Tiếng Việt | English

22/08/2015 - 04:39

Liên kết làm công nghiệp hỗ trợ có hấp dẫn doanh nghiệp?

Quy mô liên kết doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản trong phát triển công nghiệp hỗ trợ còn quá nhỏ, chưa đạt kết quả như mong muốn.

Chiến lược Công nghiệp hóa Việt Nam-Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 1/7/2013. Chiến lược coi trọng liên kết doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ ở 6 ngành ưu tiên phát triển gồm: Điện tử, ô tô, máy nông nghiệp, chế biến nông thủy sản, đóng tàu, môi trường và tiết kiệm năng lượng, nhằm tạo dựng và củng cố mối liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam.

Đánh giá về quá trình hợp tác, triển khai Chiến lược, ông Toma Masaaki, Tham tán, Đại sứ quán Nhật bản tại Việt Nam hài lòng cho biết, đến nay Việt Nam và Nhật Bản đã tổ chức được 24 cuộc họp của các tiểu ban có liên quan, kết quả đã đưa ra được một số kế hoạch hành động cụ thể trong từng lĩnh vực.

Trong các kế hoạch hành động cụ thể, Việt Nam và Nhật Bản đã đề cập đến các giải pháp và biện pháp cụ thể để phát triển 6 lĩnh vực ưu tiên. Cụ thể là đã đề ra các chính sách về ưu đãi thúc đẩy đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, thực hiện các dự án thí điểm…

“Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã có sự hợp tác chặt chẽ với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) triển khai nhiều dự án cụ thể như: Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin; Trong công nghiệp đóng tàu, Nhật Bản cũng nỗ lực tìm kiếm các doanh nghiệp Nhật Bản có kĩ thuật cao có sự quan tâm tới ngành công nghiệp đóng tàu của Việt Nam. Ngoài ra Nhật Bản còn tích cực hỗ trợ hợp tác cũng Việt Nam trong công nghiệp chế biến nông sản”, ông Toma Masaaki cho biết.

Liên kết doanh nghiệp trong phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam mới chỉ đạt được kết quả khiêm tốn. (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên, ông Toma Masaaki cũng vẫn hy vọng nhiều trong thời gian tới, Việt Nam sẽ triển khai các biện pháp thích hợp để có thể cụ thể hóa các kế hoạch hành động cho chiến lược công nghiệp hóa. Theo đó, kế hoạch hành động không chỉ dừng lại ở mức độ thảo luận cấp Trung ương, cần phải tính đến việc thực thi tại các địa phương, các doanh nghiệp, tạo điều kiện để tất cả các bên liên quan đều có thể nắm được và thực thi đối với các kế hoạch hành động này.
Liên kết doanh nghiệp là không có phân biệt đối xử

Không cùng chung nhận định về liên kết doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ ở 6 ngành ưu tiên trong hợp tác công nghiệp Việt Nam - Nhật Bản, Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, phía Nhật Bản mặc dù rất quan tâm phát triển công nghiệp cho Việt Nam nói chung cũng như phát triển cho 6 lĩnh vực ưu tiên đã được Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên xét về quy mô và mức độ phát triển công nghiệp hỗ trợ của Nhật Bản tại Việt Nam vẫn chưa đạt được kết quả theo mong muốn. Hiện số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam còn khá nhỏ. Đặc biệt, sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi sản xuất các sản phẩm hỗ trợ cho các ngành công nghiệp rất ít và có thể nói là chưa đáng kể.

“Hiện chúng ta vẫn còn đang hiểu một cách quá đơn giản về mối liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Nhật Bản trong hỗ trợ 6 ngành công nghiệp được ưu tiên phát triển tại Việt Nam. Vấn đề liên kết mới chỉ được hiểu là: Doanh nghiệp Việt Nam sẽ tham gia nhiều hơn với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp Nhật Bản trong việc sản xuất ra các sản phẩm hỗ trợ các ngành công nghiệp do các doanh nghiệp sẽ sản xuất tại Việt Nam”, TS. Vũ Đình Ánh chỉ rõ.

Để tăng cường hơn nữa mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, tính liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Nhật Bản cần phải toàn diện và sâu sắc hơn. Theo đó. doanh nghiệp cần phải được hỗ trợ để phát triển lớn hơn, đặc biệt trong việc xóa bỏ rào cản cũng như phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Nhật Bản trong các ngành công nghiệp.

Qua đó, cần có sự tương tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Nhật Bản trên tất cả các khía cạnh liên quan đến các yếu tố về sản xuất, vốn, lao động, chuyển giao khoa học công nghệ cũng như về thị trường tiêu thụ.

Mặt khác, để tạo điều kiện hỗ trợ chuyển giao công nghệ từ phía các doanh nghiệp Nhật Bản cho doanh nghiệp Việt Nam trong công nghiệp hỗ trợ với 6 lĩnh vực ưu tiên, TS. Vũ Đình Ánh đề xuất Việt Nam phải phát triển thị trường khoa học công nghệ. Từ thị trường này các doanh nghiệp trong nước sẽ có thể mua bán công nghệ với sự tham gia của các doanh nghiệp Nhật Bản. Chính phủ cũng cần có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp Nhật Bản khi họ tham gia vào thị trường khoa học công nghệ.

Chưa thực sự hài lòng với quá trình liên kết doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, theo TS. Vũ Đình Ánh, với các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ hiện hành thì không thể phát triển công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là đối với 6 ngành ưu tiên, càng khó có thể tạo ra liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản như mục tiêu của Chiến lược.

Chính vì điều này, TS. Vũ Đình Ánh mong muốn hệ thống chính sách phát triển công nghệ hỗ trợ cho 6 ngành ưu tiên cần phải được điều chỉnh, có những thiết kế mới để khắc phục những nhược điểm hạn chế vốn có như hiện nay.

Còn theo đại diện các Hiệp hội ngành hàng, Chính phủ cần phải xây dựng chính sách khuyến khích và phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trong đó có việc bảo hộ các sản phẩm trong nước đã sản xuất được, cũng như hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi cho các dự án sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần hoàn thiện những chính sách chung về thương mại, tạo mối liên kết chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp, đặc biệt trong 6 lĩnh vực ưu tiên./. 

Thủ tướng Chính phủ mới quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản đến năm 2020, tầm nhìn 2030 do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải làm Trưởng ban, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Phó Trưởng ban.
Ban Chỉ đạo có trách nhiệm giám sát, kiểm tra và đánh giá hiệu quả việc thực hiện mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp được lựa chọn để tập trung phát triển theo kế hoạch đề ra; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nhằm tháo gỡ các vấn đề về quy định, thủ tục, các vấn đề có tính liên ngành nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư và hoạt động trong các ngành công nghiệp được lựa chọn trong Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030./.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Chia sẻ bài viết