Tiếng Việt | English

08/02/2024 - 07:03

Khẩn trương, quyết liệt trên 'đại công trường'

Bến Lức là 1 trong 5 địa phương vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Long An. Huyện đứng trước những thời cơ, thách thức để đạt những mục tiêu đề ra trong phát triển KT-XH. Phóng viên (PV) Báo Long An có cuộc trao đổi với Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện - Lê Thành Út về quyết tâm chính trị mà huyện đang thực hiện.

- PV: Kết thúc năm 2023, huyện Bến Lức đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 3/3 công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII. Có được kết quả này, huyện đã nỗ lực ra sao, thưa ông?

Ông Lê Thành Út: Nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII đề ra 3 công trình trọng điểm. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, UBND huyện tập trung bố trí vốn, triển khai, thực hiện đạt kết quả. Đến tháng 12-2023, cả 3 công trình đều hoàn thành sớm 1 năm so với kế hoạch, góp phần phát triển KT-XH. Công trình thứ nhất là cầu Rạch Tre và cầu Gò Dung (cầu Rạch Tre có tổng mức đầu tư 14,6 tỉ đồng, đã hoàn thành, nghiệm thu, đưa vào sử dụng ngày 19/4/2023, Cầu Gò Dung có tổng mức đầu tư 19,4 tỉ đồng, đã nghiệm thu, đưa vào sử dụng ngày 30/6/2023). Hai cây cầu này hoàn thành đã hình thành mạng lưới giao thông thông suốt, đồng bộ giữa đường và cầu để tăng khả năng khai thác tuyến đường An Thạnh - Tân Bửu kết nối TP.HCM.

Công trình thứ hai là Hoàn thành đầu tư xây dựng, chỉnh trang, mở rộng Khu hành chính huyện Bến Lức (Đường D1), thị trấn Bến Lức với tổng mức đầu tư 57,8 tỉ đồng. Tuyến đường này hiện đã kết nối mạng lưới giao thông giữa các tuyến đường trong khu vực và khu dân cư trung tâm thị trấn Bến Lức với các trục đường chính trên địa bàn. Qua đó, tạo cảnh quan môi trường sạch, đẹp, thông thoáng và bảo đảm an ninh, trật tự, xây dựng thị trấn Bến Lức trở thành đô thị văn minh.

Công trình thứ ba là Trường THPT Nguyễn Trung Trực - Bến Lức, đã khánh thành, khai giảng năm học mới vào ngày 06/9/2023 với tổng mức đầu tư hơn 150 tỉ đồng do nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang vận động Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tài trợ. Ở công trình này, huyện chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng (GPMB) 100 tỉ đồng.

Đại biểu dự lễ khánh thành Trường THPT Nguyễn Trung Trực - Bến Lức

- PV: Hiện nay, huyện Bến Lức được cho rằng như một “đại công trường của tỉnh Long An”. Ông cho biết vì sao huyện được ví như vậy?

Ông Lê Thành Út: Bến Lức hiện nay là một “đại công trường” bởi huyện đang phối hợp bộ, ngành Trung ương, tỉnh triển khai nhiều công trình trọng điểm của tỉnh, quốc gia trên địa bàn gồm Đường tỉnh (ĐT) 830E và đường Vành đai 3 TP.HCM.

Dự án (DA) ĐT830E đã được khởi công xây dựng vào tháng 4-2023, dài 9,3km, tổng mức đầu tư 3.707 tỉ đồng từ ngân sách tỉnh và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Đây là công trình có ý nghĩa to lớn, hòa vào mạng lưới đường bộ quốc gia (tương lai kết nối với đường Vành đai 4 TP.HCM) để kết nối các khu, cụm công nghiệp từ huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc đến Cảng Quốc tế Long An và Cảng Hiệp Phước (TP.HCM) thông qua ĐT830.

Đây là công trình trọng điểm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, thời gian thực hiện từ năm 2023-2025. Tuyến đường mới này ngang qua vùng phát triển công nghiệp, dân cư đô thị rất nhiều tiềm năng; đồng thời, tạo ra không gian phát triển mới. Để có thể khởi công, xây dựng tuyến đường này, huyện nỗ lực rất nhiều trong công tác bồi thường (BT), GPMB. Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động người dân nhận tiền BT, bàn giao mặt bằng được tập trung thực hiện quyết liệt.

Tiếp đó, tháng 6/2023, tỉnh cũng tổ chức lễ khởi công xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM, đoạn qua địa bàn huyện Bến Lức. DA Đường Vành đai 3 TP.HCM qua địa phận 4 tỉnh, thành phố: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Theo quyết định phê duyệt, DA có tổng chiều dài 89km. Đoạn qua địa bàn tỉnh Long An thuộc địa bàn huyện Bến Lức dài khoảng 6,81km, tổng mức đầu tư hơn 4.200 tỉ đồng. Công tác BT, GPMB, xây dựng khu tái định cư do huyện làm chủ đầu tư (DA thành phần 8) với số vốn 1.165 tỉ đồng, có 400 hộ dân bị ảnh hưởng, hiện100% hộ dân đã bàn giao mặt bằng để nhà thầu thi công đúng tiến độ.

Ngoài ra, huyện đang phối hợp một số đơn vị, tổ chức thực hiện DA Tạo quỹ đất sạch để bố trí tái định cư ĐT830E và phát triển khu đô thị, các DA kè chống sạt lở sông Vàm Cỏ Đông, GPMB tạo quỹ đất sạch cho Khu công nghiệp Tandoland và Khu công nghiệp Prodezi với 650ha,...

- PV: Năm 2023 được xem là năm thành công trong công tác BT, GPMB của huyện. Ông có thể thông tin thêm về công tác này?

Ông Lê Thành Út: Năm 2023, chỉ tiêu của huyện phải thực hiện BT, GPMB với diện tích 400ha để dành diện tích đất cho các DA phục vụ mục tiêu phát triển KT-XH. Đến cuối năm 2023, huyện BT, GPMB 410ha, vượt chỉ tiêu đề ra. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện BT, GPMB 629ha; trong năm 2024, chỉ tiêu của huyện là 270ha, năm 2025 là 250ha. Trong năm 2024, các DA tiếp tục được phê duyệt thì công tác GPMB sẽ phấn đấu 400ha theo Chỉ thị số 10/CT-HU của Huyện ủy.

Trong công tác BT, GPMB, huyện được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện quan tâm, lãnh, chỉ đạo xuyên suốt và quyết liệt thực hiện; đồng thời, huyện tổ chức BT, GPMB, hỗ trợ tái định cư các DA đầu tư trên địa bàn theo đúng chức năng, nhiệm vụ được quy định. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, vận động, niêm yết công khai, truy xuất hồ sơ quản lý đất đai tại địa phương, thời điểm sử dụng đất, thời điểm hình thành tài sản trên đất của người sử dụng đất được chú trọng thực hiện.

Đối với các DA trọng điểm trên địa bàn, huyện tập trung nhân lực, xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể để vận động người có đất bị thu hồi chấp hành chủ trương, bàn giao mặt bằng thực hiện DA. Đặc biệt trong công tác BT, GPMB có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, góp phần phát triển KT-XH của huyện.

- PV: Các công trình trọng điểm của huyện, tỉnh và quốc gia trên địa bàn huyện có ý nghĩa như thế nào trong thúc đẩy phát triển KT-XH, thu hút đầu tư, thưa ông?

Ông Lê Thành Út: Tất cả công trình trọng điểm của huyện, tỉnh và quốc gia đều có ý nghĩa rất lớn, tác động tích cực đến phát triển KT-XH, thúc đẩy quá trình phát triển công nghiệp hóa, đô thị hóa của huyện cũng như toàn tỉnh. Do đó, huyện luôn nỗ lực để công trình hoàn thành đúng tiến độ, kế hoạch. Sau khi các tuyến đường này hoàn thành sẽ tạo trục kết nối giao thông từ các tuyến ĐT của địa phương với Quốc lộ 1, đường Vành đai 3 TP.HCM, Vành đai 4 TP.HCM, ĐT830C, ĐT830, góp phần giải tỏa ùn tắc giao thông qua nội ô thị trấn Bến Lức, tăng cường kết nối giao thông với mạng lưới đường bộ quốc gia và TP.HCM. Từ đó, Bến Lức sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn, phát triển vững bền của nhà đầu tư trên mọi lĩnh vực, nhất là công nghiệp, đô thị, thương mại.

Về định hướng phát triển, huyện có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp và dịch vụ, xem đây là động lực chính của sự phát triển. Để phát huy tốt hơn nữa vai trò là huyện trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh, huyện tiếp tục tăng cường quản lý, điều chỉnh, triển khai, thực hiện theo quy hoạch chung của tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường; quan tâm quy hoạch các khu dân cư, đô thị ven sông Vàm Cỏ Đông gắn với bảo tồn và phát huy các khu dân cư hiện hữu, lâu đời. Thực hiện tốt các chương trình đột phá, công trình trọng điểm; tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thu hút, hỗ trợ các nhà đầu tư có tiềm lực triển khai nhanh các DA dân cư, đô thị, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao ở các xã phía Bắc của huyện.

Song song với công tác rà soát, cập nhật các loại quy hoạch, huyện thực hiện tốt việc công bố, công khai rộng rãi để người dân nắm. Đồng thời, tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận, thực hiện tốt công tác BT, GPMB, tái định cư; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện bảo đảm yêu cầu, tiến độ đề ra.

- PV: Xin cảm ơn ông!./. 

Thanh Tùng (thực hiện)

Chia sẻ bài viết