Theo các chuyên gia, sử dụng ATM nên đăng ký dịch vụ thông báo số dư qua tin nhắn để an toàn - Ảnh: Quang Định
Anh N.S.T. và chị N.T.T. tá hỏa khi gần 200 triệu đồng trong hai thẻ ATM của vợ chồng bỗng dưng “bốc hơi” và chỉ được phát hiện khi vợ chồng anh T. kiểm tra tiền trong tài khoản vào kỳ lương tháng 7-2016.
Do không đăng ký dịch vụ thông báo qua tin nhắn, đến kỳ nhận lương hằng tháng vợ chồng anh mới đem thẻ đến trụ ATM kiểm tra, sau đó đem về cất vào tủ khóa lại. Trong kỳ trả lương tháng 7, vợ chồng anh ra ATM kiểm tra mới phát hiện cả hai thẻ đều có số dư bằng 0.
Trong những vụ việc thế này, ngân hàng liệu có đứng về phía khách hàng?
Người sử dụng các dịch vụ của ngân hàng như thẻ ATM, thẻ tín dụng hay giao dịch qua Internet (Internet banking) phải làm gì để bảo vệ tài sản của mình?
Nên dùng thẻ ATM để thanh toán trong nước
Trường hợp giao dịch qua mạng Internet (Internet banking), theo chuyên gia an ninh mạng Võ Đỗ Thắng, những thanh toán trong nước chỉ nên xài thẻ ATM chứ không nên xài thẻ tín dụng quốc tế (Visa card, Mastercard, JCB).
“Dùng thẻ ATM nội địa để thanh toán các dịch vụ qua mạng là phương pháp tốt hơn vì loại thẻ này có tính bảo mật khá cao, khi thực hiện các giao dịch trực tuyến thì hầu hết đều yêu cầu xác thực OTP (One Time Password - mật khẩu sử dụng một lần).
Mã OTP là mã được các hệ thống thanh toán online mặc định gửi đến người dùng qua tin nhắn hoặc email để nhập vào trong thời gian thực hiện giao dịch nhằm mục đích đảm bảo sự bảo mật một cách tối đa) - ông Võ Đỗ Thắng nói.
Theo ông Võ Đỗ Thắng, thẻ tín dụng có chức năng thanh toán quốc tế có nguy cơ mất an toàn cao hơn rất nhiều.
Thứ nhất, loại thẻ này không có tính năng xác thực OTP. Thứ hai, mật mã thẻ (số PIN) hầu như không thay đổi.
Thêm vào đó còn được in công khai trên thẻ, kẻ gian nếu đánh cắp được thẻ là hoàn toàn có thể thực hiện được các giao dịch qua mạng, cũng không ai truy vấn được các giao dịch này được thực hiện ở đâu, khi nào.
Riêng đối với thẻ ATM trong nước, theo chuyên gia Võ Đỗ Thắng, ngân hàng có thể dễ dàng truy vấn được lịch sử giao dịch, nếu xảy ra trường hợp mất tiền có thể biết được mất trong giao dịch gì, ở cây ATM nào.
Nếu mất tiền do lỗi của nhân viên ngân hàng cũng vẫn có thể truy ra được.
Ông Thắng cũng cho biết thêm thẻ ATM thường chỉ mất tiền trong trường hợp khách hàng không bảo vệ tốt thông tin thẻ. Người đánh cắp tiền trong tài khoản ATM thường rút trộm ở những cây ATM chứ không phải trực tuyến.
“Cách thức các đối tượng thường sử dụng để lấy cắp tiền trong thẻ ATM là làm thẻ giả. Việc sao chép thẻ hiện nay diễn ra rất nhanh chóng và dễ dàng, kẻ lấy cắp chỉ cần tìm cách biết được mật khẩu là đã có thể lấy cắp tiền” - ông Thắng nói.
Ngân hàng trợ giúp khách hàng ra sao?
