Tiếng Việt | English

11/12/2018 - 19:10

Lao động về đâu sau học nghề?

Thời gian qua, Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án 1956) góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo. Song, hoạt động dạy nghề và giải quyết việc làm cho LĐNT sau khi học nghề còn nhiều khó khăn, cần có giải pháp tháo gỡ.

Hiện nay, nghề đan giỏ nhựa cho thu nhập thấp, nguồn hàng không ổn định, người dân không còn “mặn mà” học nghề

Hiện nay, nghề đan giỏ nhựa cho thu nhập thấp, nguồn hàng không ổn định, người dân không còn “mặn mà” học nghề

Theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020”, đối tượng chính của đề án là những người trong độ tuổi lao động, đồng thời tập trung chủ yếu vào đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Song, hầu hết đối tượng này rất khó có việc làm ổn định sau khi học nghề.

Bí thư Đảng ủy xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An - Nguyễn Văn Thực chia sẻ: “Để chuẩn bị mở lớp dạy nghề, xã tổ chức điều tra nhu cầu học nghề tại địa phương. Sau khi có nhu cầu học nghề, xã tổ chức mở lớp dạy nghề. Song, một số người nghèo có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của các cấp, các ngành nên sau khi học nghề vẫn không chăm chỉ làm ăn, từ đó không sống được với nghề đã học”.

Ngoài ra, việc bảo đảm cho người sau khi học nghề có việc làm ổn định đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, các lớp học nghề thường có thời gian học từ 1-3 tháng, quãng thời gian này, các học viên vừa học lý thuyết, vừa thực hành sẽ không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp cũng như chất lượng của các sản phẩm để phục vụ nhu cầu thị trường. Hộ nghèo là đối tượng được ưu tiên trong học nghề, song lực lượng này sau khi được đào tạo gặp khó khăn về vốn và điều kiện cần thiết để mở rộng sản xuất, kinh doanh, trong khi đó, vẫn chưa có cơ chế hỗ trợ vốn cho LĐNT sau khi học nghề. Đầu ra của các sản phẩm nông nghiệp còn bấp bênh, thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định, trong khi người học nghề nông nghiệp lại không có kỹ năng kinh doanh nên chưa biết đưa sản phẩm của mình ra thị trường để tiêu thụ,...

Chủ tịch UBND xã Hậu Thạnh Tây, huyện Tân Thạnh - Nguyễn Văn Sinh cho biết: “Trên địa bàn xã có rất ít doanh nghiệp, người dân sống chủ yếu bằng nghề nông nên việc giải quyết việc làm rất khó khăn. Người học nghề thường không có đất sản xuất nên được hướng theo học nghề phi nông nghiệp (đan giỏ nhựa). Nhưng nghề đan giỏ nhựa nguồn hàng không ổn định, đồng thời thu nhập rất thấp, không đủ trang trải cuộc sống nên người học nghề phải kiếm việc khác mưu sinh”.

Cách đây 2 năm, bà Phạm Thị Em, ngụ ấp Thanh An, xã Hậu Thạnh Tây, huyện Tân Thạnh, được học nghề đan giỏ nhựa. Sau khi học nghề, bà nhận hàng từ một doanh nghiệp ở Tiền Giang về gia công, thu nhập gần 60.000 đồng/ngày. Nhưng 1 năm nay, doanh nghiệp không cung cấp đủ nguyên liệu, do đó, bà tiếp tục đi làm thuê. Bà Em tâm sự: “Học được nghề đan giỏ nhựa, tôi rất mừng. Ban đầu, tôi cũng ham làm nhưng sau này nguồn hàng lúc có, lúc không nên tôi thấy nản và bỏ nghề”.

Bên cạnh đó, việc tìm người học nghề hiện nay cũng rất khó. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước - Nguyễn Anh Tuấn: “Ở địa phương rất khó tập hợp người dân học nghề, bởi những người học nghề là lao động chính trong gia đình, nếu đi học sẽ mất một ngày làm việc, không có tiền trang trải cuộc sống. Còn những người ngoài độ tuổi lao động có nhu cầu học nghề nhưng không thuộc đối tượng của Đề án 1956”.

Một nguyên nhân khác không thu hút được người dân học nghề là việc làm sau khi học nghề có thu nhập rất thấp. Chủ tịch UBND xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh - Đinh Văn Định nói: “Có tay nghề mà làm việc cả ngày thu nhập chưa được 60.000 đồng. Do đó, nhiều người dân không mặn mà với học nghề nên rất khó để mở lớp và thu hút người học nghề”.

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 2016 đến tháng 6/2018, toàn tỉnh đào tạo nghề theo Đề án 1956 được 1.523 lao động. Đây là con số ấn tượng, song số lượng có đi cùng chất lượng hay không đang là vấn đề đáng quan tâm. Thiết nghĩ, các cấp, các ngành cần chung tay để việc đào tạo nghề cho LĐNT ngày càng đi vào chiều sâu, mang lại nhiều lợi ích thiết thực./.

Nhã Lam

Chia sẻ bài viết