1. Những ngày mưa bão, con đường đến nhà bà Trần Thị An (ấp Hòa Hiệp, xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An) trở nên gập ghềnh hơn. Từ đường bêtông phải băng qua đoạn đường đá xanh rồi đến đoạn đường đất sình lầy. Ấy vậy mà người phụ nữ với đôi chân không lành lặn vẫn thường vượt qua đoạn đường khó đi thế này.
Như bao phụ nữ nông thôn khác, những vết hằn thời gian in sâu trên khóe mắt người phụ nữ đã đi qua hơn nửa đời người với tất cả nỗ lực để có thể vượt qua chính mình. Vết tích thời gian và sự nhọc nhằn hằn rõ trên gương mặt bà An nhưng đôi mắt bà vẫn ánh lên niềm tin, sự lạc quan dẫu rằng cuộc đời chẳng dịu dàng với bà.
Vợ chồng bà Trần Thị An (ấp Hòa Hiệp, xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa) sau hơn nửa đời người vất vả, nay đã có cuộc sống ổn định. Bà An được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tặng giấy khen Phụ nữ khuyết tật vượt khó thành công năm 2023
Thời chiến, cha tập kết ra Bắc, nên duyên với mẹ và bà được sinh ra ở vùng đất tổ Phú Thọ. Bà An sinh ra lành lặn, khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Và cũng như hàng ngàn, hàng vạn đứa trẻ nông thôn thời đó, bà sớm vất vả với ruộng đồng phụ giúp cha mẹ.
Hòa bình lập lại, gia đình bà An trở về Tân An (tỉnh Long An). Rồi tai họa ập đến, năm 15 tuổi, căn bệnh viêm xương đã khiến chân phải của bà bị liệt. Thời đất nước mới thống nhất, còn nhiều khó khăn, y học cũng chưa phát triển nên gia đình bà đành bất lực nhìn con gái rơi vào cảnh tật nguyền.
Bà An nhớ lại: "Khi phát hiện con gái bị liệt, cha mẹ đưa tôi đến bệnh viện rồi lại phải trở về lo kiếm tiền chạy chữa. Khoảng thời gian nằm viện có lẽ là phần ký ức không thể nào quên được khi đứa trẻ 15 tuổi hoang mang vì bị liệt một chân, xung quanh lại không có người thân. Cũng may lúc đó các cô y tá luôn bên cạnh động viên, an ủi tôi. Mỗi tuần, cha mẹ vào thăm một lần rồi lại phải về kiếm tiền lo cho tôi".
Từ bệnh viện trở về, cuộc đời bà như sang một trang khác mà ở đó chỉ có sự tự ti, tuyệt vọng khi không thể đứng vững trên đôi chân của mình. Cô gái lành lặn, vui tươi trước kia phải tập làm quen dần cuộc sống mới với những việc không thể tự mình làm được.
Sau khoảng thời gian chìm đắm trong tự ti, bà nghĩ mình không thể trở thành gánh nặng cho cha mẹ. Cũng chính lúc này, ý chí trong bà vươn lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Năm 1986, gia đình bà An chuyển đến Mộc Hóa sinh sống theo chương trình khai phá Đồng Tháp Mười. Tại đây, gia đình bắt đầu cuộc sống mới với nhiều khó khăn nhưng với ý chí của người lính Cụ Hồ, cha bà đã truyền niềm tin, sức mạnh và cả ý chí cho các con để biến mảnh đất chua phèn thành những mùa vàng.
Bà An nhớ lại: "Hồi đó, từ Tân An muốn đến Mộc Hóa phải ngồi tàu khách cả ngày rồi lội bộ cả chục cây số mới đến nơi. Đường sá, phương tiện di chuyển gần như không có, khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Đất phèn, trồng lúa thất mùa lại thêm chuột cắn phá, nhiều lần cũng nản chí nhưng cha tôi cứ động viên mọi người trong gia đình. Cha nói "có sức người sỏi đá cũng thành cơm" nên chúng tôi đồng lòng, cùng nhau cố gắng".
Rồi duyên phận đã gắn kết bà Trần Thị An với ông Võ Văn Tốt. Thương người con gái sớm chịu nhiều thiệt thòi nhưng có ý chí vươn lên mạnh mẽ, từ cảm phục đến yêu thương, ông Tốt ngỏ lời, vậy là ông bà nên duyên chồng vợ. Cuộc đời lại sang trang với gia đình nhỏ của ông Tốt, bà An. Với 0,5ha đất canh tác, ông bà quần quật từ sáng đến tối cũng không đủ lo cho gia đình. Bà bàn với ông chuyển sang nuôi bò để tạo thu nhập ổn định hơn.
Được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, năm 2011, ông bà đầu tư nuôi bò. Kỹ thuật nuôi chưa có, kinh nghiệm cũng không, ông bà mày mò từ con số 0, học hỏi từ những người nuôi trước, làm tới đâu rút kinh nghiệm tới đó.
Những lúc khó khăn, bà động viên chồng đừng nản chí, cứ thế họ cùng cố gắng và năm 2020, gia đình ông Tốt, bà An hái "trái ngọt" khi xây được căn nhà khang trang và chính thức thoát nghèo.
Bà An nghẹn ngào: "Vất vả cả đời cũng chỉ mong có được căn nhà tươm tất như người ta. Đối với nhiều người, căn nhà thế này là bình thường nhưng với vợ chồng tôi, đó là tất cả sự cố gắng, thương yêu và động viên nhau".
Chia sẻ thêm về cuộc sống, bà An nói: "Vợ chồng tôi chi tiêu dè xẻn và có kế hoạch lắm. Tiền vụ mùa, nuôi bò, chúng tôi để riêng, chi phí sinh hoạt hàng ngày và lo cho con ăn học thì cố gắng làm thuê để trang trải. Con trai hiểu hoàn cảnh gia đình nên phụ giúp cho mẹ được gì là nó giúp. Giờ, niềm hạnh phúc và tự hào nhất của vợ chồng tôi là con trai thành tài, có việc làm ổn định và có gia đình riêng. Ngày trước, khi con còn nhỏ, tôi chỉ lo mình không đủ sức khỏe để làm nuôi con. Giờ nhìn thấy con trưởng thành, hiếu thảo, tôi cảm thấy bao nhiêu vất vả đã được đền đáp".
Người phụ nữ ấy tuy đôi chân không lành lặn nhưng lại có một ý chí rất mạnh mẽ. Bà không đầu hàng số phận mà biết cách biến sự tự ti ngày nào trở thành động lực như lời bà nói: "Người bình thường cố gắng 1 thì tôi cố gắng 2, 3. Người ta làm được thì mình cũng làm được dẫu khó khăn, vất vả hơn nhiều".
Ở tuổi 63, bà An viên mãn khi có một gia đình hạnh phúc, người chồng luôn "đồng cam cộng khổ" và con trai, con dâu ngoan ngoãn, hiếu thảo. Khi nhắc về hành trình đã qua, bà mỉm cười: "Ông trời không lấy đi hết của ai và cũng không cho ai hết tất cả mà cái chính là mình có tin vào bản thân mình hay không thôi!".
2. Không có được một gia đình nhỏ trọn vẹn như bà Trần Thị An nhưng bà Nguyễn Thị Em (khu phố 3, phường 2, thị xã Kiến Tường) lại không hề đơn độc vì bên cạnh bà luôn có những người thân yêu, có sự động viên hỗ trợ của chính quyền và các đoàn thể địa phương.
Cơn sốt bại liệt lúc 3 tuổi khiến bà Em không thể đi lại trên chính đôi chân mình. Không chịu cảnh mọi sinh hoạt phải phụ thuộc vào người khác, bà cố gắng luyện tập nên chân trái phần nào được phục hồi. Vậy là từ đó, mọi sinh hoạt hàng ngày, bà đều dựa vào chân trái để di chuyển.
Bà Em kể: "Hồi nhỏ, tôi không được đi học, chỉ ở nhà phụ giúp gia đình. Sau này lớn lên, nhờ được Nhà nước phổ cập giáo dục, tôi mới biết đọc, biết viết". Sức khỏe không như người khác, bà không thể chăm lo việc đồng áng nên chọn đương đệm làm kế sinh nhai.
Cũng như bao phụ nữ nông thôn, bà biết đương đệm từ nhỏ và đến nay, qua chừng ấy năm, nghề này giúp bà có "đồng ra đồng vào" trang trải cuộc sống. Mấy chục năm trước, nghề này rất thịnh nhưng theo dòng phát triển, đương đệm dần mai một, những sản phẩm từ đệm bàng cũng ít ứng dụng trong cuộc sống nên giờ đây, bà Em chỉ nhận đương cho mối quen.
Dù lớn tuổi nhưng bà Nguyễn Thị Em (khu phố 3, phường 2, thị xã Kiến Tường) vẫn gắn bó với công việc đương đệm để mưu sinh. Bà Em được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tặng giấy khen Phụ nữ khuyết tật vượt khó thành công năm 2023
Năm 2019, bà được Hội Liên hiệp Phụ nữ phường vận động xây tặng căn nhà nhỏ. Đây là nguồn động viên rất lớn cho người phụ nữ đã trải qua nhiều bất hạnh. Dù cuộc sống đã lấy đi của bà đôi chân nhưng bù lại đã ban cho bà tinh thần lạc quan hiếm có. Trải qua bao cơ cực, biến cố nhưng bà Em luôn mỉm cười và tin tưởng mình sẽ vượt qua được.
Phó Trưởng khu phố 3, phường 2, thị xã Kiến Tường - Võ Thanh Ngân cho biết: “Dù mang trên mình những khiếm khuyết cơ thể nhưng bà Em chưa bao giờ là gánh nặng của địa phương bởi bà có ý chí vươn lên, tích cực tham gia các phong trào và hoạt động tại khu phố. Những người dân quanh đây ai cũng cảm phục bà vì tinh thần lạc quan, yêu đời và luôn truyền nguồn năng lượng tích cực".
Hình ảnh bà Nguyễn Thị Em ngồi trước hiên nhà, bàn tay thoăn thoắt đương từng manh đệm, thỉnh thoảng có người đi ngang, bà lại ngước lên chào hỏi hồn hậu, khiến chúng tôi cảm nhận được sự tự tin, lạc quan trong người phụ nữ đã chịu nhiều bất hạnh.
Sinh ra với những khiếm khuyết về thân thể, những người phụ nữ khuyết tật đã phải đối mặt với vô vàn khó khăn nhưng thay vì gục ngã, họ đã chọn cách đứng lên, chiến đấu với số phận. Bằng nghị lực phi thường, họ đã vượt qua những giới hạn của bản thân, khẳng định giá trị của mình. Mỗi số phận là một câu chuyện, một bài học về sự kiên cường. Họ đã chứng minh rằng, khuyết tật chưa hẳn là rào cản trong hành trình vượt qua nghịch cảnh để vươn lên./.
Khánh Duy