Trụ sở Quỹ Tiền tệ Quốc tế ở Washington. (Nguồn: euractiv)
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva ngày 18/1 tuyên bố thể chế tài chính này cần thêm nhiều nguồn tài chính để hỗ trợ các nước đang ngập trong nợ nần, viện dẫn triển vọng kinh tế toàn cầu khó đoán định và khoảng cách gia tăng giữa các nước giàu và nghèo. Do đó, bà Georgieva cho rằng Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) là công cụ giúp tháo gỡ khó khăn về nguồn quỹ của tổ chức này.
Theo người đứng đầu IMF, việc thực hiện đợt phân bổ mới SDR sẽ cho phép huy động thêm nhiều nguồn quỹ để giải quyết cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế toàn cầu hiện nay, đồng thời thúc đẩy các hành động tiến tới nền kinh tế số và xanh.
Mỹ - nước đóng góp tài chính lớn nhất của IMF, lâu nay vẫn ngăn cản thực hiện phân bổ mới SDR - một động thái gần giống với việc cho phép ngân hàng trung ương in tiền, bởi theo quy định, IMF phân bổ SDR cho các quốc gia thành viên tương ứng với phần đóng góp của quốc gia đó.
Tuy nhiên, bà Georgieva cho biết trong thời gian gần đây, IMF đã dần tăng tài trợ cho các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi, trong đó khoản tiền tài trợ này được huy động thông qua khoản đóng góp 20 tỷ USD của các nước thành viên trong SDR hiện thời.
Bà cho rằng SDR sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng, song công tác nguồn gây quỹ tiếp theo là cần thiết để mở rộng năng lực hỗ trợ các nước.
Trên thực tế, việc thực hiện phân bổ SDR chưa bao giờ được đưa ra thảo luận chính thức giữa các nước thành viên IMF. Bà cho biết một số nước thành viên đang tiếp tục thảo luận về SDR theo hướng khả thi thực hiện.
Tổng Giám đốc IMF bày tỏ mong đợi Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới tiếp tục hoãn thời gian trả nợ cho các nước nghèo nhất, dự kiến sẽ tới hạn vào tháng Sáu tới, tuy nhiên, việc hoãn trả nợ này còn phụ thuộc vào tốc độ tiêm chủng vắcxin ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong vài tháng tới.
Trong khi đó, tại cuộc họp báo trực tuyến cùng với bà Georgieva, Bộ trưởng Tài chính Thụy Điển, Magdelena Andersson, người đứng đầu Ban điều hành IMF, khẳng định điều rõ ràng hiện nay là nhu cầu thanh khoản vẫn rất lớn và bà sẽ tham vấn với các nước thành viên về các phương án để mở rộng thanh khoản.
Được IMF tạo ra từ năm 1969 như một dạng tài sản dự trữ quốc tế, tuy nhiên phải đến năm 1973, khi hệ thống lãi suất cố định Bretton Woods sụp đổ, SDR mới được IMF định nghĩa lại như một rổ tiền tệ.
Về bản chất, SDR không phải là một loại tiền tệ cụ thể như đồng đôla Mỹ, đồng yen của Nhật hay đồng nhân dân tệ của Trung Quốc mà SDR được biết đến như một dạng tài sản dự trữ của quốc gia thành viên, một đơn vị quy đổi.
Với SDR, quốc gia thành viên có thể bổ sung trực tiếp vào dự trữ ngoại hối nhà nước, cho các quốc gia thành viên khác vay hoặc đổi lấy “ngoại tệ tự do sử dụng” phục vụ nhu cầu dự trữ ngoại hối nhà nước của mình.
Tính đến nay, IMF mới tiến hành 4 lần phân bổ. Lần phân bổ đầu tiên là giai đoạn 1970-1972 với tổng số SDR phân bổ là 9,3 tỷ SDR; lần phân bổ thứ hai trong giai đoạn 1979-1981 với tổng số SDR phân bổ là 12,1 tỷ SDR, lần phân bổ thứ ba là 161,2 tỷ SDR được thực hiện vào ngày 28/8/2009 và một lần phân bổ đặc biệt 21,5 tỷ SDR được thực hiện vào ngày 9/9/2009, đưa tổng số SDR phân bổ tính tới nay là 204 tỷ SDR (tương ứng với 318 tỷ USD).
Tại châu Âu, chính phủ các nước trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) lo ngại đại dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng mạnh đến những nền kinh tế yếu kém nhất, từ đó nới rộng khoảng cách giữa các nước thành viên EU và làm sống dậy những ký ức về cuộc khủng hoảng nợ công mà khu vực này trải qua hơn 10 năm trước.
Tại cuộc họp trực tuyến của Bộ trưởng tài chính các nước Eurozone ngày 18/1, các bộ trưởng đã chia sẻ tình trạng nợ công gia tăng và chậm tăng lương là hai vấn đề quan ngại hàng đầu của giới chức các nước trong thời kỳ dịch bệnh hiện nay.
Ủy viên phụ trách kinh tế của Liên minh châu Âu (EU), ông Paolo Gentiloni cho rằng cuộc khủng hoảng hiện nay đang khoét sâu sự bất công đang tồn tại vốn đang từng bước được cải thiện trước thời kỳ dịch bệnh.
Hy Lạp, Tây Ban Nha và Italy hiện là 3 nước trong Eurozone có mức nợ công cao kỷ lục, song tồi tệ hơn đây là những nước có nền kinh tế phụ thuộc lớn vào ngành du lịch hiện đang khốn khó do đại dịch COVID-19.
Trong khi đó, theo dự báo hồi tháng 11/2020 của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), thâm hụt ngân sách của Pháp đến cuối năm 2020 sẽ đạt mức 10,5% GDP, trong khi con số này tại Tây Ban Nha là 12,2% và Đức là 6%. Thông thường, mức lạm chi này sẽ đẩy thị trưởng tài chính của nước này rơi vào hỗn loạn, đe dọa khả năng thanh khoản của các nước nói tiên và tương lai của đồng euro nói chung. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, ECB đã hỗ trợ thị trường tài chính bằng việc thu mua phần lớn các khoản nợ công.
Một số nhà kinh tế tin rằng hành động can thiệp của ECB cùng với việc các nước trong khu vực mở rộng chương trình tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 giúp mở cửa trở lại các nền kinh tế, sẽ đủ để đưa kinh tế châu Âu sớm phục hồi./.
Theo TTXVN