Tiếng Việt | English

11/04/2019 - 19:35

Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen chủ động phòng cháy, chữa cháy

Theo dự báo, tình hình thời tiết, khí hậu mùa khô năm 2019 diễn biến bất thường, nắng nóng kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất cao. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, Khu Bảo tồn (KBT) đất ngập nước Láng Sen chủ động trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) rừng.

Thường xuyên diễn tập phương án phòng cháy, chữa cháy

Thường xuyên diễn tập phương án phòng cháy, chữa cháy

Xác định công tác PCCC rừng là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thiệt hại về kinh tế do cháy rừng là to lớn và khó phục hồi, nhất là ảnh hưởng môi trường sống trong KBT.

Để PCCC, KBT đất ngập nước Láng Sen chủ động củng cố Ban Chỉ đạo phòng, chống cháy rừng, đồng thời xây dựng kế hoạch, phương án thực hiện công tác phòng, chống cháy; ký kết liên tịch với các xã lân cận về công tác phòng, chống cháy rừng; quán triệt đến cán bộ, công nhân viên tập trung thực hiện tốt kế hoạch PCCC. Trong PCCC, trước hết tập trung công tác tuyên truyền sâu, rộng trong nhân dân nhằm nâng cao ý thức cùng thực hiện công tác PCCC rừng hiệu quả.

Giám đốc KBT đất ngập nước Láng Sen - Trương Thanh Sơn cho biết: Hiện đơn vị được trang bị 2 máy bơm V46, 1 máy bơm V52, 3.000m ống, 12 xuồng máy, 11 xe máy, 7 chốt canh,... các trang thiết bị, phương tiện thường xuyên được kiểm tra, bảo dưỡng để phục vụ công tác PCCC, bảo đảm phương tiện, dụng cụ tại chỗ sẵn sàng chữa cháy khi có tình huống xảy ra. Thường xuyên diễn tập phương án PCCC cho các lực lượng tại đơn vị, tạo tác phong nhanh nhạy, thuần thục trong sử dụng các thiết bị chữa cháy, đáp ứng yêu cầu phục vụ chữa cháy. Ngoài việc trực 24/24 tại các chốt, đội còn tổ chức tuần tra lưu động tại các điểm xung yếu dễ xảy ra cháy.

Ngoài ra, đơn vị tăng cường công tác vận động, tuyên truyền nhân dân sống trong khu vực ven rừng tuyệt đối chấp hành các quy định về PCCC rừng. Cụ thể, cho cam kết phải thực hiện đúng các điều quy định cấm như không được vào rừng khai thác lâm sản và săn bắt chim, thú rừng trái phép; không được vào rừng dùng lửa đốt ong lấy mật hoặc nấu ăn trong rừng; đặc biệt là đối với những hộ nông dân sản xuất nông nghiệp ven rừng, khi đốt đồng vệ sinh đồng ruộng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định PCCC.

Ông Lý Thanh Hùng, ngụ ấp Cả Nổ, xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An cho biết: “Người dân sống gần khu vực KBT ý thức được công tác PCCC nên bản thân tôi cùng gia đình luôn chấp hành nghiêm. Bên cạnh đó, khi phát hiện những người lạ mặt đến KBT thì kịp thời chủ động báo với lãnh đạo để có biện pháp xử lý”.

KBT đất ngập nước Láng Sen được công nhận là khu Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế về sinh học và bảo tồn) thứ 7 của Việt Nam và thứ 2.227 của thế giới. KBT có tổng diện tích đất lâm nghiệp gần 2.000ha (Tân Hưng), trong đó diện tích đất rừng khá lớn với 1.100ha, chủ yếu là rừng tràm, hàng năm, lá cây khô rụng xuống tạo thành lớp thực bì dày đặc, rất dễ gây cháy. Mỗi phân khu có diện tích từ 150-200ha, khi cháy sẽ gặp khó khăn trong việc ngăn chặn lửa và vận chuyển phương tiện chữa cháy.

Lực lượng chức năng kiểm tra thiết bị phòng cháy, chữa cháy tại Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen

Lực lượng chức năng kiểm tra thiết bị phòng cháy, chữa cháy tại Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen

Mặt khác, diện tích đất lâm nghiệp còn xen kẽ những vùng đất trống tạo thành thảm thực vật rừng da beo dễ gây cháy vào mùa khô. Ngoài ra, người dân thường xuyên vào rừng săn bắt chim, thú, bắt ong có sử dụng lửa rất dễ gây ra cháy rừng.

Vào đầu mùa khô, Ban Chỉ đạo PCCC tỉnh, huyện tổ chức đoàn kiểm tra việc tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng, chống cháy tại KBT đất ngập nước Láng Sen, qua kiểm tra, công tác PCCC rừng tại đây được đánh giá cao. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo tỉnh, huyện còn xây dựng lực lượng, phương tiện để ứng phó khi có sự cố cháy xảy ra.

KBT đất ngập nước Láng Sen có 156 loài thực vật, 149 loài động vật không kể lớp cá, trong đó có nhiều loài chim quý hiếm thuộc Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Hiện tại, ước khoảng 60.000 cá thể sinh sống tại khu Láng Sen, trong đó, các loài cò chiếm khoảng 25.000 cá thể.

Thời gian gần đây, số lượng các loài chim quý tập trung ở khu Láng Sen ngày càng nhiều. Do vậy, công tác PCCC rừng trong KBT luôn gắn liền với bảo vệ môi trường sống cho các loài động, thực vật tại đây./.

Văn Đát

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích