Du lịch cộng đồng Cồn Sơn - một trong những điểm du lịch tiêu biểu của Cần Thơ. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)
Sau 6 tháng triển khai thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban Nhân dân 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020-2025, đã có hơn 50 chương trình kích cầu liên kết du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long.
Đây là thông tin được Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh công bố ngày 3/7.
Tạo thuận lợi phát triển du lịch
Nhằm tăng cường sự gắn kết, hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ của các địa phương, thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban Nhân dân 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020-2025 được 14 tỉnh, thành ký kết tháng 12/2019.
Thỏa thuận này còn hướng đến mục tiêu phát huy thế mạnh cạnh tranh của từng địa phương vào việc xây dựng sản phẩm du lịch và thương hiệu du lịch vùng.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương tạo thuận lợi về cơ chế nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của du lịch địa phương trong liên kết, cũng như sức hấp dẫn của du lịch vùng với các quốc gia trong khu vực.
Ghi nhận thực tế cho thấy lần đầu tiên liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng được chính quyền các địa phương ký kết thỏa thuận hợp tác, chỉ đạo sâu sát đã giúp cộng đồng doanh nghiệp dễ dàng hơn trong kết nối và tháo gỡ khó khăn trong triển khai hoạt động.
Doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành đã xây dựng hơn 50 chương trình du lịch kích cầu từ Thành phố Hồ Chí Minh đi đến tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Mặt khác, có năm doanh nghiệp lớn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã khai thác thành công những chương trình tour mới với 50.000 du khách từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Đồng bằng sông Cửu Long; thời gian lưu trú của du khách cũng dài hơn.
Liên kết du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long cũng giúp thu hút được du khách từ miền Bắc và miền Trung đến với vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Cụ thể, khách du lịch đến các tỉnh, thành cụm phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long trong hai tháng không chịu tác động của đại dịch COVID-19 đạt 12,9 triệu lượt người, tăng khoảng 14% so với 2 tháng cùng kỳ; trong đó khách quốc tế đạt 436.890 lượt, khách nội địa đạt 2,7 triệu lượt.
Con số khách quốc tế đến các tỉnh, thành cụm phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạt 289.814 lượt, số lượng khách du lịch nội địa là 9,6 triệu lượt.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh - cho biết để đẩy mạnh kích cầu khách du lịch nội địa đến 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long trong 6 tháng cuối năm 2020, các địa phương sẽ thực hiện 3 chương trình du lịch gồm: Những nẻo đường phù sa, Sắc màu vùng biên, Non nước hữu tình.
Song song đó, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch chung quảng bá giới thiệu du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long.
Các Sở Du lịch địa phương sẽ chủ trì sâu hơn sự kết nối hợp tác giữa doanh nghiệp lữ hành, hàng không và điểm đến để đa dạng gói sản phẩm trọn gói, kích cầu du lịch nội địa, đảm bảo thực chất diễn ra suốt 6 tháng cuối năm 2020.
Cùng với đó, những đơn vị liên quan trong khâu xúc tiến du lịch thực hiện hoạt động kích cầu như một giải pháp khơi gợi mong muốn đi du lịch trở lại của du khách.
Đòn bẩy cho kinh tế địa phương
Liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long có vai trò và ý nghĩa trong phát triển du lịch. Theo đại diện các tỉnh, thành, đây là đòn bẩy cho kinh tế, xã hội địa phương, nhất là trong giai đoạn tập trung kích cầu du lịch nội địa.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cho rằng, việc phát huy có hiệu quả liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long càng có giá trị với ngành du lịch phía Nam khi Thành phố Hồ Chí Minh vừa ký kết liên kết phát triển du lịch với 5 tỉnh vùng Đông Nam Bộ, nối liền 2 vùng kinh tế lớn của phía Nam, kết nối 2 vùng thị trường lớn gần 80 triệu du khách mỗi năm.
Tuy nhiên, để tiếp tục cụ thể hóa những nội dung của thỏa thuận đã ký kết giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long cần đảm bảo phát huy thế mạnh từng địa phương trong liên kết.
Điển hình, hiện nay doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành phải chịu tác động kép - giảm khách và bồi thường một số nhóm chi phí của các tour bị hủy. Ngành lữ hành bị tác động kéo theo sự khó khăn của những dịch vụ khác như vận chuyển, lưu trú...
Trong khi đó, ngành du lịch có hơn 98% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên khả năng tự “chống chọi” khi có rủi ro thấp.
Một số công ty có lượng khách và doanh thu giảm 95-100% so với cùng kỳ năm nước; nhiều doanh nghiệp phải chuyển loại hình kinh doanh hoặc đóng cửa.
Báo cáo của Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra rằng trước thực trạng thị trường du khách quốc tế còn chưa “mở” thì lúc này chính là thời điểm “vàng” cho sự đầu tư, phát triển thị trường du khách nội địa.
Thị trường khách nội địa vẫn chiếm 2/3 số du khách đến thành phố hằng năm và là thị trường trọng điểm của các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong cơ cấu tổng thu từ khách du lịch đến Thành phố Hồ Chí Minh năm 2019, mặc dù chi tiêu khách quốc tế bằng 1,8 lần chi tiêu của khách nội địa nhưng thu từ khách du lịch nội địa chiếm gần 60% trong tổng thu từ khách du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh. Đối với du lịch 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long thì đây vẫn là nguồn thu chính.
Theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long với lợi thế thỏa thuận liên kết, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa dòng khách hai chiều.
Nếu làm bài toán hoán đổi, 1/3 của 10 triệu dân Thành phố Hồ Chí Minh về du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long và ngược lại 1/3 của 20 triệu dân của 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đến du lịch ở Thành phố Hồ Chí Minh, sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn trước mắt của doanh nghiệp, xóa bỏ dần tâm lý e ngại du lịch của người dân.
Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh xác định là cửa ngõ du lịch, cần có các sản phẩm để “hút” dòng khách từ các tỉnh, thành khác đến trải nghiệm tour du lịch liên kết từ thành phố về Đồng bằng sông Cửu Long./.
Theo TTXVN