Đường cao tốc Long Thành - Bến Lức mới chỉ thi công được 70% vì còn vướng mặt bằng - Ảnh: Chế Thân - Đồ họa: V.Cường
Dù được bàn giao mặt bằng ngay trong cuối năm 2018 này, cũng phải sớm nhất đến tháng 9 năm sau mới có thể thông xe 20km.
Đã trễ 15 tháng, đường vẫn còn "đứt quãng"
Sáng 06/12, xe chúng tôi đi dọc quốc lộ (QL) 1 đến huyện Bình Chánh, nơi điểm đầu đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đang thi công.
Tại đây, từng đoạn cao tốc đã dần hình thành, những nhịp cầu đang dần được kết nối với tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương (TP.HCM, Long An, Tiền Giang) về các tỉnh miền Tây.
Theo Ban quản lý các dự án đường cao tốc phía Nam, đến nay công trình đã thi công đạt 70% khối lượng, với khoảng 600 kỹ sư và công nhân đang thi công ở 7 gói thầu.
Thế nhưng còn một số đoạn trên tuyến cao tốc này vẫn thi công ì ạch, dang dở vì mặt bằng chưa được bàn giao. Tại nút giao QL1, hương lộ 1 và QL50 nhiều đoạn đường bị đứt quãng, chưa thể đấu nối với nhau.
Hai gói thầu ở huyện Bình Chánh đều đang chậm tiến độ là gói A1 và gói A2-2, vì vẫn còn 26 hộ dân chưa giải tỏa do chưa thỏa thuận được đền bù.
Đã lỗi hẹn 15 tháng, nhưng tuyến cao tốc tỉ đô này vẫn còn ngổn ngang - Ảnh: Chế Thân
Điểm giao giữa QL1 và đường cao tốc Bến Lức - Long Thành được thiết kế là một nút giao thông lớn gồm cầu vượt, hầm chui cho nhiều hướng giao thông, nhưng đã ba năm thi công vẫn chưa xong việc kết nối vì còn vướng 6 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng.
Điểm giao cắt QL 50 với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành thuộc gói thầu A2-2 cũng ngổn ngang do vướng đến 20 hộ dân và chưa giải tỏa các công trình kỹ thuật như điện, nước... mới chỉ đạt 60% tiến độ.
Ông Lê Mạnh Hùng - giám đốc Ban quản lý các dự án đường cao tốc phía Nam - chỉ tay vào bản đồ thiết kế cho biết đây là một nút giao thông có quy mô lớn, bao gồm xây dựng 2 cầu vượt qua QL50 với 4 làn xe.
"Tuy nhiên, đến nay chỉ xây được 1 cầu, còn 1 cầu nữa sẽ tiếp tục khi được bàn giao mặt bằng. Công trình thi công gặp nhiều khó khăn do nền đất yếu.
Theo tiến độ, lẽ ra gói thầu này phải kết thúc vào tháng 9/2018, nay địa phương hứa bàn giao cuối năm 2018 thì dự kiến hoàn thành vào quý 2/2019" - ông Hùng nói.
Cao tốc Bến Lức - Long Thành vẫn đang trong quá trình thi công - Ảnh: Nam Trần
Có mặt bằng, sẽ thông xe trước đoạn 20km
Một cán bộ ban quản lý dự án cho biết nguyên nhân của tình trạng giải tỏa mặt bằng chậm một phần do tranh chấp trong bà con họ hàng của hộ dân, có những hộ đang kiện ra tòa.
Càng chậm giải tỏa, chủ đầu tư và đơn vị thi công đều thiệt hại do phải trang trải thêm các chi phí máy móc, nhân công, chưa kể nỗi lo giá vật liệu tăng sẽ thêm gánh nặng.
Ban quản lý dự án cho biết đã kiến nghị Bình Chánh nhanh chóng giải phóng mặt bằng, triển khai cưỡng chế 15 trường hợp đã có quyết định cưỡng chế, giải quyết các vấn đề khúc mắc để bàn giao mặt bằng trong năm 2018.
Cơ quan này cũng kiến nghị TP.HCM hỗ trợ kinh phí tạm cư cho một số hộ dân theo khuyến cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á, cũng như xử lý các vấn đề còn vướng ở Đồng Nai.
Trong khi Long An đã giải tỏa xong thì TP.HCM vẫn còn vướng 26 hộ còn Đồng Nai vướng đến 182 hộ. Nếu có mặt bằng ngay trong năm nay thì ít nhất cũng phải đến tháng 9/2019 mới thông xe đoạn 20km đầu tiên - Ảnh: Chế Thân
Theo ông Lê Mạnh Hùng, nếu TP.HCM bàn giao mặt bằng sớm, đơn vị này sẽ thông xe trước 20km đoạn cao tốc từ Bến Lức (Long An) đến nút giao thông Nguyễn Văn Tạo (huyện Nhà Bè) vào tháng 9-2019.
Chỉ riêng tuyến 20km này đã rút ngắn đáng kể thời gian xe từ các cảng biển và Khu công nghiệp Hiệp Phước về các tỉnh miền Tây và ngược lại, làm giảm áp lực xe tải lưu thông từ đây vào nội ô.
Riêng 37,8km đoạn cao tốc từ nút giao Nguyễn Văn Tạo đến Long Thành (Đồng Nai) sẽ hoàn thành cuối năm 2020.
Tuyến cao tốc này sẽ nối trực tiếp mạng đường cao tốc - quốc lộ với hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải - Sao Mai-Bến Đình với sân bay Long Thành - Ảnh: Chế Thân
Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 57,8km, có 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100km/h, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 31.320 tỉ đồng (tương đương 1,607 tỉ USD).
Trong đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ 635 triệu USD, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) 634 triệu USD và còn lại là vốn đối ứng của Việt Nam.
|
Ngọc Ẩn - Thu Dung/tuoitre.vn