Tiếng Việt | English

13/01/2016 - 10:58

Làm sao để chọn được thực phẩm an toàn?

Mỗi dịp tết đến, thị trường hoa quả, bánh mứt, thịt, rượu,… lại sôi động hơn bao giờ hết và đi liền với đó là nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Phóng viên (PV) Báo Long An có cuộc trao đổi với Chi Cục trưởng Chi cục ATVSTP - Dược sĩ Phạm Văn Đấu về hoạt động kiểm tra cũng như mức xử phạt khi vi phạm ATVSTP và cách lựa chọn sản phẩm an toàn trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016.


Người tiêu dùng cần lựa chọn các thực phẩm tại các cơ sở có uy tín, thực phẩm đã được kiểm định, có nguồn gốc rõ ràng để bảo vệ sức khỏe của mình

PV: Thưa ông, xin ông cho biết những hoạt động của ngành chức năng nhằm bảo đảm ATVSTP trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016?

Ông Phạm Văn Đấu: Hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh đang tập trung sản xuất với số lượng thực phẩm lớn phục vụ thị trường tết. Bên cạnh các cơ sở tuân thủ nghiêm những quy định về ATVSTP, vẫn còn một số nơi nhập thực phẩm bẩn về chế biến. Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo ATVSTP Trung ương ban hành văn bản chỉ đạo kế hoạch bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.

Mục tiêu chung của Trung ương đề ra là giảm 10% số vụ ngộ độc thực phẩm - so với cùng kỳ năm 2015; thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tăng số cơ sở được kiểm tra 10% so với năm 2015. Đồng thời, huy động tối đa các kênh thông tin, tuyên truyền các quy định về ATVSTP đến tận các xã, phường, thị trấn. Qua đó, giúp người dân nâng cao kiến thức lựa chọn, chế biến, sử dụng và bảo quản thực phẩm. Đồng thời, chi cục sẽ gửi văn bản đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh, về trực quan, thì có các khẩu hiệu truyền thông về ATVSTP.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Long An sẽ có 3 đoàn liên ngành (Y tế, Nông nghiệp và Công Thương) tổ chức kiểm tra tuyến tỉnh; ngoài ra, Trung ương có đoàn liên ngành Trung ương (số 5) tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở TP.HCM và Long An. Song song đó, có 15 đoàn liên ngành cấp huyện và 192 đoàn liên ngành xã, phường, thị trấn kiểm tra về ATVSTP trong dịp tết.

Các đoàn kiểm tra kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm về ATVSTP theo đúng quy định của pháp luật, tuyệt đối không để sản phẩm không bảo đảm an toàn, không rõ nguồn gốc, không đúng quy định về ghi nhãn hoặc các vi phạm khác lưu thông trên thị trường; không để các sản phẩm quảng cáo không đúng quy định tiếp tục lưu hành; không để các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống không bảo đảm ATTP tiếp tục hoạt động khi chưa thực hiện các biện pháp khắc phục có hiệu quả. Trong thời gian kiểm tra, xử lý vi phạm, khi cần thiết, đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP tỉnh có thể chuyển hồ sơ vi phạm cho cơ quan chức năng của địa phương, nơi có cơ sở được kiểm tra để xử lý theo quy định.

PV: Xin ông chia sẻ thêm một số hình thức xử phạt đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm về ATVSTP?

Ông Phạm Văn Đấu: Thực hiện Nghị định 178 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP có một số khung xử phạt như: Phạt tiền từ 80%-100% tổng giá trị thực phẩm - tại thời điểm vi phạm cơ sở sử dụng sản phẩm động vật không qua kiểm tra thú y - nhưng số tiền xử phạt không quá 100 triệu đồng; phạt từ 30 - 50 triệu đồng đối với hành vi sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ; phạt 70 - 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi như sử dụng nguyên liệu không thuộc loại dùng làm thực phẩm, sử dụng động vật mắc bệnh truyền nhiễm, động vật chết hay sử dụng nguyên liệu có chứa tạp chất không an toàn đưa vào sản xuất thực phẩm.

Tại điều 6 của Nghị định 178 còn quy định phạt 30-40 triệu đồng khi sử dụng chất phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm ngoài danh mục cho phép; phạt tiền 40 - 50 triệu khi sử dụng phụ gia, chất hỗ trợ chế biến không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

PV: Ông có thể chia sẻ một số biện pháp lựa chọn thực phẩm an toàn?

Ông Phạm Văn Đấu: Chủ đề ATTP trong năm 2016 là bảo đảm ATTP cho người tiêu dùng, nhưng nhấn mạnh, sử dụng thực phẩm động vật không có chất cấm, thực vật không có tồn dư chất bảo vệ thực vật, những sản phẩm khác sử dụng chất phụ gia để hỗ trợ chế biến đúng danh mục Bộ Y tế cho phép. Cũng như thường niên, mỗi khi tết đến thì những mặt hàng chủ lực thường là bánh, mứt, kẹo, hạt dưa và một số loại thịt, chả, lạp xưởng,…

Đối với mặt hàng bánh, kẹo, mứt, hạt dưa, chúng ta lựa chọn bằng cách xem kỹ sản phẩm có số công bố sản phẩm, có hạn sử dụng, xem bao bì có bị rách không. Đặc biệt, chúng ta cần quan sát màu sắc sản phẩm xem là màu công nghiệp hay màu thực vật. Đối với màu công nghiệp là màu có chứa kim loại nặng nên độc hại và có thể gây ung thư hoặc các bệnh mãn tính. Màu công nghiệp khi bị dính nước sẽ không hòa tan, còn màu thực vật thì có thể hòa tan với nước. Vì vậy, khi lựa chọn chúng ta cần lưu ý.

Đối với thịt heo, chúng ta quan sát và chọn thịt có màu hồng nhạt đến đỏ đậm, thớ thịt săn chắc, đường cắt mặt thịt khô ráo, phần mỡ có màu trắng. Đối với thịt bò, phải lựa thịt có màu đỏ tươi chứ không phải đỏ đậm và độ đàn hồi tốt, mỡ thịt màu vàng nhạt. Riêng thịt gà, vịt, khi chọn gà, vịt làm sẵn, ta nên dốc ngược gà, vịt lên thấy bị thay đổi hình dáng thì xem như gà, vịt bị bơm nước hoặc khi chúng ta dùng tay ấn vào thấy thịt bị nhũn, mềm thì chứng tỏ có bơm nước. Vì vậy, tốt nhất người tiêu dùng nên chọn gà, vịt còn sống và nhờ mổ tại chỗ sẽ an toàn hơn…

Bên cạnh việc các cơ quan chức năng ráo riết vào cuộc thì vấn đề tự ý và đề cao đạo đức của những người sản xuất, kinh doanh là yếu tố vô cùng quan trọng quyết định đến chất lượng sản phẩm. Riêng người tiêu dùng cần lựa chọn các thực phẩm tại các cơ sở có uy tín, thực phẩm được kiểm định, có nguồn gốc rõ ràng để bảo vệ sức khỏe của mình.

PV: Xin chân thành cảm ơn ông!

Ngọc Mận (thực hiện)

Chia sẻ bài viết