Kỳ thị gây mặc cảm đối với người nhiễm HIV
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An, đến nay, toàn tỉnh có 4.709 người nhiễm HIV (1.548 người tử vong), có 2.783 người được cấp thuốc điều trị ARV. Số bệnh nhân (BN) chưa điều trị ARV là nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng. Trong đó, kỳ thị là một trong những nguyên nhân khiến người nhiễm HIV e ngại, không dám đến các cơ sở y tế để được điều trị.
Khi tiếp xúc bệnh nhân, cán bộ y tế cần thấu hiểu để người nhiễm HIV sẵn sàng điều trị ARV sớm, giúp giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng
Theo bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thanh Liêm - cán bộ tư vấn lâm sàng Tổ chức Hợp tác phát triển y tế Việt Nam (HAIVN), sự kỳ thị và phân biệt đối xử ảnh hưởng nặng nề đến “người có H”. Lo ngại bị kỳ thị, người thuộc nhóm nguy cơ cao sẽ không dám xét nghiệm; nếu kết quả dương tính, họ sẽ trốn tránh điều trị. Ngoài ra, kỳ thị còn ảnh hưởng đến tinh thần của người nhiễm, họ luôn cảm giác mặc cảm, phải chạy trốn số phận và không dám chia sẻ với gia đình, người thân. Phải hiểu rằng, HIV không dễ lây như một số bệnh khác; do đó, khi tiếp xúc BN, cán bộ y tế cần thấu hiểu để người nhiễm HIV sẵn sàng điều trị ARV sớm, giúp giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
Sự kỳ thị từ gia đình, bạn bè, cán bộ y tế,... gây tổn thương tâm lý đối với người nhiễm HIV. BN (sinh năm 2002) chia sẻ: “Tôi phát hiện mình nhiễm HIV do lây nhiễm từ bạn trai vào đầu năm 2019. Thời gian đầu, tôi rất buồn và sốc nên chia sẻ với một người bạn thân. Người bạn ấy không hiểu rõ về căn bệnh này và dần xa lánh mình. Tôi cảm thấy rất buồn và mặc cảm. Sau này khi hiểu rõ về HIV/AIDS, bạn đã cư xử bình thường với tôi. HIV không còn đáng sợ vì khi được điều trị ARV, chúng tôi vẫn có cuộc sống khỏe mạnh như người bình thường. Giờ đây, mọi người đã dần cởi mở hơn, chỉ có một số ít người chưa thực sự hiểu về HIV nên còn phân biệt đối xử đối với “người có H””.
Mở lòng với người nhiễm HIV
Tháng 01/2017, Bộ Y tế ban hành Chỉ thị 10/CT-BYT về việc tăng cường hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong các cơ sở y tế. Nhằm chống kỳ thị, phân biệt đối xử, thời gian qua, tỉnh tăng cường công tác truyền thông, gần đây nhất là khóa tập huấn do các giảng viên từ tổ chức HAIVN chia sẻ với nhiều nội dung thiết thực, cụ thể, giúp nâng cao nhận thức và thay đổi thái độ đội ngũ cán bộ y tế khi tiếp xúc BN nhiễm HIV.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Long An - Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Linh cho biết, việc kỳ thị, phân biệt đối xử với bệnh nhân HIV là một rào cản khiến bệnh nhân HIV hoặc những người nguy cơ không tiếp cận được các dịch vụ HIV. Do đó, sẽ tiềm ẩn nguồn lây nhiễm trong cộng đồng
Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Thị Nhật Vinh - cán bộ điều phối các hoạt động dự án HAIVN, cho biết: “Chúng tôi có những đánh giá đối với cán bộ y tế và “người có H” về những trải nghiệm kỳ thị, phân biệt đối xử. Qua kết quả gần đây tại một tỉnh thuộc khu vực miền Nam, khi mới đánh giá, có đến 83% cán bộ y tế sợ bị lây nhiễm qua tiếp xúc thông thường. HAIVN chọn những khoa, phòng còn sự kỳ thị cao để truyền thông, tăng kiến thức về sự lây nhiễm, quá trình hồi phục của BN khi sử dụng ARV, kiến thức chuẩn về dự phòng thì cán bộ đã tự tin hơn khi thực hiện các thao tác về y tế đối với BN HIV.
Sau 1 năm đánh giá lại, kết quả đạt rất tốt, cán bộ y tế sợ bị lây nhiễm qua băng bó vết thương hở giảm hẳn, từ 70% còn 35%; sợ bị lây nhiễm HIV qua lấy máu cho người nhiễm HIV giảm từ 77% còn 33%;… Với đánh giá người nhiễm HIV, việc bị cán bộ y tế kỳ thị giảm từ 25% xuống còn 10 - 11% tùy theo từng chỉ số. Đây là những kết quả đáng phấn khởi, cho thấy khi tăng cường truyền thông, can thiệp sẽ giảm đáng kể phân biệt đối xử tại các cơ sở y tế”.
Thời gian qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Long An tăng cường công tác truyền thông, giúp nâng cao nhận thức và thay đổi thái độ đội ngũ cán bộ y tế khi tiếp xúc bệnh nhân nhiễm HIV
Quả thật, việc mở lòng, thái độ niềm nở của cán bộ y tế sẽ giúp người nhiễm HIV tự tin hơn, không còn mặc cảm để không bỏ lỡ cơ hội điều trị ARV. Khi tiếp cận điều trị thì cũng sẽ duy trì lâu dài, không bỏ cuộc giữa chừng. Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Linh cho biết: Tại Long An, những năm gần đây, vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử trong HIV/AIDS đã giảm đáng kể.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu định tính của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, tình trạng này vẫn còn dù không nghiêm trọng. Đối với BN, bản thân họ có sự tự kỳ thị khi nghĩ rằng mình bị nhiễm HIV là do cách sống không lành mạnh. Do đó, họ mặc cảm và thiếu tự tin. Với những cán bộ y tế làm công tác phòng, chống HIV/AIDS nhiều năm thì việc tiếp xúc BN HIV là bình thường. Tuy nhiên, với những cán bộ y tế ở lĩnh vực khác, một số ít vẫn có những biểu hiện dè dặt hoặc “nhìn bằng ánh mắt khác” khi giao tiếp với người nhiễm HIV, điều này có thể làm BN tổn thương.
Cũng theo Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Linh, việc kỳ thị, phân biệt đối xử với BN HIV là một rào cản khiến BN HIV hoặc những người nguy cơ không tiếp cận được các dịch vụ HIV. Do đó, sẽ tiềm ẩn nguồn lây nhiễm trong cộng đồng. Để giải quyết vấn đề kỳ thị, phân biệt đối xử, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tổ chức truyền thông về hiệu quả điều trị ARV cho nhân viên y tế và người nhiễm HIV. Nếu BN điều trị tốt sẽ đạt tải lượng virút dưới 200 bản sao/ml (Không phát hiện = Không lây truyền (K=K)), nghĩa là bệnh nhân không còn là nguồn lây nhiễm cho người khác qua quan hệ tình dục và sống khỏe mạnh như mọi người. Bên cạnh đó, để giảm kỳ thị, phân biệt đối xử, Trung tâm nỗ lực triển khai nhiều hoạt động nâng cao nhận thức cho cán bộ y tế, từng bước thay đổi thái độ ứng xử đối với “người có H”.
Để bảo đảm quyền lợi, giúp “người có H” hòa nhập cộng đồng và tiếp cận điều trị thuốc ARV sớm, cần tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về hiệu quả điều trị ARV trong cộng đồng, có như thế thái độ kỳ thị và phân biệt đối xử với “người có H” sẽ không xảy ra. Khi được đối xử bình đẳng, tôn trọng, người nhiễm HIV sẽ tự tin xét nghiệm và tiếp nhận điều trị, có cuộc sống hạnh phúc, ý nghĩa, từ đó, tạo điều kiện kiểm soát nguy cơ lây nhiễm, tiến tới đạt mục tiêu chiến lược quốc gia chấm dứt đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030./.
Phát hiện K=K (Không phát hiện = Không lây truyền) là phát hiện rất quan trọng, nó giúp cho:
Người chưa có HIV:
- Tăng cường đi xét nghiệm HIV sớm hoặc xét nghiệm định kỳ để nếu có HIV sẽ được điều trị ARV sớm giúp đạt được tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện.
- Không kỳ thị với những người có HIV vì dù một người có HIV nhưng nếu được điều trị ARV và đạt tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện, họ vẫn sống khỏe mạnh và không làm lây truyền HIV cho người khác qua đường tình dục.
- Không lo sợ lây nhiễm HIV từ bạn tình có HIV nếu họ đã được điều trị ARV và có tải lượng virút dưới ngưỡng phát hiện.
Người có HIV:
- Tiếp cận điều trị ARV sớm để đạt được tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện.
- Tuân thủ điều trị theo chỉ dẫn của thầy thuốc.
- Không tự kỳ thị, vì người có HIV vẫn sống khỏe mạnh và không làm lây truyền HIV cho người khác qua đường tình dục.
- Xét nghiệm tải lượng HIV định kỳ để biết tải lượng HIV của mình có ở mức “dưới ngưỡng phát hiện” không và cũng là để biết kết quả điều trị HIV.
- Tham gia bảo hiểm y tế để điều trị ARV liên tục, lâu dài.
Cán bộ y tế:
- Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người có HIV.
- Biết được hiệu quả điều trị ARV của người bệnh.
- Tư vấn cho người có HIV và bạn tình của họ về tầm quan trọng của điều trị ARV và tuân thủ điều trị.
Cộng đồng:
- Biết lợi ích điều trị của ARV.
- Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người có HIV.
- Truyền tải thông điệp về lợi ích của điều trị ARV và tuân thủ điều trị trong cộng đồng và cho nhóm đối tượng đích.
|
Phạm Ngân