Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Bộ Hợp tác Quốc tế Myanmar Kyaw Tin. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Cùng tham dự Kỳ họp có các quan chức cao cấp và đại diện của các bộ, ngành hai nước.
Tại Kỳ họp, hai bên đã kiểm điểm tình hình hợp tác trên các lĩnh vực kể từ Kỳ họp lần thứ tám hồi tháng 5/2015; đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước đã có nhiều hợp tác hiệu quả, thực chất, đưa quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam-Myanmar ngày càng đi vào chiều sâu.
Hai bên đánh giá quan hệ chính trị ngày càng tin cậy và gắn bó thông qua việc thường xuyên trao đổi các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, gần đây nhất là chuyến thăm cấp Nhà nước tới Myanmar của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 8/2017) và chuyến thăm chính thức Việt Nam của Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi (tháng 4/2018).
Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên tất cả các kênh Đảng, Chính phủ, Nhà nước, Quốc hội và các cấp cũng như giữa các địa phương hai nước; triển khai tích cực các cơ chế hợp tác, chủ động xây dựng Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện giai đoạn 2019-2023, thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận đạt được tại các chuyến thăm cấp cao; tăng cường hoạt động ngoại giao nhân dân đưa quan hệ hai nước ngày càng sâu sắc và gắn bó, hướng tới kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1975-2020).
Việt Nam-Myanmar nhất trí sớm thiết lập cơ chế Đối thoại Chính sách Quốc phòng trong năm 2019; tăng cường hợp tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia; đàm phán tiến tới sớm ký kết thỏa thuận về hỗ trợ lẫn nhau trong các vấn đề về hình sự; hợp tác giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, đặc biệt là khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, an ninh môi trường, an ninh nguồn nước.
Hai bên cũng tái khẳng định không cho phép các tổ chức, cá nhân lợi dụng lãnh thổ nước này để chống phá nước kia.
Hai bên hài lòng trước những phát triển đột phá trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ chín của Myanmar.
Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2018 đạt 873,9 triệu USD, tăng 5,5% so với năm 2017. Với đà này, hai bên bày tỏ tin tưởng sẽ đạt được mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên một tỉ USD vào thời gian sớm nhất. Việt Nam cũng là nhà đầu tư lớn 7 của Myanmar với 18 dự án, tổng vốn đăng ký đạt hơn 2,1 tỉ USD.
Hai bên cho rằng hợp tác trong các lĩnh vực giao thông vận tải, nông nghiệp, văn hóa thể thao, du lịch, tài chính, ngân hàng, thông tin- truyền thông, giáo dục-đào tạo… đã có nhiều thành tựu khả quan song vẫn còn nhiều tiềm năng và thế mạnh cần khai thác trong thời gian tới.
Hai bên nhất trí duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng các quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982); giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình; không quân sự hóa; không làm phức tạp thêm tình hình; thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả.
Quang cảnh Kỳ họp thứ 9 Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác song phương giữa Việt Nam và Myanmar. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Việt Nam-Myanmar cũng trao đổi sâu rộng và nhất trí sẽ tiếp tục phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là trong khuôn khổ ASEAN và Liên hợp quốc, các hợp tác tiểu vùng: Chiến lược hợp tác kinh tế ba dòng sông Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS), Hợp tác bốn nước Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV), Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS), Hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC)…
Phát biểu tại Kỳ họp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã đề nghị Myanmar xem xét rút ngắn thời gian xét duyệt giấy phép, hồ sơ đầu tư đối với các doanh nghiệp Việt Nam; thu hẹp danh mục các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam cần xin giấy phép, trước mắt đưa thanh long ra khỏi danh mục này; có hướng dẫn cụ thể về các luật của Myanmar cho doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Việt Nam, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và hỗ trợ giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình đầu tư vào Myanmar.
Phía Myanmar ghi nhận và cam kết xem xét giải quyết nhiều quan tâm cụ thể của doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVOIL), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Hoàng Anh Gia Lai (HAGL)…
Bộ trưởng Bộ Hợp tác Quốc tế Myanmar U Kyaw Tin cũng khẳng định ủng hộ Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 nhằm thúc đẩy tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, củng cố đoàn kết, nâng cao tiếng nói và vai trò của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình; tái khẳng định Myanmar ủng hộ Việt Nam ứng cử là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Kết thúc Kỳ họp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Bộ Hợp tác Quốc tế Myanmar U Kyaw Tin đã ký Biên bản Thỏa thuận và nhất trí sẽ tổ chức Kỳ họp lần thứ 10 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương tại Myanmar trong năm 2021./.
Theo TTXVN