Tiếng Việt | English

03/06/2022 - 15:18

Khủng hoảng lương thực toàn cầu giữa chiến sự Ukraine: Trung Đông, châu Phi kêu cứu

Xung đột Nga – Ukraine đang làm trầm trọng khủng hoảng lương thực toàn cầu, ảnh hưởng tới nhiều quốc gia, dù giàu hay nghèo. Và Trung Đông, châu Phi – những khu vực “khô cằn, nắng nóng”, nông nghiệp kém phát triển, phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu lương thực đã phải lên tiếng kêu cứu…

Cộng hòa Chad hôm qua (2/6) đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp về lương thực, kêu gọi quốc tế hỗ trợ khẩn cấp. Theo Liên Hợp Quốc 5,5 triệu người Chad, tương đương 1/3 dân số nước này cần tới hỗ trợ nhân đạo trong năm nay. Tuy nhiên, từ tháng 6 này, sau một vụ mùa thất thu, hàng triệu người quốc gia này sẽ phải đối mặt với nạn đói.

An ninh lương thực. Ảnh: News24

Các quốc gia nghèo tại châu Phi và Trung Đông cũng chịu chung cảnh ngộ với Chad. Hôm qua, hãng xếp hạng tín nhiệm S&P nhận định, Trung Đông và Bắc Phi sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất do giá lương thực tăng cao và nguồn cung thiếu hụt. Các quốc gia này đang tìm mọi cách để có nguồn cung thay thế trước mắt, cũng như chuyển đổi chính sách phát triển nông nghiệp bền vững trong tương lai.

Hôm qua, Jordan đã đạt được thỏa thuận với Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Ai Cập về việc trồng lúa mì, lúa mạch và ngô ở nước này nhằm thúc đẩy hợp tác về an ninh lương thực. Trong khi, người đứng đầu Liên minh châu Phi (AU) hôm nay sẽ có cuộc thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin về nguồn cung ngũ cốc. 

Nga và Ukraine lần lượt là các nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất và lớn thứ năm thế giới. Cùng nhau, 2 quốc gia này cung cấp 19% nguồn cung lúa mạch của thế giới, 14% lúa mì và 4% ngô, chiếm hơn 30% lượng ngũ cốc xuất khẩu toàn cầu. Hơn nữa, Nga là nhà sản xuất phân bón hàng đầu, chiếm 13% sản lượng toàn cầu. Còn Ukraine được coi là “vựa” lúa mì của châu Âu.

“Chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga đã khiến các mặt hàng nông sản của 2 quốc gia này không thể xuất khẩu ra thị trường thế giới. Khan hiếm nguồn cung, giá dầu tăng cao đẩy giá vận chuyển tăng theo – tất cả đều dẫn tới giá lương thực tăng mạnh.

Việc thiếu nguồn phân bón Nga cũng khiến Brazil, Mỹ hay các nước nông nghiệp lớn khác phải thắt lưng buộc bụng, hạn chế sử dụng mặt hàng này. Và điều này vẽ ra một viễn cảnh sản lượng nông nghiệp bị sụt giảm trong các vụ mùa thu hoạch trong tương lai. Cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu thực tế đang nghiêm trọng hơn và đây chính là chủ đề “nóng” được bàn luận trên khắp các diễn đàn, từ Liên Hợp Quốc, các cuộc họp cấp độ châu lục, các Khối liên minh kinh tế.

Hiện Liên Hợp Quốc đang thúc đẩy các cuộc đàm phán để đưa các mặt hàng nông nghiệp của Nga và Ukraine trở lại thị trường và coi đây là giải pháp “hiệu quả duy nhất” trong bối cảnh hiện nay. Theo xác nhận của Người phát ngôn Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric, các cuộc đàm phán với Nga, Ukraine, Mỹ và các bên liên quan về vấn đề đang tích cực và “mang tính xây dựng”.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield cũng cho biết: “Quyết định cử Rebecca Grynspan - người đứng đầu Cơ quan thương mại và phát triển của Liên Hợp quốc đến cả Nga và Mỹ là một quyết định mà chúng tôi hy vọng sẽ dẫn đến một số khuyến khích đối với các công ty vận chuyển ngũ cốc và phân bón của Nga. Như quý vị biết đó, những mặt hàng nông sản không bị trừng phạt, nhưng các công ty vận chuyển hơi lo lắng và chúng tôi sẽ có các động thái trấn an họ, giúp họ hỗ trợ những nỗ lực đưa ngũ cốc ra khỏi Nga.”

Về phần mình, Tổng thống Nga Putin cũng cho biết, Nga sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để việc xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng Ukraine không bị cản trở, với sự phối hợp của Thổ Nhĩ Kỳ. Một hành lang nhân đạo trên biển đang được Bộ Quốc phòng Nga tính toán./.

Theo VOV (BĐT tổng hợp)

Chia sẻ bài viết