá trị trên 7.000 tỉ đồng; đang chủ động phối hợp nhà đầu tư triển khai bảo đảm theo đúng chủ trương đầu tư đã được duyệt.

Theo Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Tân An - Lê Công Đỉnh, bên cạnh những kết quả đạt được cũng như thuận lợi nêu trên, TP.Tân An còn gặp những hạn chế, khó khăn trong thực hiện Chương trình 05. Đó là đầu tư từ ngân sách nhà nước vẫn chiếm tỷ lệ cao, cân đối nguồn lực đáp ứng giữa nhu cầu và thực tế có nội dung chưa bảo đảm.

Việc phát huy nguồn lực từ nhân dân, thành phần kinh tế tuy có chuyển biến khá nhưng chưa đạt theo kỳ vọng. Thu hút các DA đầu tư ngoài ngân sách, nhất là các DA phát triển dân cư đô thị, thương mại - dịch vụ còn ít. Giải phóng mặt bằng còn hạn chế, tiến độ thi công một số công trình còn chậm,...

Hạ tầng giao thông trên địa bàn TP.Tân An không ngừng được đầu tư (Trong ảnh: Công trình đường Vành đai TP.Tân An)

Thời gian tới, để làm tốt hơn nữa công tác huy động nguồn lực, TP.Tân An tiếp tục khắc phục các tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện, nhất là công tác giải phóng mặt bằng; đồng thời, bám sát vào sự lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong triển khai, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm 2025.

Quán triệt và thực hiện tốt phương châm “Xem người dân là đối tượng phục vụ, xem doanh nghiệp là động lực, nguồn lực cho quá trình phát triển”. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển. Đa dạng hóa các hình thức huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế, nhân dân. Chủ động rà soát, cân đối nguồn vốn đối với các hạng mục công trình; tiếp tục phối hợp các ngành tỉnh trong đề xuất, tranh thủ tối đa các nguồn vốn khác từ Trung ương, tỉnh để đầu tư, xây dựng hoàn chỉnh các hạng mục công trình trọng điểm còn lại.

Thành phố cũng kiến nghị tỉnh xem xét, đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 danh mục các công trình xây dựng cơ bản theo Nghị quyết số 35-NQ/TU, ngày 08/4/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển TP.Tân An giai đoạn 2021-2030; kiến nghị các ngành tỉnh tiếp tục hỗ trợ thành phố trong công tác xúc tiến, mời gọi nhà đầu tư đủ tiềm năng, thật sự tạo ra động lực để đầu tư, xây dựng phát triển các khu dân cư, đô thị, thúc đẩy thương mại - dịch vụ phát triển.

Với khát vọng vươn lên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.Tân An đã và đang triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù theo tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Qua đó, từng bước hiện thực hóa mục tiêu, hướng đến xây dựng một đô thị thân thiện, văn minh, hiện đại./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết