Tình trạng dùng xung điện khai thác thủy sản còn diễn ra ở khu vực vùng Đồng Tháp Mười, nhất là vào mùa lũ
Vẫn còn tình trạng vi phạm
Vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh ngập lũ hàng năm, mang về nhiều nguồn lợi thủy sản. Bên cạnh việc giăng câu, lưới, đặt lọp,... vẫn còn nhiều trường hợp khai thác thủy sản vi phạm pháp luật như sử dụng xung điện, lưới có kích thước nhỏ hơn quy định để đánh bắt làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản.
Anh T.V.P. (xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng) cho biết: “Nhiều người dân ở đây vẫn dùng xung điện đánh bắt cá. Dù thời gian qua, các ngành chức năng xử lý nhiều trường hợp đánh bắt thủy sản trái quy định pháp luật, tịch thu dụng cụ, phạt tiền nhưng nhiều người vẫn lén lút vi phạm”.
Không chỉ dùng xung điện có công suất nhỏ, nhiều người còn sử dụng cào điện công suất lớn, trang bị cả ghe, lưới để khai thác các loại thủy sản trên diện rộng. Trung bình mỗi ngày, người sử dụng xung điện cầm tay công suất nhỏ có thể bắt cả chục kilôgam thủy sản các loại, còn sử dụng ghe cào điện thì số thủy sản bắt được cao hơn nhiều lần.
Một cách khai thác khác mà người dân hay sử dụng là đặt dớn (mắt lưới nhỏ hơn quy định) giăng như “ma trận”, phủ trắng các cánh đồng. Đang kiểm tra dớn vào sáng sớm, anh N.V.T. (xã Tuyên Bình Tây, huyện Vĩnh Hưng) nói: “Trước đây, cá nhiều, mọi người chủ yếu bắt cá lớn để bán. Còn những năm gần đây, cá khan hiếm nên cá nào cũng bắt. Tôi biết đặt dớn bắt cá nhỏ thế này là vi phạm nhưng trên đồng đầy dớn, ai cũng đặt thì mình đặt theo”.
Cách giăng bắt này khá đơn giản, người dân chỉ cần vài chục mét lưới mành, vài chục cây nhỏ (để cắm cố định dớn) và lưới đuôi dớn là có thể hành nghề. Với cách bắt này, hầu như tất cả các loài cá lớn, nhỏ đều vào dớn, không thoát đi đâu được. Những cách khai thác kiểu tận diệt này làm nguồn lợi thủy sản trên vùng Đồng Tháp Mười bị suy giảm và cạn kiệt thời gian qua.
Theo Đại úy Nguyễn Trung Tá - Trưởng Công an xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng, lực lượng Công an xã tích cực tuyên truyền để người dân hiểu rõ những tác hại của việc dùng xung điện bắt cá nhưng hiện nay, tình trạng này vẫn còn diễn ra và rất khó kiểm soát. Thường các đối tượng này lén lút, “né” lực lượng chức năng, có trường hợp khai thác cá vào ban đêm, trong khi đó, lực lượng Công an xã còn mỏng nên công tác tuần tra, xử lý chưa triệt để. Từ đầu mùa lũ đến nay, Công an xã tổ chức tuần tra, phát hiện, tham mưu UBND xã xử lý 2 trường hợp sử dụng xung điện đánh bắt cá.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Trần Văn Bằng cho biết: “Vào mùa lũ, tình trạng sử dụng xung điện, lưới có kích thước nhỏ hơn quy định còn diễn ra. Dù được cảnh báo về sự nguy hiểm khi dùng xung điện khai thác thủy sản, thậm chí lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát xử lý nhưng một số người dân vẫn cố tình vi phạm. Từ đầu năm 2023 đến nay, huyện tổ chức 8 cuộc tuần tra, phát hiện, thu giữ 5 xuyệc điện, 5 bình ắc-quy”.
Kiên quyết xử lý
Xung điện người dân sử dụng để khai thác thủy sản
Địa bàn huyện Tân Hưng có nhiều tuyến kênh lớn, nước lũ hàng năm mang theo nguồn lợi thủy sản lớn nên việc khai thác thủy sản trên các tuyến kênh nhiều vào mùa nước lũ là nguồn kiếm sống chính của nhiều người dân. Tuy nhiên, vì lợi ích cá nhân mà một số người dân sử dụng phương tiện có gắn giàn cào, ủi dùng xung điện để khai thác thủy sản trái phép.
Bên cạnh đó, ở địa phương còn tình trạng bán kênh, rạch để cho người dân khai thác thủy sản một cách tự do, không kiểm soát cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tài nguyên thủy sản bị cạn kiệt.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Lê Văn U Thanh thông tin: “Thời gian tới, Phòng phối hợp các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nhận thức được tác hại của việc sử dụng xung điện khai thác thủy sản gây ảnh hưởng đến môi trường và hủy hoại nguồn lợi thủy sản. Trang bị đầy đủ phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện các đối tượng có hành vi vi phạm khai thác thủy sản trái phép, xử lý theo quy định của pháp luật”.
Hoạt động của những đối tượng sử dụng xung điện để khai thác thủy sản ở các địa phương còn diễn ra trên các kênh nội đồng mang tính thời vụ, thường hoạt động vào ban đêm, mùa lũ rút. Các đối tượng sử dụng xung điện để khai thác thủy sản thường dùng phương tiện có trang bị động cơ công suất lớn, sẵn sàng bỏ trốn và chống trả lực lượng làm nhiệm vụ nên gây khó khăn trong quá trình kiểm tra, xử lý.
“Thời gian tới, Phòng tiếp tục chủ trì phối hợp các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, nhất là cho những hộ sử dụng xung điện ký cam kết không sử dụng và không tái sử dụng để đánh bắt thủy sản. Ngoài ra, Phòng tăng cường và duy trì thường xuyên việc kiểm tra, xử lý vi phạm nhằm tạo sự răn đe, từng bước ngăn chặn và tiến tới hạn chế đến mức thấp nhất việc khai thác thủy sản trái phép” - ông Trần Văn Bằng thông tin.
Lực lượng chức năng, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương cần tăng cường phối hợp trong việc kiểm tra, xử lý cũng như tuyên truyền, vận động để người dân không đánh bắt cá kiểu tận diệt, góp phần duy trì, bảo vệ nguồn lợi thủy sản./.
Trung Kiên