Tiếng Việt | English

25/12/2021 - 10:01

Kiểm tra trực tuyến: Nên ra đề để học sinh mở sách cũng không được điểm cao

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho rằng, các trường kiểm tra định kỳ trực tuyến có thể ra đề mở, học sinh không nắm chắc kiến thức nếu mở vở vẫn không đạt điểm cao.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện nay nhiều tỉnh, thành trên cả nước vẫn áp dụng hình thức học trực tuyến, kiểm tra, đánh giá trực tuyến với một số khối lớp. Trao đổi về vấn đề kiểm tra, đánh giá định kỳ, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) cho biết, theo điều chỉnh của Bộ GD-ĐT, hiện nay việc triển khai, đánh giá là thường xuyên thực hiện theo tinh thần kiểm tra đánh giá sự tiến bộ của người học. Việc kiểm tra thường xuyên được thầy cô đánh giá ngay trong quá trình dạy học. Có thể kiểm tra đánh giá nhiều lần, sau đó lựa chọn một số kết quả. Như vậy, với hình thức dạy học trực tuyến cũng thực hiện như trên.

“Hình thức kiểm tra đánh giá thường xuyên gồm nhiều hình thức như hỏi đáp, viết, đánh giá qua sản phẩm học tập, qua bài thực hành, bài thí nghiệm… Tất cả đã có trong quy định.

Kiểm tra đánh giá định kỳ, bản chất đã rút rất nhiều bài so với trước đây, chỉ còn 4 bài kiểm tra đánh giá định kỳ. Việc kiểm tra định kỳ cũng tương tự như trên, không phải chỉ riêng mỗi bài kiểm tra. Kiểm tra có thể thực hiện trên giấy hoặc trên máy tính, nhưng theo thông tư quy định có thể qua bài thực hành hoặc dự án học tập để các thầy cô, nhà trường lựa chọn hình thức kiểm tra đánh giá định kỳ phù hợp với nội dung đánh giá của các môn học sao cho đạt hiệu quả tốt nhất.

Với học trực tuyến, tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ cũng được quy định tại Thông tư 09, trong đó, giao cho hiệu trưởng nhà quyết định hình thức kiểm tra đánh giá trong trường hợp bất khả kháng không thể đến trường. Ở đó có quy định yêu cầu đánh giá đảm bảo yêu cầu khách quan, trung thực, công bằng, đánh giá đúng năng lực học sinh”, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành cho biết.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học lưu ý, hiện nay Bộ GD-ĐT đã giao quyền cho các nhà trường. Các nhà trường quyết định cách thức thực hiện để đảm bảo công bằng, minh bạch rõ ràng, đặc biệt đánh giá đúng năng lực học sinh. Bài kiểm tra đánh giá định kỳ, kết quả đánh giá định kỳ phù hợp với kiểm tra đánh giá thường xuyên, đánh giá đúng năng lực học sinh.

Đặc biệt, với lớp 1, 2, 6 triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, định hướng phát triển năng lực của học sinh. Trong thông tư 22 quy định rõ, đánh giá sự phát triển về kết quả rèn luyện, học tập của học sinh. Như vậy, đề kiểm tra phải đáp ứng được yêu cầu trên.

“Thậm chí bài kiểm tra mở, học sinh không nắm chắc kiến thức, mở vở vẫn không đạt điểm cao. Chưa kể loại bài kiểm tra vấn đáp, thực hành… khi học trực tiếp đều rất tốt”, ông Thành lưu ý.

Trong bối cảnh kiểm tra trực tuyến, nhiều lo ngại về việc kết quả kiểm tra đánh giá có thể thiếu trung thực, chính xác, ông Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh, giáo viên và phụ huynh cần hiểu rằng kiểm tra chỉ là nhất thời. Bản thân bố mẹ cũng cần nghiêm khắc để kiểm tra con đạt được năng lực đến đâu chứ không phải phó mặc cho nhà trường. Phụ huynh nên nhìn nhận đánh giá định kỳ trực tuyến ở khía cạnh tích cực, đánh giá đúng năng lực người học thay vì lo lắng gian lận. Tất nhiên, các nhà trường vẫn có các biện pháp giám sát qua camera, theo dõi, trông thi bình thường…

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học lưu ý, nếu kiểm tra định kỳ có những trường hợp học sinh có điểm cao bất thường so với điểm kiểm tra thường xuyên, các trường có thể kiểm tra đánh giá lại. Việc kiểm tra đánh giá được thực hiện theo quy định chung, công khai, minh bạch, tuân thủ theo quy định, tháo gỡ những khó khăn, bất thường xảy ra trong quá trình học.

 “Bộ GD-ĐT không thể nào đưa ra quy định chung áp dụng cho hàng triệu giáo viên, học sinh. Chúng tôi rất đồng tình, chia sẻ và mong nhà trường sẽ thực hiện tốt việc dạy học, kiểm tra đánh giá trực tuyến”, ông Thành nói./.

Nguyễn Trang/VOV.VN

Chia sẻ bài viết