Tiếng Việt | English

27/09/2018 - 05:26

Khắc phục "thẻ vàng" IUU: Hành trình đến với nghề cá có trách nhiệm

Việc Ủy ban châu Âu áp thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam chính là động lực để toàn ngành khai thác nỗ lực cải tổ lại nghề cá, trong đó đặc biệt lưu ý là chế tài xử lý vi phạm ngư trường nước ngoài.

Chế biến thủy sản xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Tính đến tháng Chín là vừa tròn một năm ngành khai thác, đánh bắt thủy sản Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các biện pháp để Ủy ban châu Âu (EC) gỡ bỏ thẻ vàng, mở lại cánh cửa cho thủy sản Việt Nam đi vào thị trường châu Âu. 

Nhiều ý kiến cho rằng, các biện pháp thực hiện chống khai thác bất hợp pháp hiện nay là những bước đi để cải tổ nghề cá nhân dân thành nghề cá có trách nhiệm.

Từng bước cải tổ nghề cá

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Trưởng Ban điều hành Doanh nghiệp cam kết chống khai thác bất hợp pháp (thuộc Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam) cho biết, chưa thể nói trước được thời điểm nào Ủy ban châu Âu sẽ gỡ bỏ thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam. 

Trước mắt, vấn đề này chính là động lực để toàn ngành khai thác nỗ lực cải tổ lại nghề cá. Trong đó, những điểm cần lưu ý chính là chế tài xử lý vi phạm ngư trường nước ngoài phải thật mạnh để ngư dân ý thức được hoạt động khai thác, đánh bắt. 

Hiện nay, hệ thống định vị Movimar do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ cho các tàu có chiều dài hơn 24 mét bộc lộ những hạn chế, thiếu sự cập nhật tự động, gây khó khăn trong xác định vị trí, nhật trình khai thác. 

Trong 1 năm qua, Ủy ban châu Âu (EC) rút "thẻ vàng" đối với thủy sản Việt Nam đã gây ra khó khăn không nhỏ cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản. 

Hầu hết các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hải sản đều dồn lực từ 40% đến 60% sản lượng vào thị trường châu Âu.

Trong 1 năm qua, có doanh nghiệp giảm doanh số 15%, có doanh nghiệp giảm từ 20% đến 30% doanh số khi không vào được thị trường này. Điều này bắt buộc doanh nghiệp phải tìm thị trường mới để duy trì sản lượng và doanh số. 

Nhiều ý kiến cho rằng, muốn được Ủy ban châu Âu gỡ bỏ "thẻ vàng" dễ hơn, nhanh hơn cần phải chia nhỏ từng công đoạn, từng khu vực để thực hiện. 

Bờ biển Việt Nam dài hơn 3.000km, mỗi khu vực có mỗi loại hải sản đặc trưng riêng. Do đó, khi chia nhỏ từng khu vực để cải tổ sẽ giúp cho kinh phí tập trung hơn.

Chính quyền địa phương sẽ liên kết thực hiện hiệu quả hơn với các doanh nghiệp và ngư dân. Khi đó, các chính sách sẽ dễ đi vào thực tiễn của từng khu vực. 

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong thời gian tới, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản sẽ tích cực phối hợp với các Chi cục thủy sản địa phương, các cảng cá thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với từng lô hàng. 

Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua nguyên liệu từ tàu cá thuận lợi, có chứng từ đầy đủ, nhanh chóng để đáp ứng kịp các đơn hàng.

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản cũng sẽ kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện cơ chế 1 cửa trong kiểm tra từ cảng cá đến Chi cục thủy sản, tạo nên mô hình cơ sở dữ liệu thống nhất, rút ngắn thời gian hoàn tất hồ sơ truy xuất nguồn gốc cho doanh nghiệp.

Có trách nhiệm với thị trường nội địa

Không chỉ thị trường châu Âu tạo nên động lực lớn để nghề cá Việt Nam thay đổi. Các thị trường khác cũng sẽ có những biện pháp yêu cầu thủy sản Việt Nam phải thực hiện truy xuất nguồn gốc khi khai thác, đánh bắt. 

Nhiều ý kiến cho rằng, những quy định này có thể sẽ tạo nên hiệu ứng đô mi nô cho các thị trường, trong đó bao gồm cả thị trường nội địa.

Lãnh đạo VASEP cho biết, đến cuối tháng 9/2018, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản sẽ hết thời hạn ký kết hợp đồng với các chuỗi siêu thị trong nước để phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán 2019. 

Thế nhưng, hiện nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản đang gặp trở ngại lớn từ phía các chuỗi siêu thị và hệ thống bán lẻ này. Lý do gây trở ngại liên quan đến giới hạn hiệu năng phân tích tối thiểu (MRPL) của các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh bị cấm sử dụng trong thực phẩm. 

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP cho biết, trước đó vào ngày 19/9/2018, VASEP đã gửi Công văn số 136/2018/CV-VASEP đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị mức hóa chất và kháng sinh đối với mặt hàng thủy sản tiêu dùng nội địa. 

Khi đó các chỉ số giới hạn hiệu năng phân tích tối thiểu, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản sẽ có kế hoạch sản xuất và tích cực hợp tác với hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, cung cấp thủy sản đạt chất lượng cho thị trường nội địa. 

Nhưng cho đến nay, giữa các cơ quan quản lý, hệ thống siêu thị và nhà cung cấp vẫn chưa có được một chỉ số giới hạn hiệu năng phân tích tối thiểu cụ thể để tiến hành sản xuất và đáp ứng đơn hàng kịp thời. Điều này sẽ làm ảnh hưởng lớn đến khối lượng hàng hóa sẽ cung cấp cho thị trường nội địa trong dịp Tết 2019. 

Theo quy định tại Quyết định số 2005/34/EC ngày 11/01/2005 của Ủy ban châu Âu, nếu kết quả phân tích của lô hàng thủy sản thấp hơn mức giới hạn hiệu năng phân tích tối thiểu của châu Âu, thực phẩm không bị cấm sử dụng, vẫn được phép nhập khẩu vào EU.

Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ ban hành mức giới hạn tối đa cho phép (MRL) cho các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh hạn chế sử dụng, chưa ban hành quy định về mức giới hạn hiệu năng phân tích tối thiểu đối với các chỉ tiêu cấm sử dụng trên thực phẩm. 

Do đó, các siêu thị vẫn không chịu chấp nhận các lô hàng thực phẩm có dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm mặc dù dư lượng của các chất này trong sản phẩm rất thấp, nằm dưới ngưỡng giới hạn hiệu năng phân tích tối thiểu quy định của EU, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết