Tiếng Việt | English

07/08/2023 - 21:35

Khởi nghiệp thành công với nghề may bao đựng đàn

Từ giới thiệu của người thân và nghiên cứu thị trường, nhận thấy đây là cơ hội để khởi nghiệp, anh Phạm Nguyễn Đăng Khoa (ấp 2, xã Phước Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) quyết tâm xây dựng cơ sở may gia công. Cơ sở may không chỉ giúp anh có thu nhập ổn định mà còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Anh Phạm Nguyễn Đăng Khoa khởi nghiệp thành công với nghề may gia công bao đựng đàn

Chúng tôi có dịp đến thăm xưởng may gia công của anh Đăng Khoa, không khí sản xuất hối hả với âm thanh của tiếng máy may lạch cạch, tiếng kéo cắt chỉ liên tục. Anh Đăng Khoa đang tận tình hướng dẫn công việc cho lao động mới. Xong việc, anh tiếp tục kiểm tra và sắp xếp những sản phẩm đã hoàn thành để chuẩn bị giao hàng cho công ty nguồn.

Cũng như nhiều thanh niên khác, khi bắt đầu khởi nghiệp, anh Đăng Khoa gặp không ít khó khăn như vốn ít, chưa nắm được kỹ thuật may, các lao động chưa có kinh nghiệm,... Để giảm chi phí đầu tư, anh Đăng Khoa tận dụng mặt bằng nhà ở sẵn có để làm cơ sở may và mua lại máy may cũ. “Cơ sở chuyên may các loại bao đựng đàn. Đây là phụ kiện bảo vệ đàn không bị trầy xước. Ban đầu, đơn hàng chỉ có 50 cái/tháng với 2 thợ may. Tôi kêu gọi người thân, thợ may tại địa phương đến làm việc và hướng dẫn thêm về các khâu thực hiện. Vừa làm, tôi vừa tích lũy kinh nghiệm” - anh Đăng Khoa chia sẻ.

Từ chỗ nhỏ, lẻ, cứ có thêm đơn hàng mới, anh Đăng Khoa lại tuyển thêm người. Họ đều là lao động tại địa phương. Những người không biết gì về nghề may đều được anh hướng dẫn tận tình để có nghề mưu sinh. Sau khi nhận đơn hàng, anh Đăng Khoa chia ra nhiều khâu để may thành phẩm, từ cắt, ráp thân, đóng gói,... “Nghề may đòi hỏi sự cần cù, khéo léo, sáng tạo và phải nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường. Nhờ bảo đảm chất lượng, giao hàng đúng kỳ hạn nên sản phẩm của cơ sở luôn có nguồn hàng ổn định, được khách hàng tin cậy” - anh Đăng Khoa cho biết.

Với diện tích 200m2, hiện bình quân mỗi tháng, cơ sở của anh may được khoảng 500-600 bao đựng đàn, doanh thu đạt 70-80 triệu đồng; sau khi trừ chi phí, anh có lợi nhuận 15-20 triệu đồng. Đến nay, anh Đăng Khoa mở rộng quy mô sản xuất, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 10 lao động tại địa phương. Theo anh Đăng Khoa, tiền công của thợ may được chia theo mức độ khó hay dễ của công đoạn thực hiện và số lượng sản phẩm làm được.

Là một trong những lao động có “thâm niên” gắn bó với cơ sở may, anh Nguyễn Châu Phương (ấp 2, xã Phước Đông) chia sẻ: “Tôi làm tại cơ sở may trên 5 năm nay. Công việc này nhẹ nhàng, môi trường làm việc thoải mái. Tôi chỉ làm giờ hành chính, thứ bảy và chủ nhật được nghỉ. Bình quân mỗi tháng, tôi kiếm được 6-7 triệu đồng, giúp gia đình trang trải cuộc sống”.

Không chỉ nỗ lực làm kinh tế, anh Đăng Khoa còn hăng hái tham gia công tác Đoàn, luôn đi đầu trong vận động, tuyên truyền đoàn viên, thanh niên của xã tích cực tham gia phát triển kinh tế. Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, anh Đăng Khoa không ngần ngại cho biết, mong muốn lớn nhất là có thể phát triển quy mô sản xuất hơn nữa. Qua đó, không chỉ mang lại thu nhập cho gia đình mà còn góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Thành công của anh Phạm Nguyễn Đăng Khoa là tấm gương về nghị lực, ý chí cho tuổi trẻ hôm nay noi theo./.

Thùy Minh

Chia sẻ bài viết


giám sát an toàn là gìKhám phá mbti là gì