Khu vực công nghiệp - xây dựng tiếp tục phát huy vai trò động lực phát triển kinh tế của huyện Bến Lức (Trong ảnh: Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi thuộc Tập đoàn Skretting tại Khu công nghiệp Thuận Đạo)
1. Huyện Bến Lức là 1 trong 5 địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, cửa ngõ nối TP.HCM với Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Lê Thành Út, công tác quán triệt, cụ thể hóa triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội (NQĐH) Đảng bộ huyện lần thứ XII, NQĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 được Huyện ủy, UBND huyện thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và có sự thống nhất, tập trung, nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch đúng hướng và ngày càng rõ nét.
Huyện Bến Lức có sự chủ động, tích cực trong triển khai, thực hiện chương trình đột phá của tỉnh về phát triển nông nghiệp, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, nhất là trên cây chanh. Tổng diện tích trồng chanh trên địa bàn huyện là 6.761ha, trong đó, diện tích đang cho trái là 5.782ha. Việc ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) trong trồng chanh được triển khai, thực hiện tốt. Toàn huyện hiện có 2.341ha chanh ƯDCNC, đạt 86% kế hoạch tỉnh giao.
Khu vực công nghiệp - xây dựng tiếp tục phát huy vai trò động lực phát triển kinh tế của huyện. Quy mô nền kinh tế huyện Bến Lức hiện chiếm trên 32% giá trị sản xuất toàn tỉnh. Trên địa bàn huyện có 2.663 doanh nghiệp và chi nhánh trong nước đang hoạt động với tổng vốn đầu tư 32.168 tỉ đồng, 126 doanh nghiệp và chi nhánh đầu tư nước ngoài đang hoạt động với tổng vốn đăng ký 1,3 tỉ USD.
Huyện thu hút được nhiều dự án lớn có uy tín trên thế giới đầu tư. Khu vực thương mại - dịch vụ phát triển khá. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đạt nhiều kết quả tích cực, là huyện điển hình của tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ này, nổi bật là góp phần cho đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua tỉnh Long An và Đường tỉnh 830E được tổ chức khởi công đúng kế hoạch.
Ông Lê Thành Út chia sẻ, huyện tiếp tục quán triệt, tập trung triển khai, thực hiện NQĐH Đảng bộ huyện lần thứ XII gắn với NQĐH XI Đảng bộ tỉnh và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; rà soát, giải quyết các tồn tại, hạn chế, các nhiệm vụ tồn đọng trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025. Về định hướng phát triển, công nghiệp và dịch vụ vẫn là động lực chính cho phát triển kinh tế của huyện.
Huyện sẽ chỉ đạo công tác giải ngân vốn đầu tư công, bồi thường giải phóng mặt bằng, thực hiện tốt các chương trình đột phá, công trình trọng điểm, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thu hút, hỗ trợ các nhà đầu tư có tiềm lực triển khai nhanh các dự án dân cư, đô thị, công nghiệp và nông nghiệp ƯDCNC ở các xã phía Bắc, phát huy tốt hơn nữa vai trò là huyện trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh.
2. Huyện Cần Đước là hành lang chiến lược phía Đông của tỉnh, có nhiều tiềm năng, lợi thế về hạ tầng đô thị, giao thông và các khu công nghiệp (KCN), cảng biển, kho bãi, thuận lợi để thu hút đầu tư. Theo Quyền Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Đào Hữu Tấn, huyện đang nỗ lực thực hiện NQ Huyện ủy, NQ của HĐND huyện, Chương trình hành động của UBND huyện về thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023. Kinh tế của huyện tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp.
Rau ăn lá trồng công nghệ cao hầu hết được bán tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng
Thời gian qua, huyện tiếp tục thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC của tỉnh gắn với Chương trình Phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, chất lượng cao và bền vững của huyện. Cây lúa vẫn là cây trồng chủ lực. Với lợi thế về địa lý, huyện duy trì và phát triển vùng rau chuyên canh với diện tích trên 600ha. Huyện còn tập trung phát triển Chương trình OCOP, nhân rộng mô hình nuôi tôm ƯDCNC và triển khai Đề án phát triển nuôi tôm nước lợ của tỉnh đến năm 2025. Sản lượng tôm nuôi từ đầu nhiệm kỳ đến nay đạt 12.299 tấn, sản lượng hàng năm đều vượt chỉ tiêu đề ra.
Lĩnh vực công nghiệp - xây dựng tiếp tục phát triển. Công tác quy hoạch, quản lý và phát triển khu, cụm công nghiệp (K,CCN) tiếp tục được triển khai, thực hiện hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế của huyện. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 4 KCN với tổng diện tích 764ha, 10 CCN với diện tích 468,2ha, tỷ lệ lấp đầy K,CCN trên 80%.
Các chương trình đột phá theo NQĐH XII Đảng bộ huyện Cần Đước được triển khai, thực hiện bảo đảm tiến độ đề ra. Đối với chương trình đột phá, huyện tập trung giải phóng mặt bằng 3 CCN, 1 khu tái định cư, tạo quỹ đất sạch, thu hút đầu tư.
Ông Đào Hữu Tấn nhấn mạnh, năm 2023 có ý nghĩa quan trọng làm chuyển biến căn bản, tạo đà, tạo lực cho những năm tiếp theo thực hiện thắng lợi NQĐH Đảng các cấp, nhất là NQĐH XII Đảng bộ huyện Cần Đước nhiệm kỳ 2020-2025. Huyện đang tăng tốc, bám sát mục tiêu NQ đề ra. Trong đó, huyện đẩy mạnh triển khai, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, chương trình và kế hoạch chuyên đề về phát triển KT-XH; chủ động, sáng tạo thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm bớt khó khăn và ảnh hưởng do suy giảm kinh tế; tập trung quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng đối với các công trình trọng điểm; các dự án tái định cư, các K,CCN trên địa bàn huyện và dự án vốn ngân sách./.
Gia Hân