Bia chiến thắng trận Mộc Hóa (thị xã Kiến Tường)
Địa điểm ghi dấu chiến thắng trận Mộc Hóa (18/8/1948) - gò Bắc Chiêng với ý nghĩa lịch sử trọng đại trong lịch sử đấu tranh cách mạng gắn liền với vai trò lãnh đạo của Đảng bộ địa phương, đã được UBND tỉnh Long An xếp hạng Di tích lịch sử tại Quyết định số 1308/QĐ-UB, ngày 29/7/1994.
Tôn vinh truyền thống cách mạng, năm 1993, nhân kỷ niệm 45 năm chiến thắng Mộc Hóa, huyện Mộc Hóa đã xây dựng và khánh thành bia chiến thắng tại trung tâm thị trấn. Công trình văn hóa này ngoài ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước chống ngoại xâm cho thế hệ hôm nay và mai sau, còn là một địa điểm tôn tạo cho cảnh quan của trung tâm thị trấn Mộc Hóa. Việc tôn tạo di tích lịch sử cách mạng này là biểu hiện của tâm huyết, ý chí và nỗ lực của nhiều thế hệ cách mạng, lãnh đạo, các cấp, các ngành và nhân dân địa phương trong việc tôn vinh truyền thống cách mạng và tri ân các thế hệ đi trước hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, góp phần giáo dục truyền thống, tạo nên bộ mặt văn hóa ở vùng biên huyện Mộc Hóa - Kiến Tường, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH ở địa phương.
Phát huy hào khí chiến thắng trận Mộc Hóa, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ địa phương, Mộc Hóa - Kiến Tường khắc phục khó khăn, thử thách, phát huy lợi thế, tiềm năng, đạt những thành tựu quan trọng trên tất cả lĩnh vực. KT-XH huyện có nhiều chuyển biến tích cực và trở thành một trong những địa phương, đơn vị dẫn đầu trong phong trào phát triển KT-XH của tỉnh. Liên tục trong 10 năm, Mộc Hóa được UBND tỉnh tặng cờ thi đua, 4 năm liền (từ 2007 đến 2011) được Chính phủ tặng thưởng cờ “Đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua”, năm 2005 được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì và năm 2011 được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất; huyện có 2 Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, 6 chiến sĩ thi đua toàn quốc, 51 lượt tập thể và 62 lượt cá nhân được khen thưởng thành tích bậc cao. Năm 2013, cán bộ và nhân dân Mộc Hóa - Kiến Tường vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động của Chủ tịch nước phong tặng. Việc điều chỉnh địa giới hành chính (18/3/2013) mở ra cho thị xã Kiến Tường và huyện Mộc Hóa hôm nay những điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển, nhất là về cơ cấu lại nguồn nhân lực, quy hoạch sản xuất nông - lâm nghiệp, giữ vững an ninh lương thực và bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển đô thị, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa, tăng cường hoạt động thương mại - du lịch, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn và an ninh chính trị nơi vùng biên giới của Tổ quốc.
Trong hướng phát triển chung ấy, những năm qua, cùng với việc tôn tạo di tích, các hoạt động sinh hoạt truyền thống, về nguồn, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu trên các phương tiện truyền thông,... được tăng cường, tác động tích cực đến cộng đồng, được mọi người biết đến nhiều hơn để tìm về nơi đây như là một địa chỉ quan trọng của Long An. Tuy nhiên, di sản văn hóa ở Kiến Tường, Mộc Hóa chưa được tôn vinh đúng với tầm vóc, ý nghĩa của nó, mà ý tưởng Tượng đài chiến thắng trận Mộc Hóa chỉ còn đang giai đoạn chủ trương. Các di sản khác cần được kết nối với các di tích “vệ tinh” của khu vực Đồng Tháp Mười trong mối quan hệ gắn bó mật thiết về cả ý nghĩa lịch sử trong quá khứ và phát huy, khai thác tiềm năng KT-XH trong hiện tại và tương lai.
Hiện nay, chúng ta đang triển khai Chương trình số 13-CTr/TU, ngày 16/5/2017 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, những giá trị văn hóa ở Mộc Hóa, Kiến Tường cần được tiếp cận ở góc độ đa chiều nếu muốn nơi đây trở thành điểm đến. Phải chăng chúng ta vẫn chưa đặt nó trong không gian lịch sử - văn hóa vùng Đồng Tháp Mười (thậm chí trong sự liên kết với các địa phương ngoài tỉnh có không gian văn hóa, sinh thái tương đồng) để từ đó, các nhà chuyên môn về du lịch kết nối vào các tour, tuyến,...? Phải chăng chúng ta vẫn chưa kết hợp giá trị văn hóa vật thể này với các giá trị văn hóa phi vật thể khác có mối liên hệ cùng tồn tại và đặt nó trong không gian văn hóa đặc thù của vùng đất này mà quá trình ứng xử, thích nghi của con người với môi trường thiên nhiên nơi đây tạo ra yếu tố văn hóa đặc trưng, biểu hiện ở văn nghệ dân gian, văn hóa ẩm thực, nghề truyền thống,... để khai thác, hình thành sản phẩm du lịch,...? Cửa khẩu Bình Hiệp được công nhận là cửa khẩu quốc tế đã đánh thức sự phát triển kinh tế cửa khẩu kéo theo du lịch, phải chăng đây là cơ hội để kết nối di sản văn hóa địa phương vào tour, tuyến, điểm du lịch cửa khẩu, mở ra cơ hội cho di tích ở đây trở thành điểm đến? Cuối cùng, trong công tác xã hội hóa, phải chăng chúng ta chưa mời gọi hiệu quả các nhà đầu tư; chưa cho họ thấy được tiềm năng của những giá trị văn hóa để khai thác du lịch...? Cách tiếp cận phải chủ động hơn và cần có giải pháp hiệu quả để công chúng đến với địa phương nhiều hơn trong điều kiện cạnh tranh ngày nay.
Thay lời kết
Gần ba phần tư thế kỷ trôi qua nhưng hào khí chiến thắng trận Mộc Hóa vẫn còn vang vọng như bản anh hùng ca bất tử với những tấm gương chiến đấu và hy sinh tràn đầy tinh thần yêu nước, khát khao lý tưởng và nhiệt huyết cách mạng của những người cộng sản vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tinh thần ấy, khí phách ấy mãi mãi xứng đáng để chúng ta ngưỡng mộ, học tập và noi theo. Hào khí ấy mãi mãi được tôn vinh.
Thế hệ đi trước đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Tôn vinh tinh thần yêu nước và cách mạng, giá trị di sản tinh thần của cha ông trong điều kiện hội nhập và phát triển để kế thừa và phát huy sức mạnh từ quá khứ, tạo nền tảng tinh thần vững chắc, làm động lực cho mục tiêu phát triển bền vững của vùng đất xung yếu về quốc phòng, an ninh này của Tổ quốc là trách nhiệm của thế hệ hôm nay. Tự hào lịch sử hào hùng, Đảng bộ và nhân dân địa phương tiếp tục phát huy hào khí ấy lên tầm cao mới./.
ThS. Nguyễn Tấn Quốc