Ước tính, năm 2023, sản lượng lúa của tỉnh đạt hơn 3 triệu tấn (Ảnh: Huỳnh Du)
Nhiều nhóm sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp tăng trưởng cao
Thông tin từ UBND tỉnh, tình hình phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh trong năm 2023 cơ bản ổn định, dự báo chỉ tiêu mức tăng trưởng kinh tế không đạt như kỳ vọng nhưng vẫn tăng trưởng khả quan. Đây là kết quả quan trọng trong bối cảnh nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng xung đột quân sự Nga - Ukraine, cạnh tranh chiến lược gia tăng, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, lạm phát vẫn ở mức cao và tình trạng khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.
Chỉ số sản xuất công nghiệp trong 11 tháng của năm 2023 tăng 6,89% so cùng kỳ năm 2022. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,04%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,7%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,61% so cùng kỳ năm 2022. Số lượng các nhóm ngành, sản phẩm công nghiệp tính đến tháng 11/2023 là 58 nhóm, trong đó 38 nhóm sản lượng tăng so cùng kỳ.
Trong đó, nhiều nhóm sản phẩm có mức tăng trưởng khá cao như các loại cấu kiện nổi khác tăng 85,2%; ống khác không nối, mặt cắt hình tròn bằng sắt, thép không hợp kim tăng 48,5%; giường bằng gỗ các loại tăng 48,5%; phân khoáng hoặc phân hóa học NPK tăng 45,2%; dịch vụ vận hành hệ thống thoát nước tăng 30,1%; gạo đã xát toàn bộ hoặc sơ bộ, đã hoặc chưa đánh bóng hạt tăng 25,3%; ba lô tăng 18,7%;... Điều này giúp lĩnh vực công nghiệp - xây dựng tăng trưởng khá, phát huy vai trò động lực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Tỉnh phát huy tối đa các tiềm năng khác biệt, lợi thế để phát triển KT-XH nhanh, bền vững
Sản xuất nông nghiệp của tỉnh diễn ra trong điều kiện thời tiết thuận lợi, cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, đạt nhiều kết quả khả quan. Các cây trồng chủ lực như chanh, thanh long, mít,... được nông dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ước tính, năm 2023, sản lượng lúa đạt trên 3 triệu tấn (chỉ tiêu phấn đấu của ngành là 2,8 triệu tấn), trong đó lúa chất lượng cao đạt trên 1,8 triệu tấn.
Tăng cường thu hút đầu tư
Theo quy hoạch, không gian phát triển của tỉnh được tổ chức hợp lý, gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại. Hiện nay, các địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh phát triển ổn định, làm động lực phát triển chung cho toàn tỉnh.
Long An là một trong những địa phương thu hút đầu tư tốt. Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.582 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 11%) với tổng vốn 15.478 tỉ đồng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 16.702 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng vốn 367.968 tỉ đồng, trong đó có 12.602 doanh nghiệp và 76.624 hộ kinh doanh đang hoạt động.
Đối với dự án đầu tư trong nước, từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh cấp mới 65 dự án với tổng vốn đăng ký mới là 56.364 tỉ đồng (tăng 33.785 tỉ đồng). Trên địa bàn tỉnh hiện có 2.197 dự án với số vốn đăng ký 268.341 tỉ đồng. Đối với dự án đầu tư nước ngoài, từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh cấp mới 95 dự án, tăng 47 dự án với tổng vốn đăng ký tăng 235 triệu USD. Nâng tổng số đến nay, tỉnh có 1.228 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn 10,5 tỉ USD.
Từ đầu năm 2023 đến nay, lãnh đạo tỉnh tăng cường tiếp cận các nhà đầu tư tiềm năng để thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp có năng lực và tiềm lực về tài chính, thu hút đầu tư các dự án có tính lan tỏa, tác động tích cực đến sự phát triển KT-XH của tỉnh. Cụ thể, lãnh đạo tỉnh đã làm việc với Công ty TNHH MTV Yumoto, Đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc và Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP.HCM,...
Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức Đoàn công tác thăm và làm việc với đối tác Hàn Quốc nhân chuyến công tác của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được cùng Ban Kinh tế Trung ương tại Hàn Quốc (từ ngày 21 đến ngày 24-10-2023). Điểm nhấn là lãnh đạo tỉnh đã có những buổi làm việc với các đối tác lớn như Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM) về phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, Tập đoàn GS Energy về phát triển dự án Nhà máy Điện LNG Long An I và II, làm việc với các tập đoàn lớn tại Seoul, Hàn Quốc.
Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh đã và đang chủ động triển khai nhiều chương trình, hoạt động thiết thực để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm mời gọi đầu tư vào tỉnh.
Với những lợi thế về tiềm năng đất đai cùng với chú trọng đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp, định hướng của tỉnh trong giai đoạn tới là thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng đến phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, lấy khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo làm nền tảng gắn với bảo vệ môi trường nhằm hướng đến sự tăng trưởng bền vững.
Đồng thời, tỉnh cũng mong muốn các doanh nghiệp đồng hành cùng tỉnh nghiên cứu đầu tư, phát huy hiệu quả mô hình các khu công nghiệp theo hướng bền vững, tiến tới hình thành các hệ sinh thái công nghiệp - đổi mới sáng tạo - đô thị - dịch vụ - công nghệ cao tại tỉnh.
Long An là một trong những địa phương thu hút đầu tư tốt (Ảnh chụp tại Công ty TNHH MTV Semitec Electronics, Khu công nghiệp Tân Kim, huyện Cần Giuộc)
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Huỳnh Văn Sơn, trong quá trình phát triển KT-XH, tỉnh hoan nghênh và sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư tại Long An, nhất là trên các lĩnh vực ưu tiên hiện nay như đổi mới công nghệ, công nghệ thông tin, chuyển đổi số; chuyển đổi năng lượng xanh; hạ tầng công nghiệp, hạ tầng đô thị; y tế; công nghiệp chế biến, chế tạo, vật liệu, điện tử; phát triển thị trường tài chính; đào tạo nguồn nhân lực; thúc đẩy khởi nghiệp.
Tỉnh cam kết luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp, hỗ trợ các dự án đầu tư được hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi theo quy định khi triển khai dự án tại Long An. Lãnh đạo tỉnh đã có những kế hoạch trọng tâm nhằm cải thiện nguồn nhân lực của tỉnh theo hướng nâng cao về lượng lẫn chất, đạt tiêu chuẩn về trình độ kỹ thuật cao nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp./.
Long An là địa phương thứ 10 trên cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu của tỉnh phấn đấu đến năm 2030 là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam; trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long; kết nối chặt chẽ với TP.HCM và Vùng Đông Nam bộ; đầu mối hợp tác, giao thương quan trọng với Campuchia; hình thành được các hành lang kinh tế, vùng, trung tâm phát triển và đô thị động lực; thích ứng với biến đổi khí hậu; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. |
Mai Hương