Tiếng Việt | English

06/05/2021 - 08:44

Kênh Thầy Cai vẫn chịu nhiều tác động gây ô nhiễm

Kênh Thầy Cai chảy qua địa phận tỉnh Long An bắt nguồn từ TP.HCM và thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên chịu ảnh hưởng do hoạt động phát triển KT-XH của khu vực TP.HCM và Long An. Cũng từ đó, ô nhiễm mặt nước kênh Thầy Cai đang có nguy cơ gia tăng.

      

Một đoạn kênh Thầy Cai

Kênh Thầy Cai có chiều dài khoảng 30km, chiều rộng khoảng 20m, bắt nguồn từ sông Sài Gòn và kết thúc tại điểm tiếp giáp với sông Vàm Cỏ Đông, là ranh giới tự nhiên giữa huyện Đức Hòa, tỉnh Long An - huyện Củ Chi, TP.HCM và được nối với các kênh, rạch như kênh Mương Đà, sông Làng Vần, kênh An Hạ, kênh Xáng Nhỏ (giáp sông Vàm Cỏ Đông tại khu vực Bến Lức),... Qua đó, tạo thành một hệ thống thủy lợi quan trọng đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp và cũng là nơi tiếp nhận nước thải từ các nhà máy, khu dân cư, bãi rác nằm dọc hai bờ kênh Thầy Cai.

Kênh Thầy Cai ở khu vực TP.HCM, tiếp nhận nước thải từ hoạt động dân cư, nông nghiệp, các nhà máy, bãi rác Phước Hiệp (Tam Tân) và Khu công nghiệp (KCN) Tân Phú Trung thuộc huyện Củ Chi. Trong khi đó, kênh Thầy Cai ở khu vực tỉnh Long An, tiếp nhận nước thải trực tiếp từ KCN Đức Hòa 3 (bao gồm KCN Anh Hồng, KCN Việt Hóa, lưu lượng khoảng 2.050m3/ngày đêm), KCN Xuyên Á (khoảng 4.000m3/ngày đêm) và KCN Đức Hòa 1 (khoảng 1.500m3/ngày đêm), KCN Hải Sơn (khoảng 1.500m3/ngày đêm),... Do vậy, chất lượng nước kênh Thầy Cai chịu ảnh hưởng rất lớn từ nguồn thải công nghiệp. Hai vị trí ô nhiễm nặng hơn là vị trí tại gần cống xả bãi rác Phước Hiệp và vị trí gần cống cầu kênh Ranh.

“Mặt nước kênh Thầy Cai những năm gần đây có vẻ ngày càng tăng mức ô nhiễm khi nước đen, bốc mùi hôi thối. Mong rằng, ngành chức năng và 2 địa phương TP.HCM, Long An cần có sự phối hợp chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng xả thải ra kênh gây ô nhiễm” - ông Nguyễn Văn Sáu, ngụ xã Đức Lập Hạ, phản ánh.

Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường, kết quả quan trắc từ năm 2016-2020 cho thấy, chất lượng nước kênh Thầy Cai đoạn từ cống xả bãi rác Phước Hiệp đến khu vực hạ lưu, nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của bãi rác Phước Hiệp và nước thải công nghiệp từ các khu, cụm công nghiệp lớn của huyện Đức Hòa suy giảm hơn so với thượng nguồn.

Vấn đề ô nhiễm nước mặt chủ yếu của kênh Thầy Cai là hữu cơ, dinh dưỡng, kim loại nặng như mangan và sắt. Nồng độ BOD5 dao động trong khoảng 12,36mg/l - 16,63mg/l; COD dao động trong khoảng 32,18mg/l - 45,81mg/l, vượt quy chuẩn so sánh trong thời gian dài; nồng độ amoni khá cao dao động trong khoảng 1,52 - 5,37mg/l, vượt quy chuẩn so sánh từ 5,07 - 17,9 lần; nồng độ sắt dao động trong khoảng 3,02 - 14,88mg/l, vượt quy chuẩn so sánh 3,02 - 14,88 lần.

Ngoài ra, chất lượng nước kênh Thầy Cai bị ô nhiễm vi sinh trong thời gian dài với kết quả quan trắc từ những năm gần đây cho thấy giá trị coliform dao động trong khoảng 2.944 - 23.087 MPN/100ml, vượt quy chuẩn so sánh qua hầu hết các năm quan trắc. Nồng độ oxy hòa tan ghi nhận trong thời gian dài là khá thấp so với quy chuẩn so sánh và dao động trong khoảng 2,95 - 3,84mg/l, nguyên nhân do lưu lượng dòng chảy thấp, lục bình trên sông phát triển dày đặc phủ kín mặt sông làm giảm nồng độ oxy hòa tan trong nước, tăng hàm lượng nhu cầu oxy hóa học và nhu cầu oxy sinh học để oxy hóa nồng độ các chất ô nhiễm hữu cơ cao.

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, chất lượng nước kênh Thầy Cai nhìn chung bị ô nhiễm qua thời gian dài và chưa thấy dấu hiệu được cải thiện.

Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường, thời gian qua, các sông lớn chảy qua địa phận tỉnh Long An như sông Vàm Cỏ, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, Bảo Định đều được thực hiện quan trắc định kỳ 3 tháng/lần và 2 tháng/lần đối với sông Cần Giuộc và kênh Thầy Cai cũng như hầu hết tuyến kênh, rạch chính trên toàn tỉnh.

Qua quan trắc cho thấy, vài năm trở lại đây, vấn đề ô nhiễm chất hữu cơ, dinh dưỡng, kim loại nặng trong nước mặt còn khá phổ biến tại các vị trí tiếp nhận nước thải từ khu dân cư tập trung và hoạt động công nghiệp. Nước mặt tại một số tuyến kênh, rạch nội đồng đã và đang bị ô nhiễm từ mức trung bình đến mức cao các chất hữu cơ, ô nhiễm dinh dưỡng.

Nguyên nhân đây là những khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sinh hoạt của dân cư, các hoạt động sản xuất công nghiệp. Mặt khác, một số tuyến kênh nội đồng bị bồi lấp, nhiều vật cản trên kênh như rác, cỏ, lục bình,... làm cho quá trình tiêu thoát nước bị hạn chế và gây ô nhiễm nguồn nước ngày càng nặng. Đặc biệt, trong giai đoạn này, vấn đề xâm nhập mặn có xu hướng gia tăng tiếp tục ở mức độ sâu hơn, gay gắt hơn so với giai đoạn trước./.

Kênh Thầy Cai ở khu vực TP.HCM, tiếp nhận nước thải từ hoạt động dân cư, nông nghiệp, các nhà máy, bãi rác Phước Hiệp (Tam Tân) và Khu công nghiệp Tân Phú Trung thuộc huyện Củ Chi. Trong khi đó, kênh Thầy Cai ở khu vực tỉnh Long An, tiếp nhận nước thải trực tiếp từ một số khu công nghiệp. Do vậy, chất lượng nước kênh Thầy Cai chịu ảnh hưởng rất lớn từ nguồn thải công nghiệp. Hai vị trí ô nhiễm nặng hơn là vị trí tại gần cống xả bãi rác Phước Hiệp và vị trí gần cống cầu kênh Ranh.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết