Nhìn lại bức tranh phát triển kinh tế Việt Nam năm 2016, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đánh giá, “trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều thách thức, kinh tế Việt Nam vẫn chứng tỏ sức dẻo dai”. Đánh giá tích cực này không chỉ ghi nhận thành quả phát triển kinh tế nước ta đạt được năm nay mà còn hàm chứa thông điệp thúc giục Việt Nam thừa thắng tiến lên một cách mạnh mẽ hơn nữa.
Nội lực khỏe dần lên
Giải thích về cơ sở cho sự “dẻo dai” của nền kinh tế năm nay, chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, ông Sebastian Eckardt, cho biết đó là nhờ lực cầu mạnh trong nước và kết quả khả quan của các ngành sản xuất, chế biến định hướng xuất khẩu.
Nội lực nền kinh tế VN đang khỏe lên (ảnh minh họa: KT)
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2016 ước tính tăng 6,21% so với năm 2015, trong đó quý I tăng 5,48%; quý II tăng 5,78%; quý III tăng 6,56%; quý IV tăng 6,68%.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, ông Nguyễn Bích Lâm, đánh giá “mức tăng trưởng năm nay tuy thấp hơn mức tăng 6,68% của năm 2015 và không đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% Quốc hội đề ra, nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới không thuận, giá cả và thương mại toàn cầu giảm, trong nước gặp nhiều khó khăn do thời tiết, môi trường biển diễn biến phức tạp thì đạt được mức tăng trưởng trên là một thành công, khẳng định tính đúng đắn, kịp thời, hiệu quả của các biện pháp, giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng thực hiện”.
Để có kết quả tăng trưởng này, GDP tiếp tục được hỗ trợ bằng sức cầu mạnh trong nước, phần nào phản ánh tăng trưởng tốt về đầu tư và tiêu dùng tư nhân. Xét về góc độ sử dụng GDP năm 2016, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,32% so với năm 2015, đóng góp 5,29 điểm phần trăm vào mức tăng chung; tích lũy tài sản tăng 9,71%, đóng góp 3,08 điểm phần trăm….
Về sản xuất, ngành nông nghiệp và khai khoáng có sự suy giảm, nhưng lại được bù đắp bằng tăng trưởng tuy chưa cao nhưng ổn định trong các ngành sản xuất chế tạo chế biến, xây dựng và dịch vụ. Bên cạnh đó, sức cầu trong nước vẫn vững mạnh do chính sách tài khóa, tiền tệ và tín dụng mở rộng. Tăng trưởng đầu tư theo thế đi lên do đầu tư công được duy trì, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và tăng trưởng tín dụng mạnh. Tiêu dùng ở khu vực công và tư nhân cũng được đẩy mạnh, do tăng lương ở khu vực công làm tăng thu nhập thực và do duy trì được lòng tin của người tiêu dùng.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm nay theo giá hiện hành ước tính đạt 1.485,1 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so với năm 2015 và bằng 33% GDP. Tình hình thực hiện vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước những tháng cuối năm cũng đạt khá. Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước thực hiện năm 2016 ước tính đạt 268,6 nghìn tỷ đồng, bằng 97,8% kế hoạch năm và tăng 15,1% so với năm 2015.
Theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động xã hội của toàn nền kinh tế Việt Nam năm 2016 theo giá hiện hành ước tính đạt 84,5 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 3.853 USD/lao động). Tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2016 ước tính tăng 5,31% so với năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2016 đạt 2.215 USD/người (hơn 50 triệu đồng/năm), tăng 106 USD so với năm ngoái. |
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, năm nay cũng được coi là thành công trong việc kiểm soát lạm phát trong điều kiện giá một số mặt hàng thiết yếu tăng trở lại, nhưng vẫn tạo điều kiện để điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý tiệm cận dần theo giá thị trường. Việc giữ được lạm phát dưới 5% rất thành công trong bối cảnh Chính phủ điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục và giá xăng dầu tăng giảm thất thường.
Nhìn chung năm 2016 nhiều khó khăn với nhiều biến động như thiên tai, giá cả, tình hình kinh tế chính trị thế giới nhiều bất ổn, tuy vậy nền kinh tế Việt Nam đã về đích với nhiều chỉ số tích cực, có cải thiện. Điều đó cho thấy nội lực của nền kinh tế thực sự đang khỏe dần lên.
Môi trường kinh doanh hấp dẫn hơn
Năm nay, với nỗ lực của Chính phủ trong việc thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, tính chung cả năm, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt mức kỷ lục với 110.100 doanh nghiệp, tăng 16,2% so với năm 2015. Tổng số vốn doanh nghiệp đăng ký mới và bổ sung thêm vào nền kinh tế trong năm là 2,520 triệu tỷ đồng; số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới năm 2016 đạt 8,1 tỷ đồng, tăng 27,5% so với năm 2015.
Đồng thời, Việt Nam được nâng hạng trong chỉ số môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới từ thứ 91 (trên 189 quốc gia) năm 2011 lên thứ 82 (trên 190 quốc gia) trong báo cáo môi trường kinh doanh 2017 mới được ban hành.
Trong môi trường kinh doanh chung đó, tình hình kinh tế đối ngoại của Việt Nam cũng tiếp tục được cải thiện nhờ thặng dư tài khoản vãng lai và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh. Trong đó, về đầu tư trực tiếp của nước ngoài, tính chung tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần trong năm 2016 đạt 24,372 tỷ USD, tăng 7,1% so với năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2016 ước tính đạt 15,8 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2015, đạt mức giải ngân vốn FDI cao nhất từ trước đến nay. Cả nước có 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới trong năm 2016.
Hơn nữa, dù lực cầu trên thị trường quốc tế năm nay không mạnh, thương mại toàn cầu suy giảm, nhưng Việt Nam vẫn đạt kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 175,9 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm trước.
Những con số này cho thấy, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đối với môi trường kinh doanh đã được củng cố. Bản thân các doanh nghiệp gia nhập thị trường nhiều hơn khi họ nhìn thấy nhiều cơ hội từ thị trường và khả năng biến tiềm năng thị trường thành hiện thực. Có lẽ đây là một phản ứng tích cực hiện hữu của nền kinh tế sau khi Chính phủ đưa ra thông điệp về “liêm chính, kiến tạo, hành động”, đồng thời đã liên tục có những chỉ đạo mạnh mẽ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và khuyến khích khởi nghiệp.
Với những kết quả khả quan của năm nay, các chuyên gia của WB khuyến nghị, trên cơ sở những thành tựu, điều quan trọng là Việt Nam cần tiếp tục duy trì những cải cách trên để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển và tạo thêm nhiều việc làm trong nước./.
Xuân Thân/VOV.VN