Chuyên gia ngân hàng, PGS.TS Phan Thị Thu Hà cho biết trong những trường hợp khách hàng tự dưng bị mất tiền thì sau khi thông báo với ngân hàng và khóa tài khoản, ngân hàng cũng không thể trả ngay tức khắc vì chưa thể xác minh được mất vì lý do gì, ai rút (giả sử khách hàng cho bạn bè mượn, cho người thân rút hoặc làm lộ mật khẩu,…).
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, sau khi được thông báo về các giao dịch bất thường, ngân hàng sẽ tiến hành điều tra. Sau khi kết quả điều tra cho thấy khách hàng không thực hiện giao dịch thì ngân hàng sẽ trợ giúp khách hàng tìm những biện pháp pháp lý để lấy lại tiền.
“Tuy nhiên việc này là rất khó khăn, còn tùy vào sự hỗ trợ của mỗi ngân hàng, nhiều trường hợp khách hàng phải chịu mất tiền, một số trường hợp ngân hàng sẽ có cách hỗ trợ” - ông Nguyễn Trí Hiếu nói.
Do đó, các chuyên gia cho rằng tốt nhất là khách hàng nên tự tìm cách bảo vệ mình trước.
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, việc chậm trễ phát hiện mất tiền do không đăng ký dịch vụ SMS Banking (nhắn thông tin giao dịch qua điện thoại ngay khi vừa thực hiện giao dịch) là một bất lợi cho khách hàng.
“SMS Banking là cách bảo vệ rất hữu hiệu vì ngay khi phát hiện giao dịch bất thường, khách hàng có thể thông báo ngay với ngân hàng để khóa tài khoản, ngăn việc bị mất thêm tiền.
Các ngân hàng có thể miễn phí dịch vụ SMS bằng cách thu phí ở những mảng khác để bù lại. Để tự bảo vệ mình thì việc khách hàng bỏ ra một chi phí hợp lý cho những dịch vụ này cũng là cần thiết” - ông Nguyễn Trí Hiếu nói.
Bảo mật tài khoản thế nào?
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng người dùng thẻ ATM cần lưu ý luôn giữ thẻ bên mình hoặc ở một nơi kín đáo để không ai khác sử dụng được.
Thêm vào đó, nên cẩn trọng về độ bảo mật của mật khẩu vì đây là chìa khóa để truy cập vào tài khoản, không nên viết mật khẩu ở chỗ người khác có thể thấy được.
“Ít người thường xuyên thay đổi mật khẩu vì mất thời gian, lại khó nhớ, trường hợp có nhiều thẻ ngân hàng lại càng phức tạp, tuy vậy vẫn nên lưu ý thay đổi mật khẩu ba tháng một lần.
Cũng không nên sử dụng những thông tin cơ bản như ngày tháng năm sinh, số điện thoại… để làm mật khẩu. Ngoài ra nhiều người vẫn có thói quen viết mật khẩu lên thẻ ATM, đặc biệt là những người lớn tuổi, tuy nhiên điều này là tuyệt đối cấm kỵ” - ông Nguyễn Trí Hiếu nói.
Hacker quốc tế “chuộng” credit card Theo chuyên gia an ninh mạng Võ Đỗ Thắng, các hacker quốc tế thường rất “chuộng” lấy cắp tiền từ thẻ tín dụng quốc tế (credit card) vì không những dễ đánh cắp thông tin mà còn khó bị phát hiện do hacker có thể dùng ở bất kỳ quốc gia nào. Việc xác minh, kiện cáo lại rất vất vả và tốn thời gian. Vì thế, theo ông Võ Đỗ Thắng, người có nhu cầu thanh toán quốc tế nên dùng thẻ ghi nợ (debit card) thay vì thẻ tín dụng Điểm khác biệt giữa hai loại thẻ này là đối với thẻ tín dụng dù trong tài khoản không còn tiền, người dùng vẫn được thanh toán ở một hạn mức nhất định, còn đối với thẻ ghi nợ, người dùng chỉ được thanh toán trong giới hạn số tiền có trong tài khoản. “Nên sử dụng debit card để dễ dàng kiểm soát số tiền trong tài khoản, nếu có mất tiền thì chỉ mất trong giới hạn số tiền mình có” - ông Thắng nói. |
Theo tuoitre.vn