Đại sứ, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc Đặng Đình Quý tham dự phiên họp trực tuyến. (Ảnh: Khắc Hiếu/TTXVN)
"Việt Nam đã rất thành công tại Hội đồng Bảo an trong năm 2020" là khẳng định của Đại sứ Dian Triansyah Djani - Trưởng phái đoàn thường trực Indonesia tại Liên hợp quốc.
Đại sứ Dian Triansyah Djani đã phát biểu như vậy khi trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam sẽ kết thúc năm đầu tiên của nhiệm kỳ hai năm trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong một tuần nữa.
Đại sứ Djani nhấn mạnh rằng Việt Nam đã đóng góp đáng kể vào nâng cao tiếng nói và hình ảnh của ASEAN tại Hội đồng Bảo an. Ông cũng bày tỏ niềm tin Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy được những đóng góp của mình trong nhiều lĩnh vực tại Hội đồng Bảo an, đặc biệt trong nỗ lực mang lại hòa bình cho Trung Đông và châu Phi trong năm tới.
Theo Đại sứ, Việt Nam và Indonesia không có sự khác biệt về quan điểm trong những vấn đề lớn tại Hội đồng Bảo an trong năm 2020. Năm tới, khi chỉ còn Việt Nam là quốc gia thành viên ASEAN duy nhất trong Hội đồng Bảo an, ông Djani hy vọng Việt Nam sẽ có một năm thành công hơn nữa, dù tình hình sẽ không hề dễ dàng bởi thế giới đang đổi thay hàng ngày và có quá nhiều thách thức đang chờ đợi, nhất là những hệ lụy do đại dịch COVID-19 mang lại.
Khi được hỏi về lý do Việt Nam và Indonesia đã có rất nhiều phát biểu và tuyên bố chung trong năm 2020 tại Hội đồng Bảo an, ông Djani cho biết Việt Nam và Indonesia đều muốn giương cao ngọn cờ ASEAN tại Hội đồng Bảo an và cho thế giới thấy rằng ASEAN chia sẻ quan điểm tương đồng với thế giới về rất nhiều vấn đề.
Đại sứ nhấn mạnh: "Chúng tôi cũng muốn thúc đẩy những giá trị cốt lõi của ASEAN tại Hội đồng Bảo an. Chẳng hạn như trong vấn đề an ninh và hòa bình, cách mà các nước ASEAN tiếp cận sẽ là làm sao có được sự đồng thuận, làm sao để các nước có thể đối thoại với nhau. Thông điệp mà Indonesia và Việt Nam muốn truyền tải khi phát biểu chung là mong muốn các thành viên Hội đồng Bảo an khác đồng thuận, đoàn kết để giải quyết các vấn đề của thế giới."
Hơn nữa, khi phát biểu chung như vậy, theo Đại sứ, có nhiều vấn đề là thế mạnh của Việt Nam và có những vấn đề là thế mạnh của Indonesia và như vậy hai nước có thể bổ trợ cho nhau. Đại sứ Djani đưa ví dụ Indonesia có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề gìn giữ hòa bình bởi đã cử rất nhiều quân tham gia lực lượng này ở các vùng có xung đột trên thế giới.
Ông cho biết Việt Nam và Indonesia chia sẻ nhiều giá trị chung của cộng đồng ASEAN và nếu nhìn vào khu vực địa lý ASEAN có thể thấy khu vực rất yên bình, không có chiến tranh hay xung đột trong nhiều thập kỷ. Chính vì vậy, các nước ASEAN ở vị trí thuận lợi để có thể tạo dựng được sự đồng thuận, nhất trí.
Đại sứ Djani cũng cho rằng nỗ lực của các nước ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an như Việt Nam và Indonesia đã mang lại những thay đổi thực chất tại Hội đồng Bảo an. Bởi rất nhiều nước ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nắm giữ vị trí chủ tịch các tiểu ban, ủy ban của Hội đồng Bảo an, chẳng hạn Indonesia là chủ tịch ủy ban về vấn đề Taliban hay ủy ban chống vũ khí hủy diệt hàng loạt cho nên mỗi thành viên nhóm E10 (các nước ủy viên không thường trực) đều cố gắng để có thể tạo ra những thay đổi thực chất.
Theo ông, nhóm E10 rất có tầm ảnh hưởng bởi có điều kiện làm việc trực tiếp với Tổng Thư ký Liên hợp quốc và luôn sẵn sàng hợp tác để có ý kiến chung về nhiều vấn đề quan trọng.
Ông nhấn mạnh: "Dù các nước E10 không phải là P5 (5 nước ủy viên thường trực) nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra những thay đổi thực sự. Ví dụ, như theo quy định, để có được một nghị quyết thông qua phải có sự đồng thuận của ít nhất chín thành viên Hội đồng Bảo an và như vậy những lá phiếu của các nước ủy viên không thường trực rõ ràng là đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiến độ của nhiều vấn đề."
Quang cảnh Hội nghị Hội nghị lần thứ 30 các quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). (Ảnh: Hữu Thanh/TTXVN)
Hơn nữa, các nước ủy viên không thường trực là những nước thành viên được bầu cho nên được đại diện cho các khu vực châu lục địa lý khác nhau, đồng thời mỗi nước lại có thế mạnh riêng về một số lĩnh vực và như vậy có thể chia sẻ kiến thức, thông tin, đưa ra được những quyết định chính xác hơn tại Hội đồng Bảo an. Chẳng hạn, các nước châu Phi trong Hội đồng Bảo an đương nhiên hiểu rõ châu Phi hơn ai hết và chính họ sẽ tư vấn cho các thành viên khác khi bàn thảo các vấn đề của châu Phi; còn Việt Nam và Indonesia đương nhiên hiểu những gì diễn ra ở châu Á-Thái Bình Dương hơn.
Đại sứ Djani khẳng định: "Như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể tư vấn và tạo ra những ảnh hưởng nhất định trong quá trình đưa ra quyết định của Hội đồng Bảo an để làm sao bảo vệ được những lợi ích của mỗi nước chúng ta."
Trưởng phái đoàn thường trực Indonesia tại Liên hợp quốc cũng chia sẻ kinh nghiệm khi đối mặt với những thách thức cam go tại Hội đồng Bảo an, nhất là trong tháng Indonesia nắm giữ vị trí chủ tịch. Ông nhớ lại thời điểm Indonesia nắm giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng Bảo an đúng vào lúc Hội đồng Bảo an đang bàn thảo về Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) với Iran.
Ông chia sẻ: "Khi đó, chúng tôi đã hướng được Hội đồng Bảo an theo hướng đúng bởi quan điểm và nguyên tắc của Indonesia là công bằng, tuân thủ luật lệ, cố gắng tăng cường, củng cố an ninh hòa bình đồng thời đề cao sự đồng thuận. Chúng tôi đã góp phần giải quyết được nhiều vấn đề và chúng tôi tự hào đã đưa ra được nghị quyết về vấn đề phụ nữ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình." Ông cho biết nghị quyết này đã được tất cả 15 thành viên Hội đồng Bảo an đồng bảo trợ và đưa vào văn bản của Hội đồng Bảo an./.
Theo TTXVN