Tiếng Việt | English

09/10/2023 - 11:42

Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị

Năm 2023, chủ đề của Ngày Chuyển đổi số (CĐS) quốc gia là “Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị”. Các bộ, ngành, địa phương trong cả nước cùng triển khai, thực hiện các hoạt động CĐS trên tinh thần “toàn dân, toàn diện”, tạo ra giá trị thiết thực trong từng ngành, lĩnh vực.

Ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg lấy ngày 10/10 hàng năm là Ngày CĐS quốc gia. Ngày CĐS quốc gia được tổ chức hàng năm nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về CĐS quốc gia, thực hiện hiệu quả Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của CĐS; đồng thời, thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của CĐS.

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 về CĐS quốc gia, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính đã khẳng định, CĐS quốc gia là công việc rất lớn, rất chiến lược nhưng phải bắt đầu bằng những hành động cụ thể, mục tiêu cụ thể, làm việc nào dứt điểm việc đó, không thể chung chung được. Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2023 là năm “Tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới” với nhiệm vụ trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; là bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, bộ trưởng, trưởng ngành, bí thư, chủ tịch UBND các cấp phải chỉ đạo quyết liệt, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong tổ chức thực hiện CĐS.

Các hoạt động hưởng ứng Ngày CĐS quốc gia năm 2023 với chủ đề “Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị” sẽ tập trung vào thúc đẩy, phát triển, kết nối, khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới trong hoạt động của cơ quan nhà nước phục vụ người dân và doanh nghiệp. Các hoạt động chính gồm: Phát động phong trào thi đua hưởng ứng Ngày CĐS quốc gia năm 2023; Phát động và tổ chức Tháng 10 - Tháng tiêu dùng số; Tìm kiếm và tôn vinh các tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong triển khai CĐS quốc gia; Tổ chức các cuộc thi, hoạt động cộng đồng để nâng cao nhận thức của người dân về CĐS;...

Tại Long An, qua hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TU, ngày 20/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về CĐS đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh đạt những kết quả bước đầu tích cực. Trong đó, sự ra đời của Trung tâm điều hành thông minh (IOC) và Kho cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh là cơ sở dẫn dắt, thúc đẩy phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, hướng tới một “Long An số”,...

Tỉnh xác định CĐS là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và toàn diện, mang tính đột phá, cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò của người đứng đầu và sự chung tay của người dân, doanh nghiệp. Trong đó, người dân, doanh nghiệp là trung tâm của CĐS, thúc đẩy CĐS trong xã hội.

Cùng với nền tảng công dân số “Long An Số,” mini app “Long An Số” trên Zalo cũng được triển khai rộng rãi với trên 100.400 người dùng. Đây là kênh tương tác hai chiều giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền nhằm xây dựng chính quyền số và phát triển xã hội số. Người dân, doanh nghiệp cũng có thể gửi các kiến nghị qua trang web 1022.longan.gov.vn và Tổng đài 1022 để cơ quan chính quyền kịp thời lắng nghe, giải quyết các phản ánh. UBND tỉnh khuyến khích và thu hút người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến bằng việc giảm 50% lệ phí thực hiện dịch vụ công. Nhờ đó, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính nộp trực tuyến ngày càng tăng cao qua các năm, vượt chỉ tiêu đề ra.

Nhằm đẩy mạnh CĐS, thời gian qua, mỗi ấp, khu phố trong tỉnh đều thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng. Đến nay, toàn tỉnh có gần 1.000 tổ với trên 5.300 thành viên, kết hợp với đoàn viên, thanh niên tổ chức các hoạt động hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến và các nền tảng số thiết yếu,…

Năm 2020, tỉnh xếp hạng 27/63 tỉnh, thành phố về chỉ số CĐS; năm 2021, tỉnh xếp hạng 21 và năm 2022 vươn lên vị trí 11, chỉ xếp thứ 2 (sau TP.Cần Thơ) trong nhóm các tỉnh, thành phố Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Qua đó, cho thấy sự bứt phá, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của người dân, doanh nghiệp, góp phần phát triển KT-XH địa phương.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, Long An thực hiện CĐS đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh, bao trùm lên các ngành, lĩnh vực và các mặt của đời sống xã hội, quyết tâm trở thành địa phương CĐS tốt, có chỉ số cao về phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của cả nước./.

Hoàng Trà

Chia sẻ bài viết