Tiếng Việt | English

26/05/2017 - 17:25

Kỷ niệm 76 năm Ngày hy sinh của Bà "Hoàng hậu đỏ" - Nguyễn Thị Bảy

Ngày 26/5, Đảng ủy, HĐND, UBND thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An tổ chức lễ dâng hương kỷ niệm 76 năm Ngày hy sinh của Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Thị Bảy (26/5/1941-26/5/2017).


Các đại biểu dâng hương Kỷ niệm 76 năm Ngày hy sinh của Bà "Hoàng hậu đỏ" - Nguyễn Thị Bảy

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - Trần Văn Năm, cùng đại diện lãnh đạo UBND huyện Cần Giuộc, UBND huyện Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang), gia đình đồng chí Nguyễn Thị Bảy và nhân dân trên địa bàn thị trấn đến dự.

Tại buổi lễ, Quyền Bí thư Đảng ủy thị trấn Cần Giuộc – Hoàng Văn Long phát biểu ôn lại thân thế, sự nghiệp đồng chí Nguyễn Thị Bảy trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đồng chí Nguyễn Thị Bảy (SN 1909), tại làng Vĩnh Hựu, tổng Hòa Đồng Trung, quận Gò Công, nay thuộc xã Long Vĩnh, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang.

Sớm giác ngộ cách mạng, năm 1932, đồng chí Nguyễn Thị Bảy trở thành nữ đảng viên cộng sản đầu tiên được kết nạp Đảng tại Chi bộ làng Phước Lại, quận Cần Giuộc và được phân công gầy dựng cơ sở cách mạng, tổ chức đấu tranh tại vùng Phước Lại, Phước Vĩnh Đông, Long Hậu Tây.

Năm 1936, đồng chí được phân công làm Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Chợ Lớn, Bí thư Quận ủy Cần Giuộc. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, phong trào đấu tranh của nhân dân Cần Giuộc phát triển mạnh mẽ khắp quận làm cho kẻ địch vô cùng khiếp sợ. Ngày 14/02/1940, sau khi tước súng của tên tề gian Hương Chánh Gần, đồng chí bị địch bắt. Trong tù, đồng chí Nguyễn Thị Bảy cùng đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tiếp tục lãnh đạo các chị em nữ tù đấu tranh quyết liệt khiến địch vô cùng khiếp sợ phải tôn đồng chí là “Bà hoàng hậu đỏ”.

Ngày 26/5/1941, tại sân banh Cần Giuộc, thực dân Pháp tử hình đồng chí Nguyễn Thị Bảy và 4 đồng chí khác. Trước phút hy sinh, đồng chí Nguyễn Thị Bảy từ chối không cho bịt mắt, hướng về đông đảo nhân dân, đồng chí kêu gọi: “Hãy tiếp tục đấu tranh, đánh đuổi được thực dân Pháp thì dân cày mới có ruộng. Khởi nghĩa lần này thất bại, lần sau sẽ thành công…”. Dù hy sinh nhưng tinh thần cách mạng bất diệt của đồng chí vẫn còn đó và được thế hệ sau tiếp tục.

Ghi nhận công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Thị Bảy, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng đồng chí danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” vào ngày 23/02/2010 và truy tặng danh hiệu Nhà nước “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng” vào ngày 05/6/2015./.

Phương Cảnh – Thất Huy

Chia sẻ bài viết