Tiếng Việt | English

03/10/2019 - 18:41

Long An: Cương quyết xử lý nghiêm việc nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười

Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Trần Văn Cần yêu cầu ngành nông nghiệp phối hợp địa phương đang diễn ra tình trạng nuôi tôm thẻ chân trắng nhanh chóng và cương quyết xử lý, không để xảy ra tràn lan, tránh gây ô nhiễm, tác động xấu đến môi trường.

Người dân khu vực Đồng Tháp Mười "manh nha" nuôi tôm thẻ chân trắng (ảnh minh họa)

Báo cáo tại phiên họp tháng 9/2019, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An - Nguyễn Thanh Truyền cho biết: Hiện nay, người dân vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh đang “manh nha” nuôi tôm thẻ chân trắng. Cụ thể, đến thời điểm này, ghi nhận diện tích thả nuôi gần 37ha, trong đó, huyện Tân Hưng 16,5ha; Vĩnh Hưng 10,6ha; Thạnh Hóa 2ha và Mộc Hóa 7,8ha.

Hiện các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng đã đầu tư ao nuôi, ao lắng. Nguồn nước sử dụng chủ yếu là nước giếng khoan tầng nông, độ mặn 4-6 phần ngàn, quá trình nuôi có sử dụng muối ăn để xử lý mầm bệnh, tăng độ mặn. Hiện tại, các hộ không xả trực tiếp ra môi trường tự nhiên nhưng khu vực xả thải có bờ bao thấp, gia cố sơ xài có thể rò rỉ ra bên ngoài hoặc ngập tràn vào mùa mưa, lũ.

 Chi phí đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng tại khu vực Đồng Tháp Mười lớn, nuôi mật độ cao dễ phát sinh dịch bệnh

Theo ông Nguyễn Thanh Truyền, chi phí đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng tại khu vực Đồng Tháp Mười lớn, nuôi mật độ cao dễ phát sinh dịch bệnh, năng suất trung bình khoảng 10-20 tấn/ha. Phần lớn hộ nuôi không có lợi nhuận, chỉ hòa vốn và lỗ, số hộ có lợi nhuận chỉ là thiểu số. Để đánh giá chính xác hiệu quả, cần có thời gian theo dõi và đánh giá toàn diện.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Truyền lo lắng, bởi từ một số ít trường hợp đạt lợi nhuận cao có thể sẽ bùng phát phong trào đào ao chuyển đổi từ đất lúa sang nuôi tôm thẻ chân trắng hoặc chuyển từ các ao nuôi cá tra giống sang nuôi tôm thẻ chân trắng.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng khu vực Đồng Tháp Mười hiện tại có thể đáp ứng nhu cầu của một số hộ dân, nhưng việc khoan giếng ngầm để lấy nước mặn, bổ sung muối để nuôi tôm và việc xả thải, rò rỉ, ngập tràn nước nhiễm mặn ra các khu vực, thủy vực nước ngọt sẽ tạo rủi ro rất khó lường. Điều này sẽ tác động rất lớn đến môi trường và đa dạng sinh học, gây nhiễm mặn cho vùng nước ngọt, mặn hóa vùng nuôi, ô nhiễm nước ngầm, nếu khai thác quá mức sẽ dẫn đến cạn kiệt nguồn nước ngầm.

Vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần yêu cầu ngành nông nghiệp phối hợp địa phương đang diễn ra tình trạng nuôi tôm thẻ chân trắng nhanh chóng và cương quyết xử lý, không để xảy ra tràn lan, tránh gây ô nhiễm, tác động xấu đến môi trường./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết