Tiếng Việt | English

15/06/2016 - 11:21

Khi xăng, dầu tăng giá...

Thời gian qua, giá xăng dầu lại liên tục tăng. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống người dân. Tuy nhiên, trong khuôn khổ nhất định của bài viết, chúng tôi chỉ đề cập đến cước vận tải và giá cả hàng hóa.

Giá cả hàng hóa cũng sẽ tăng khi giá vận chuyển tăng

Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã tăng 5 lần (lần 1 tăng 670 đồng/lít vào ngày 21-3; lần 2 tăng 518 đồng/lít vào ngày 5-4; lần 3 tăng 646 đồng/lít vào ngày 5-5; lần 4 tăng 243 đồng/lít vào ngày 20-5; lần 5 tăng 680 đồng/lít vào ngày 4-6), tổng cộng 2.077 đồng/lít.

 Bức xúc cước vận tải

Giám đốc Bến xe khách Long An - Nguyễn Văn Sen chia sẻ: “Việc bán vé tăng hay giảm lại tùy thuộc vào quyền tự chủ của các đơn vị vận tải, chúng tôi chỉ bán vé dựa trên cơ sở giá thành đã đăng ký của họ với cơ quan quản lý nhà nước, không được phép bán giá vé cao hơn hay thấp hơn. Riêng đối với xe buýt tuyến Tân An - Chợ Lớn thì các nhà xe tự bán vé trên xe nên nếu họ có bán vé cao hay thấp hơn, chúng tôi cũng không quản lý được”.

Phần lớn đội ngũ công nhân lao động khi đi làm bằng xe đưa rước công nhân. Chị Nguyễn Thị An, quê ở xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, công nhân Cty Pouyuen cho biết: "Hằng ngày, tụi em đi về, tiền xe mỗi lượt 8.000 đồng. Mặc dù, tất cả xe đưa đón công nhân này đều có sự trợ giá từ Cty nhưng khi xăng tăng giá liên tục thì nhà xe cũng tăng giá theo".

Chị Trần Thị Phụng, ngụ ấp Bình Hữu, xã Hòa Khánh Tây - công nhân Cty Kanaan, xã Đức Hòa Hạ cho biết thêm: "Từ đầu năm đến nay, xăng tăng giá, chủ xe cũng tăng giá cước, nhưng vì phải đi làm nên chúng tôi đành chịu. Tôi cũng nghĩ tới việc đi xe gắn máy nhưng do lớn tuổi, sức khỏe không tốt nên đành chọn các phương tiện vận tải công cộng cho an toàn".

Giá cả thực phẩm tăng, ảnh hưởng đến đời sống người dân

Thực tế cho thấy, xăng dầu liên quan đến "đầu vào" của hầu hết sản phẩm hàng hóa do phải gánh chi phí vận chuyển. Vì vậy, những lần giá xăng dầu tăng cao, giá các mặt hàng cũng tăng theo, trong đó, nhóm nông sản, thực phẩm tăng trung bình 10-15. Đó là thực tế xảy ra từ rất lâu và luôn lặp lại nhiều lần.

Trong khi giá xăng dầu tăng rồi giảm, cước vận tải của các tuyến xe buýt giảm không đáng kể

Anh Lê Văn Vũ, một chủ vựa trái cây tại chợ Bến Lức, huyện Bến Lức cho biết: "Do việc kinh doanh vận chuyển hàng hóa là dịch vụ có sự thỏa thuận giữa chủ xe và chủ hàng nên giá cước cũng không có căn cứ nào để quy định cụ thể, tiểu thương vẫn phải chịu thiệt nếu bị chủ xe tải ép giá. Một khi tiểu thương phải chịu giá cước vận chuyển cao, họ sẽ nâng giá bán hàng hóa nhích lên và khi ấy người tiêu dùng sẽ là người chịu thiệt".

Chị Trần Thị Trúc Hương, một người nội trợ nhà ở đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 3, TP.Tân An chia sẻ: "Người nội trợ chẳng lạ gì việc cứ hễ giá xăng tăng thì đến mớ rau gia vị cũng lập tức tăng giá theo ngay. Các tiểu thương cứ lấy lý do giá xăng dầu tăng, cước phí vận tải hàng hóa cũng tăng theo để tăng giá bán vô tội vạ".

Xăng, dầu tăng giá, lạm phát, giá cả hàng hóa, dịch vụ cũng tăng theo, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân. Đây là thực tế đã và đang được đặt ra, cần những giải pháp đồng bộ, hiệu quả./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết