Tiếng Việt | English

04/01/2024 - 08:13

Long An sẵn sàng triển khai Đề án 1 triệu hécta lúa chất lượng cao

Là tỉnh có diện tích trồng lúa đứng thứ 4 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Long An đã và đang tích cực triển khai Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hécta lúa chuyên canh chất lượng cao (CLC), phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng ĐBSCL đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án) nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân.

Ứng dụng máy cấy mạ khay vào sản xuất lúa

Hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững

Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân và xuất khẩu, thời gian qua, ngành Nông nghiệp đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, hướng đến sản xuất sạch, thân thiện với môi trường.

Từ năm 2013, tỉnh đã thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

Sau 10 năm thực hiện, ngành lúa gạo của tỉnh đã có sự thay đổi theo hướng tích cực. Những giống lúa có phẩm chất thấp được thay thế bằng giống lúa CLC, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và thế giới.

Đồng thời, tỉnh tập trung phát triển mô hình cánh đồng lớn, từ đó, đã tạo chuyển biến tích cực của thành phần kinh tế hợp tác, góp phần phát triển KT-XH, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng tập trung nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

Ứng dụng máy bay không người lái vào phun xịt, bón phân cho lúa

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản xuất lúa năm 2023 đạt nhiều thắng lợi. Tổng diện tích gieo sạ lúa ước đạt 513.877ha, tăng 4.818ha so cùng kỳ.

Diện tích thu hoạch ước đạt 513.877ha, năng suất ước đạt 59,3 tạ/ha, tăng 3,3 tạ/ha so cùng kỳ; sản lượng ước đạt 3.048.103 tấn, tăng 186.967 tấn so cùng kỳ, trong đó lúa CLC đạt trên 1,8 triệu tấn.

Hiện nay, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Gò Gòn (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng) có 120 thành viên chính thức với tổng diện tích sản xuất nông nghiệp lên đến 564ha.

HTX Nông nghiệp Gò Gòn là đơn vị chủ lực của địa phương về xây dựng cánh đồng lớn, liên kết “4 nhà” (Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông), kết hợp với thực hiện chương trình ƯDCNC để cải thiện tình trạng tổ chức sản xuất vẫn còn mang tính nhỏ, lẻ, phân tán.

Đích đến xuyên suốt quá trình hoạt động của HTX là giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho nông dân và phù hợp với chủ trương của ngành Nông nghiệp đưa ra. Triển khai, thực hiện Đề án là cơ hội vàng cho ngành Nông nghiệp nói chung và HTX nói riêng bởi nông nghiệp sạch, CLC, phát thải thấp là xu hướng hiện nay, khi sản phẩm làm ra phù hợp với nhu cầu thế giới sẽ góp phần khẳng định uy tín, vị thế, giá trị nông sản nói chung, ngành lúa gạo nói riêng.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Gò Gòn - Trương Hữu Trí cho biết: “Đối với sản xuất lúa, bên cạnh hiệu quả từ thay đổi phương thức sản xuất, việc giảm phát thải còn góp phần tăng thu nhập cho nông dân.

Mới đây, trong sự kiện thành lập Hiệp hội ngành hàng lúa gạo, HTX vinh dự tham gia Ban Chấp hành hiệp hội khóa mới, mở ra cơ hội cho HTX tiếp cận các thông tin, chính sách mới và góp phần lan tỏa Đề án”.

Trạm bơm điện của HTX Dịch vụ Thương mại Nông nghiệp Cây Trôm (xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng)

Thời gian qua, HTX Dịch vụ Thương mại Nông nghiệp Cây Trôm (xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng) góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống nông dân từ những chuyển biến trong liên kết canh tác lúa thông minh theo hướng hữu cơ.

Năm 2023, HTX được Trung ương tôn vinh là 1 trong 63 HTX tiêu biểu cả nước; được tỉnh chọn là 1 trong 2 HTX tiêu biểu tiên phong làm điểm của Đề án.

Đưa chúng tôi đi xem hệ thống trạm bơm do HTX tự đầu tư để chủ động nguồn nước sản xuất, Giám đốc HTX Dịch vụ Thương mại Nông nghiệp Cây Trôm - Bùi Văn Tuấn khẳng định, khi đã quen với việc sản xuất an toàn thì HTX sẵn sàng thử nghiệm, thích nghi với những cái mới.

Từ 4-5 năm trước, HTX đã thử nghiệm phương pháp tưới ướt - khô xen kẽ, sử dụng ống cảm biến (AWD TUBE) và trạm điều khiển bơm, nông dân chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh có kết nối Internet là có thể điều khiển từ xa cho hệ thống trạm bơm cấp nước ngọt vào ruộng đúng lúc, đúng thời điểm và tự động hóa.

Qua đó, giúp nông dân tiết kiệm khá lớn lượng nước so với phương pháp tưới tràn trước kia. “Chúng tôi hướng đến mô hình 1 phải, 6 giảm và nếu sản xuất theo tiêu chuẩn mới, bán được tín chỉ carbon, nâng cao giá trị gia tăng từ hạt gạo thì chắc chắn giá trị hạt gạo mang lại sẽ không kém các cây trồng khác” - anh Tuấn chia sẻ.

Đúc kết từ kinh nghiệm thực tiễn khi tham gia dự án cánh đồng mẫu lớn của tỉnh, HTX nhận thấy rằng, muốn sản xuất quy mô lớn đòi hỏi phải có hệ thống thủy lợi và hạ tầng giao thông hoàn chỉnh. Bởi, theo quy định đối với lúa CLC, thời gian từ khi thu hoạch đến khi vận chuyển vào nhà máy không được quá 12 giờ. Trong khi đó, hạ tầng giao thông nông thôn của địa phương còn khá hạn chế, xe 15 tấn trở lên không đến được ruộng.

“Vào mùa thu hoạch rộ, mỗi ngày, HTX có thể thu hoạch lên đến cả trăm tấn, dù đã sử dụng cả giao thông đường thủy nhưng vẫn vượt thời gian quy định, do đó, HTX kiến nghị Nhà nước quan tâm đầu tư hạ tầng nông thôn, hỗ trợ trang thiết bị cơ giới hiện đại, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật.

Ngoài ra, cần có chính sách vay vốn linh hoạt, lãi suất thấp, dễ tiếp cận để các HTX có thể sánh ngang với các doanh nghiệp, làm chủ từ đồng ruộng đến xuất khẩu lúa gạo” - anh Tuấn chia sẻ thêm.

Sẵn sàng thực hiện Đề án

Thực hiện Đề án nhằm hình thành vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung quy mô lớn, ổn định lâu dài, tạo thuận lợi để tổ chức lại sản xuất lúa gạo Vùng ĐBSCL theo hướng hiện đại, đáp ứng đa mục tiêu.

Cơ giới hóa giúp nông dân giảm công lao động, giảm chi phí sản xuất

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đề án được triển khai theo 2 giai đoạn tại 12 tỉnh Vùng ĐBSCL, trong đó có tỉnh Long An.

Giai đoạn 1 (2024-2025), tập trung củng cố các diện tích đã có của dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) là 180.000ha. Long An và nhiều tỉnh trong khu vực đang rất phấn khởi, sẵn sàng bắt tay vào thực hiện Đề án với tâm thế, kỳ vọng mới cho ngành hàng lúa gạo.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền, thực hiện Đề án không chỉ góp phần bảo đảm an ninh lương thực, nguồn nguyên liệu cho công nghiệp, bảo đảm sức khỏe con người, tăng thu nhập cho nông dân,... mà còn xây dựng thương hiệu lúa, gạo giảm phát thải.

Qua đó, tăng sức cạnh tranh và nâng cao giá trị ngành hàng lúa, gạo, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững cho tỉnh và cả Vùng ĐBSCL.

“Với nền tảng là các diện tích lúa ƯDCNC và dự án VnSAT, tỉnh đã rà soát, đăng ký diện tích tham gia Đề án đến năm 2025 là 60.000ha; đến năm 2030, diện tích này sẽ mở rộng và tăng lên 120.000ha. Tỉnh sẽ tổ chức khởi động Đề án ngay trong vụ Đông Xuân 2023-2024” - ông Nguyễn Thanh Truyền thông tin./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết